Kinh nghiệm của Trung quốc

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM (LẤY VÍ DỤ Ở TỈNH NAM ĐỊNH) (Trang 46)

Trung Quốc là nước đất rộng (hơn 9,6 triệu km vuông) người đông, đa sắc tộc, đa văn hóa, có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, giữa các tỉnh, thành phố. Có tỉnh, thành phố rất phát triển nhưng cũng có vùng còn rất nghèo nàn, lạc hậu; sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn là rất lớn, mức chênh lệch giàu nghèo là rất cao. Về phát triển kinh tế, hiện Trung Quốc vừa song song tồn tại những thành phố công nghiệp rất hiện đại với những vùng nông nghiệp truyền thống. Đây là một đặc thù mà rất ít nước có. Đặc điểm này làm cho Trung quốc rất khó xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội thống nhất, phù hợp chung với tất cả các vùng. Vì vậy, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay khu tự trị với tính chất phân cấp, phân quyền cao đều được khuyến khích hình thành hệ thống an sinh xã hội phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Tại Trung Quốc, chính sách bảo hiểm xã hội được quan tâm ngay từ khi thành lập nước. Vào năm 1951 Quốc Vụ viện (Chính phủ) đã ban hành các điều lệ Bảo hiểm xã hội tại Trung Quốc và đã hình thành nên quỹ Bảo hiểm xã hội. Các điều lệ này được áp dụng cho tất cả các công ty, nhà máy, xí nghiệp của nhà nước. Các doanh nghiệp trích 3% quỹ lương đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Lương hưu và trợ cấp tai nạn lao động sẽ được lấy từ quỹ này. Các quyền lợi khác sẽ được doanh nghiệp chi trả theo quy định của nhà nước. Khi một doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả thì nhà nước sẽ đứng ra bảo hộ. Hệ thống này đã đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì sự ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên từ năm 1980, với chính sách cải cách mở cửa và thiết lập nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã tăng cường sửa đổi hệ thống luật pháp, sửa đổi và ban hành một số luật, chính sách tạo khuôn khổ pháp lý cho sự thành công của công cuộc cải cách và hiện đại hóa. Việc xây dựng hệ thống luật pháp về Bảo hiểm xã hội đã có nhiều thành tựu nổi bật. Với việc ban hành luật Lao động vào năm 1994 đã khỏa lấp khoảng trống về pháp luật Bảo hiểm xã hội tại Trung Quốc trong thời gian trước đó. Chung nhất về Bảo hiểm xã hội ở Trung Quốc có những nét chính sau đây:

+Tỷ lệ đóng góp: tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp do chính quyền cấp tỉnh quy định nhưng thông thường không quá 20% tổng quỹ lương của doanh nghiệp; những nơi nào quy định tỷ lệ đóng góp nhiều hơn 20% phải báo cáo với chính quyền trung ương để thông qua.

+Đối tượng thu: Người lao động và chủ sử dụng lao động nộp quỹ Bảo hiểm xã hội với mức đóng bắt buộc thông qua hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng.

+Cơ chế điều chỉnh: Nhà nước sẽ đều đặn tăng mức đóng bảo hiểm theo mức tăng của lương và theo mức tăng của giá cả sinh hoạt.

Nguồn huy động quỹ cho cấp tỉnh: hiện nay hầu hết sự phân bổ quỹ Bảo hiểm xã hội ở các tỉnh, thành phố, khu vực được điều chỉnh theo mức trung bình của tỉnh. Cơ bản Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh dự trù quỹ Bảo hiểm xã hội của mình. Dự trù này sẽ được cân đối giữa các thành phố và các khu vực.

Tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp: Nhìn chung với những chính sách cơ bản nói trên thì Bảo hiểm xã hội Trung Quốc phân cấp từ trung ương đến các tỉnh và các khu tự trị. Tuy nhiên, ở Bảo hiểm xã hội các tỉnh vẫn

có những quyền độc lập nhất định do vậy quy định về chính sách của mỗi tỉnh vẫn có những sự khác biệt cơ bản để nhằm điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.

Cơ quan quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội chủ yếu do hệ thống dọc của Bộ Lao động và An sinh xã hội ở các cấp và các cơ quan Bảo hiểm xã hội có liên quan chịu trách nhiệm. Các cơ quan Bảo hiểm xã hội được thiết lập ở 3 cấp: cấp tỉnh, địa khu, cấp huyện.

Phương thức quản lý: hai cơ chế tách biệt dựa trên thu nhập nguồn vào và nguồn chi đầu ra là nguyên tắc quản lý chính của quỹ Bảo hiểm xã hội. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thu đóng góp Bảo hiểm xã hội rồi chuyển vào các tài khoản của Bảo hiểm xã hội. Các tài khoản này được mở tại các cơ quan của Bộ tài chính các cấp. Các cơ quan Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm trả các quyền lợi bảo hiểm thông qua hệ thống tài chính các cấp.

Cách thức thu: Người lao động và chủ doanh nghiệp nộp quỹ Bảo hiểm xã hội với mức đóng bắt buộc thông qua hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng.

Hoạt động giám sát được thực hiện bởi Hội đồng Nhà nước và Chính Phủ (thuộc chức năng ngành Lao động và An sinh xã hội). Ủy ban giám sát Bảo hiểm xã hội do Chính phủ chỉ định các bộ, ngành, đơn vị và đại diện các bên trong quan hệ 3 bên: nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động. Ủy ban này tiến hành giám sát xã hội đối với việc thực thi pháp luật Bảo hiểm xã hội.

Cơ chế giám sát quỹ: hình thành các quy chuẩn để quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội; hình thành một hệ thống giám sát quỹ Bảo hiểm xã hội với các quy định cụ thể về hình thức, nội dung, quy trình cũng như chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan giám định; thiết lập một hệ thống chế tài xử lý liên quan đến việc vi phạm thu quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về vai trò, chức năng của các cơ quan liên quan: Tất cả các chương trình Bảo hiểm xã hội đều do Bộ Lao động và An sinh xã hội quản lý. Bộ Lao động và An sinh xã hội có chức năng nghiên cứu, đề xuất và trình chính sách, chế độ về Bảo hiểm xã hội; tổ chức quản lý hệ thống các cơ quan Bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động và ASXH là thường trực trong Hội đồng quản trị Bảo hiểm xã hội, có trách nhiệm và quyền tham gia điều hành quỹ Bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động và An sinh xã hội đóng vai trò là cơ quan sự nghiệp, thực hiện các nghiệp vụ về tính toán, thu chi. Cơ quan này có hệ thống từ Trung ương tới địa phương.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương (cấp huyện và xã) thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục để người nghỉ hưu tiếp cận và hưởng chế độ hưu trí.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM (LẤY VÍ DỤ Ở TỈNH NAM ĐỊNH) (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w