Cơ chế thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM (LẤY VÍ DỤ Ở TỈNH NAM ĐỊNH) (Trang 31)

Thuật ngữ “cơ chế” có gốc tiếng Hy lạp nghĩa là cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy móc. Trong các môn khoa học như: sinh học, y học... cơ chế được hiểu là phương thức liên hệ tác động và điều tiết qua lại giữa các bộ phận trong cơ thể có sự thay đổi sinh lý hoặc bệnh lý.

Khi xã hội phát triển, từ “cơ chế” được sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội và có nhiều cách lý giải khác nhau về thuật ngữ này. Nhưng có quan điểm cho rằng: “cơ chế là cách thức, theo đó là một quá trình thực hiện”. Như vậy, thuật ngữ cơ chế theo khái niệm này đã hàm chứa hoạt động của một hệ thống, trong đó có bộ phận tổ chức điều hành và bộ phận thực hiện. Bộ phận tổ chức điều hành phải xây dựng được một loạt các biện pháp nhằm sắp xếp, tổ chức các hoạt động ở mỗi bộ phận và trong toàn hệ thống để hướng dẫn bộ phận thực hiện trên cơ sở đó mà làm cho thống nhất.

Như vậy, có thể nói rằng cơ chế là cách thức phối hợp giữa các bộ phận trong một hệ thống nhằm đảm bảo thực hiện những mục tiêu đã định trước.

*Khái niệm cơ chế thu bảo hiểm xã hội:

Cơ chế thu bảo hiểm xã hội là phương thức phối hợp, liên kết các yếu tố tạo thành các cách thức, các hình thức phối hợp giữa chính sách thu bảo hiểm xã hội và quá trình tổ chức thực hiện chính sách thu bảo hiểm xã hội đảm bảo chính sách thu bảo hiểm xã hội đúng đối tượng và có hiệu quả.

Khi gắn khái niệm cơ chế thu bảo hiểm xã hội với đối tượng nghiên cứu là thu bảo hiểm xã hội thì khái niệm cơ chế thu bảo hiểm xã hội phải truyền tải những nội dung của khái niệm cơ chế. Cơ chế thu bảo hiểm xã hội phải là một cách thức nhất định theo đó các bộ phận trong hệ thống thu bảo hiểm xã hội tác động đến nhau nhằm đảm bảo được các mục tiêu nhất định về thu bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trong khái niệm cơ chế thu bảo hiểm xã hội đã bao hàm không chỉ các quy định quản lý mà còn bao hàm yếu tố con người chịu trách nhiệm thực hiện những phương thức, đường lối, quan điểm, định hướng đã được định ra trước.

Hệ thống thu bảo hiểm xã hội đề cập đến các chủ thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình thu bảo hiểm xã hội. Liên quan đến thu bảo hiểm xã hội có các chủ thể như: người nộp bảo hiểm xã hội (đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội), cơ quan thu bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, các cơ quan và các chủ thể khác có liên quan. Các chủ thể này có thể gọi là các bộ phận trong hệ thống thu bảo hiểm xã hội. Sự phối hợp và liên kết các bộ phận

này là sự phối hợp đa chiều và mang nhiều màu sắc khác nhau bởi vì phạm vi và kết quả phối hợp được thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau.

Đóng vai trò chính làm đường hướng, hướng dẫn và điều chỉnh sự phối hợp này phải kể đến đầu tiên là các quy định về đóng bảo hiểm xã hội. Đây là sự thể hiện các mục tiêu về Bảo hiểm xã hội của Nhà nước được pháp quy hoá và cũng sẽ là căn cứ để soi rọi và đánh giá kết quả của quá trình thu bảo hiểm xã hội. Tiếp đến là các quy chế, quy định được hình thành từ quá trình phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống thu bảo hiểm xã hội và cũng nhằm phục vụ cho sự phối hợp đó. Những quy định về thu bảo hiểm xã hội trong chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi thì các quy chế, quy định cũng phải thay đổi và sự phối hợp giữa các bộ phận cũng sẽ được điều chỉnh thay đổi. Có thể nói, chính sự phối hợp giã các bộ phận đó đã là cách thức truyền tải chính sách vào cuộc sống. Hiệu quả phối hợp cao thì các mục tiêu của chính sách càng có cơ hội hiện thực hoá. Ngược lại, nếu chính sách được xây dựng nhưng tách rời thực tiễn thì nó sẽ là rào cản cho sự phối hợp giữa các bộ phận, thậm chí không thể thực hiện được.

Như vậy, có sự phân biệt giữa cơ chế thu bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm xã hội. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tách rời cơ chế thu bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm xã hội. Muốn xây dựng được cơ chế thì phải có chính sách; cơ chế phải hướng đến các mục tiêu mà chính sách đề ra. Một cơ chế không hiệu quả sẽ khiến cho các bộ phận không đạt được những kết quả mà chính sách hướng tới. Ngược lại, một chính sách bất cập thì sẽ không thể có một cơ chế công bằng và minh bạch.

*Đặc điểm cơ chế thu bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp

Thu bảo hiểm xã hội là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội ở Việt nam, công tác thu có một số đặc điểm cụ thể sau:

-Công tác thu là khâu đầu tiên trong hoạt động bảo hiểm xã hội, có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại. Các cán bộ, công chức viên chức làm công tác thu phải theo dõi kết quả thu nộp bảo hiểm xã hội của từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động theo từng tháng, từng quý, từng năm, từng thời ký để kịp thời nắm bắt được tình hình đóng bảo hiểm xã hội của từng cá nhân, từng đơn vị. Có thể nói, công tác thu có khối lượng công việc rất lớn, cần một nguồn nhân lực lớn đủ năng

lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công việc; cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại để có thể phục vụ và làm tốt công tác thu.

-Công tác quản lý thu rất phức tạp và đa dạng, nó liên quan trực tiếp đến cả người lao động và người sử dụng lao động.

Đối với khối hành chính sự nghiệp và khối doanh nghiệp Nhà nước có đặc điểm đó là những người lao động làm việc trong khu vực này có tính ổn định cao, được Nhà nước đảm bảo về tiền lương, các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn được Nhà nước đảm bảo. Do vậy, việc thực hiện các chế độ về thu nộp bảo hiểm xã hội, giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc khối này luôn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ. Thường là không có hiện tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lạm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội.

Khác với khối hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước, khối doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh phát triển còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch. Làm ăn vụ lợi, riêng biệt, nhỏ lẻ thường chưa có chiến lược phát triển tổng thể và lâu dài. Vì vậy, việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn nhất là việc đôn đốc đóng bảo hiểm xã hội. Hệ thống luật pháp đối với khu vực này chưa hoàn chỉnh đồng bộ nên vẫn còn xảy ra tình trạng kinh doanh không có đăng ký hoặc trái với ngành nghề đăng ký; trốn lậu thuế; xâm phạm đến quyền lợi người lao động; vi phạm đến luật lao động, đi trái với các quy luật của thị trường... ảnh hưởng đến nhiều mặt của thị trưòng và của nền kinh tế nước ta. Việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động còn bị các chủ doanh nghiệp trốn tránh hoặc nợ bảo hiểm xã hội dây dưa kéo dài là phổ biến... Cho đến nay, chính sách quản lý các doanh nghiệp chưa thật toàn diện.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CƠ CHẾ THU BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM (LẤY VÍ DỤ Ở TỈNH NAM ĐỊNH) (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w