T Chỉ tiêu Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.1. Hạn chế
Cơ chế quản lý tài chính của Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá chưa hoàn thiện, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất: Hiện tại, có nhiều nội dung quan trọng về quản lý tài chính trong CTCP chưa được đề cập trong CCQLTC của Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá, thể hiện ở một số mặt sau:
- Tổng Công ty chưa lập được chiến lược tài chính nói chung, chiến lược huy động, phát triển nguồn vốn nói riêng. Nguồn vốn huy động hiện tại vẫn chưa phong phú, chủ yếu vẫn là vốn góp và vốn vay. Hoạt động huy động vốn của Tổng Công ty luôn bị giới hạn bởi hạn mức vay vốn eo hẹp từ ngân hàng và khả năng tài chính có hạn của cổ đông nội bộ, chưa vận dụng được những hình thức huy động vốn khác trên thị trường tài chính. Tổng Công ty luôn trong tình trạng thiếu vốn, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
- Tổng Công ty cũng chưa xây dựng được các kế hoạch tài chính và ngân sách một cách chi tiết, rõ ràng và xác định thẩm quyền quyết định các khoản chi này. Đặc biệt là việc thực thi kế hoạch tài chính và ngân sách chưa thật sự nghiêm túc và quyết liệt. Thông thường, những năm qua Tổng Công ty chỉ đưa ra một số chỉ tiêu tài chính chủ chốt trong kế hoạch kinh doanh năm, trong khi các kế hoạch huy động vốn, ngân sách chi cho các khoản mục như thế nào chỉ được đưa ra để biết, quá trình thực thi trong năm thường không đạt được và chỉ dừng ở mức đến đâu hay đến đấy. Điều này làm cho việc thực thi kế hoạch SXKD rất bị động và tác dụng của công tác kế hoạch không cao.
- Tổng Công ty chưa xác định được cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp và có những quy định về quy mô, cơ cấu các nguồn vốn. Vì thường xuyên thiếu vốn cho SXKD nên Tổng Công ty huy động vốn tối đa từ tất cả các nguồn có thể để đáp ứng cho những nhu cầu vốn cấp bách hiện thời, chưa có kế hoạch rõ ràng và không cần xem xét sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu vốn như thế nào. Cơ cấu vốn của Tổng Công ty thường mất cân đối và không ổn định, vốn huy động ngắn hạn thường phải tài trợ cho tài sản dài hạn làm cho tình hình tài chính của Tổng Công ty luôn trong tình trạng bị động. Có thể thấy rõ sự mất cân đối này qua biểu đồ 2.6 dưới đây.
Nguồn: Bản cân đối kế toán của TCT cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa.
Biểu đồ 2.6: So sánh quy mô nguồn vốn dài hạn và tài sản dài hạn TCT cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa từ 2006÷2010
- Tổng Công ty chưa xây dựng được những nguyên tắc cơ bản cho việc điều hoà vốn, việc luân chuyển vốn giữa các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty được lãnh đạo Tổng Công ty quyết định chủ yếu dựa trên đáp ứng nhu cầu thanh toán tức thời tại đơn vị, chưa đánh giá, so sánh nhiều đến hiệu quả kinh tế sử dụng vốn tại các đơn vị thành viên.
- Cơ chế phân phối lợi nhuận của Tổng Công ty chưa thể hiện rõ về vấn đề phân phối lại một phần lợi nhuận cho các đơn vị thành viên tạo ra lợi nhuận, đặc biệt là thưởng cho những cán bộ chủ chốt của đơn vị đó, từ đó tạo ra động lực, nâng
cao tính chủ động, tích cực và hiệu quả tự giám sát của các đơn vị thành viên. Cơ chế quản lý lợi nhuận cũng chưa có quy định về việc thành lập quỹ khen thưởng bằng cổ phần, dùng nguồn quỹ cổ phần thưởng này để thưởng cho những cá nhân có thành tích công tác xuất sắc trong năm, thưởng cho những cá nhân có năng lực được thu hút về Tổng Công ty làm việc.
- Tổng Công ty chưa sử dụng hệ thống các chỉ tiêu phân tích tài chính trong công ty cổ phần để đánh giá và giám sát tình hình tài chính cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Chính vì vậy, lãnh đạo Tổng Công ty chưa có được cái nhìn bao quát, đầy đủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Công tác quản trị tài chính hầu như bị bỏ ngỏ, điều hành và giám sát công tác tài chính mới chỉ dừng lại ở mức độ định tính, chung chung hoặc ở những con số tuyệt đối riêng rẽ. Hiệu lực quản lý, giám sát tài chính do vậy không cao.
Thứ hai: CCQLTC của Tổng Công ty hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý tài chính đối với Công ty cổ phần có nhiều đơn vị thành viên hoạt động trên nhiều ngành nghề khác nhau. Điều này được thể hiện trên các mặt:
- CCQLTC của Tổng Công ty chưa phát huy được tính chủ động sáng tạo của các đơn vị thành viên. Tổng Công ty có các đơn vị thành viên hoạt động trên các ngành nghề kinh doanh khác nhau. Yêu cầu quản lý doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự kiểm soát tài chính trên phạm vi toàn Tổng Công ty, nhưng không vì thế mà làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo và quyền độc lập kinh doanh của các đơn vị thành viên. Thực tế hoạt động SXKD trong Tổng Công ty cho thấy, việc phân quyền đến các cấp quản lý trong cơ cấu tổ chức vẫn chưa được thiết lập cụ thể, các đơn vị thành viên còn bị động, mọi vấn đề lớn nhỏ tại đơn vị đều chờ quyết định hoặc xin ý kiến chỉ đạo từ cấp Tổng Công ty.
- Quy mô vốn của Tổng Công ty còn nhỏ, lại đầu tư và dàn trải vào các đơn vị thành viên với ngành nghề khác nhau nên mức độ tập trung vốn một cách lâu dài và bài bản cho từng đơn vị thành viên thấp, rất khó để các đơn vị này vươn lên thành những đơn vị dẫn đầu của ngành.
- Với cơ chế quản lý vốn tập trung tại Tổng Công ty nên không phát huy được khả năng chủ động huy động vốn tại đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên hoàn toàn phụ thuộc và trông chờ vào nguồn vốn Tổng Công ty huy động được, khả năng Tổng Công ty đáp ứng được vốn bao nhiêu thì SXKD bấy nhiêu, không tận dụng được hết tiềm năng tại đơn vị.
Thứ ba: CCQLTC của Tổng Công ty chưa được thể chế hoá bằng một văn bản thống nhất, các nội dung về quản lý tài chính được quy định rời rạc tại các văn bản khác nhau dẫn đến hiệu lực thực thi chưa cao.
Các quy định liên quan đến quản lý tài chính tại Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá hiện nay nằm tại Điều lệ tổ chức và hoạt động; Quy chế hoạt động và phân cấp quản lý; Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp; Quy định về chế độ công tác phí và Quy định quản lý tài chính. Mỗi một văn bản đề cập đến một vài vấn đề về quản lý tài chính còn Quy định quản lý tài chính mới chỉ đề cập đến các nguyên tắc lập và quản lý chứng từ kế toán, hạch toán kế toán, quản lý thu chi, ... chưa đúng với một văn bản quy định tổng thể về CCQLTC trong CTCP. Chính vì vậy chưa tạo ra một hành lang rõ ràng cho hoạt động quản lý tài chính trong doanh nghiệp.
Thứ tư: CCQLTC của Tổng Công ty còn nhiều điểm bất cập
- Phương thức đánh giá lại tài sản chưa thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là đánh giá tài sản cố định vẫn chủ yếu căn cứ vào giá trị sổ sách nên chưa phát huy được hết tiềm năng tài sản và đánh giá đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực tế giá trị tài sản cố định của Tổng Công ty trên sổ sách kế toán hiện tại thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế nhưng không được đánh giá lại một cách chính xác, quá trình định giá để thế chấp vay vốn ngân hàng cũng chưa tiến hành thuê đơn vị định giá độc lập nên thường bị ngân hàng đánh giá thấp. Các tài sản là bất động sản tại Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị có giá trị lớn nhưng vì vướng mắc về cơ chế quản lý và thủ tục pháp lý nên cũng không đưa được vào để thế chấp vay vốn ngân hàng dẫn đến hạn mức vay vốn từ ngân hàng thấp so với nhu cầu doanh nghiệp. Nếu tính toán theo giá thị trường tại thời điểm hiện tại thì giá trị TSCĐ của Tổng Công ty do Ngân hàng định giá thì chỉ bằng 1/2 giá trị thực tế, có nghĩa là nếu được đánh giá
chính xác, hạn mức vay vốn ngân hàng của Tổng Công ty có thể tăng thêm được từ 15 đến 20 tỷ đồng.
- Cơ chế quản lý tài sản chưa thực sự đồng bộ với cơ chế quản lý vốn mà trực tiếp là cơ chế huy động vốn. Thực tế những năm qua Tổng Công ty chủ yếu lo cho vấn đề đầu tư tài sản cố định (máy móc, thiết bị, nhà xưởng) nhưng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng thương hiệu thời gian đầu và nguồn vốn lưu động đủ để nhà máy hoạt động đạt công suất thì lại chưa được xem xét và kiểm soát thấu đáo. Chính vì vậy, đa số các dự án đầu tư đều hoạt động dưới công suất, hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị chưa thật sự cao.
- Quy mô Tổng Công ty còn nhỏ, nhưng quy trình xác định giá bán còn qua nhiều bước nên giảm tính linh động và nhanh nhạy trong quyết định giá bán sản phẩm. Giá bán sản phẩm còn tương đối cứng nhắc, chưa linh hoạt cho những đối tượng khách hàng khác nhau để gia tăng doanh thu và chiếm lĩnh thị phần, điểm này là một hạn chế của Tổng Công ty khi cạnh tranh với các đơn vị tư nhân có cùng quy mô. Tốc độ tăng doanh thu chưa cao, thị phần mở rộng còn chậm.
- Thực tế công tác kiểm soát tài chính của Tổng Công ty hiện nay đang đặt nặng lên vai Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng. Đa số các đơn vị thành viên của Tổng Công ty chưa có tư cách pháp nhân đầy đủ nên Tổng Giám đốc điều hành và giám sát cụ thể đến từng công việc cụ thể, đặc biệt là các khoản chi, Kế toán trưởng Tổng Công ty đồng thời được giao là Kế toán trưởng các đơn vị thành viên. Với quy mô Tổng Công ty ngày càng lớn, nếu lãnh đạo tập trung quá nhiều vào công tác sự vụ như hiện nay sẽ làm giảm hiệu lực giám sát tổng thể và vạch ra các chiến lược lớn, trong khi các bộ phận theo chức năng phân công lại bị động, ỷ lại và không phát huy được tác dụng.
- Cơ chế kiểm soát của Ban kiểm soát chưa thể hiện được đúng chức năng vai trò, quyền hạn của mình, Ban kiểm soát chưa thể hiện được các đánh giá độc lập, chỉ rõ những điểm yếu về tài chính cũng như quản lý tài chính của Tổng Công ty, đưa ra các kiến nghị xác đáng và quyết liệt theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị ngày của các cấp quản trị, điều hành Tổng Công ty. Điều này
xuất phát từ nguyên nhân thành viên Ban kiểm soát còn kiêm nhiệm, đang tham gia vào các công việc chuyên môn, năng lực và bản lĩnh còn hạn chế.
- Công tác lập kế hoạch tài chính và thực hiện kế hoạch còn mang nặng tính chủ quan, quá trình lập kế hoạch và thực thi kế hoạch không đi liền với nhau, nên những mục tiêu tài chính đưa ra đầu năm kế hoạch: huy động vốn, quay vòng vốn, ... thường không đạt được, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra. Hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân công tác lập kế hoạch chưa được quy trình hoá với sự tham gia của những bộ phận liên quan, việc lập kế hoạch cho các đơn vị thành viên và lên kế hoạch chung Tổng Công ty chủ yếu do cán bộ tại Tổng Công ty soạn thảo trên cơ sở ý kiến của Tổng Giám đốc, năng lực lập kế hoạch tại các đơn vị thành viên còn yếu. Khi lập kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch về nguồn vốn thường mới thể hiện được mong muốn chủ quan và yêu cầu cần có nguồn vốn như vậy để hoạt động chứ chưa đánh giá đúng khả năng thực tế có thể huy động.