Chi phí: Chi phí sản xuất của CTCP là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về vật chất và về lao động mà CTCP bỏ ra để sản xuất sản phẩm trong một thời kỳ nhất định. Chi phí của CTCP bao gồm chi phí sản xuất, chi phí tiêu thụ sản phẩm, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hoạt động khác.
Chi phí sản xuất: Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, CTCP phải tiêu hao các loại vật tư, nguyên vật liệu, hao mòn máy móc thiết bị sản xuất, trả lương cho công nhân trực tiếp sản xuất, ... Các chi phí này phát sinh có tính thường xuyên gắn liền với từng vị trí sản xuất, từng loại sản phẩm và từng loại hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tổng hợp tính toán chi phí sản xuất kinh doanh cần được tiến hành trong khoảng thời gian nhất định, không phân biệt các sản phẩm đã sản xuất hoàn thành hay chưa hoàn thành. Để quản lý và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các định mức chi phí, kiểm tra và phân tích quá trình phát sinh chi phí và hình thành giá thành sản phẩm, người ta thường phân loại chi phí sản xuất theo các tiêu thức khác nhau: Phân loại chi phí theo các yếu tố gồm chi phí vật tư, lương công nhân trực tiếp, chi phí sản xuất chung. Phân loại chi phí thành các khoản mục tính giá thành và phân loại chi phí sản xuất thành chi phí cố định và chi phí biến đổi.
Chi phí tiêu thụ sản phẩm: Đối với các doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trọng, khối lượng sản phẩm hàng hoá tiêu thụ ảnh hưởng quyết định đến quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để thực hiện tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra những chi phí nhất định như chi phí vận chuyển, chi phí tiền lương bán hàng, chi phí hoa hồng, khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị, bảo hành, ...
Trong hoạt động kinh doanh, khi quyết định lựa chọn phương án kinh doanh một sản phẩm nào đó, doanh nghiệp cần phải xác định chi phí bỏ ra để sản xuất và tiêu thụ một loại sản phẩm hoặc một khối lượng sản phẩm đó. Do vậy, doanh nghiệp cần phải xác định giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền toàn bộ chi phí của doanh nghiệp bỏ ra để hoàn thành việc sản xuất hoặc để sản
xuất và tiêu thụ một loại sản phẩm nhất định. Các doanh nghiệp hoạt động phải luôn luôn quan tâm tới việc giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Hạ giá thành sản phẩm là điều kiện cơ bản để doanh nghiệp thực hiện tốt tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp có thể hạ giá bán để tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, hạ giá thành là yếu tố quan trọng để tăng lợi nhuận.
Chi phí quản lý doanh nghiệp: Là các loại chi phí phục vụ cho quá trình quản lý doanh nghiệp như chi phí tiền lương cho cán bộ quản lý và nhân viên gián tiếp, chi phí nguyên nhiên vật liệu, hao mòn máy móc thiết bị, chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho bộ phận quản lý, ...
Chi phí hoạt động khác: Bao gồm chi phí hoạt động tài chính và chi phí hoạt động bất thường. Chi phí hoạt động tài chính bao gồm chi phí liên doanh liên kết, chi phí thuê tài sản, chi phí vay nợ, chi phí mua - bán chứng khoán. Chi phí hoạt động bất thường gồm chi phí nhượng bán thanh lý TSCĐ, giá trị còn lại của TSCĐ nhượng bán thanh lý, các khoản nộp phạt, các khoản tổn thất bất thường và chi phí bất thường khác.
Quản lý chi phí là một nội dung quan trọng trong cơ chế quản lý lợi nhuận của CTCP vì nó kết hợp với chỉ tiêu doanh thu để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Quản lý chi phí của CTCP được xây dựng trên cơ sở các quy định của Nhà nước về quản lý chi phí, căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, đặc điểm sản xuất kinh doanh, tính chất ngành nghề kinh doanh của CTCP. CTCP có thể có các hình thức quản lý chi phí như sau:
- Quản lý chi phí theo hình thức khoán chi phí:
Một số CTCP kinh doanh đa ngành, phát triển nhanh trên quy mô rộng trong quá trình kinh doanh có phát sinh nhiều khoản mục phí, trong đó nhiều khoản chi khó lượng hoá hoặc quy chuẩn thống nhất theo một định mức nhất định thì thực hiện xây dựng cơ chế khoán chi phí theo phương thức khoán theo một chỉ tiêu nào đó như: khoán chi theo doanh thu, theo tốc độ phát triển sản phẩm, ...
- Quản lý chi phí theo hình thức áp dụng định mức:
Một số CTCP kinh doanh đơn ngành, với đặc điểm kinh doanh một hoặc một số ít loại sản phẩm, các khoản mục chi phí phát sinh không nhiều và dễ lượng hoá,
so sánh giữa các đơn vị thành viên và ngay cả với những định mức chuẩn của Nhà nước ban hành, do đó thường có xu hướng quản lý chi phí bằng việc xây dựng các định mức chi phí. Trên cơ sở định mức này, các đơn vị thành viên áp dụng cho đơn vị của mình và như vậy CTCP có thể quản lý thống nhất chi phí kinh doanh trong toàn bộ Công ty và là cơ sở để kiểm soát yếu tố chi phí của các đơn vị thành viên.
- Quản lý chi phí theo hình thức hỗn hợp:
Hình thức này thường áp dụng đối với các CTCP có lịch sử phát triển lâu dài, đặc biệt là các CTCP lớn xuyên quốc gia. Trong quá trình hoạt động lâu dài, nhiều chỉ tiêu chi phí lặp đi lặp lại và hình thành một tiêu chuẩn chung, tự nhiên hình thành trong cơ chế quản lý chi phí của CTCP. Tuy nhiên các CTCP phát triển rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, phạm vi mở rộng trên nhiều quốc gia, tại đó các chỉ số tiêu hao vật tư, lao động, ... khác nhau. Do đó tuỳ từng điều kiện người ta có thể áp dụng linh hoạt hoặc cơ chế khoán chi phí hoặc cơ chế định mức. Đây là kiểu cơ chế quản lý chí phí linh hoạt và khá phổ biến.