Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội có vai trò, trách nhiệm cao liên quan đến việc hoạch định chính sách, tuyên truyền, vận động chủ trương thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động và xử lý tranh chấp Bảo hiểm xã hội.
Đối với hoạt động hoạch định xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội đóng vai trò chính trong xây dựng luật pháp, xác định chính xác đối tượng thu bảo hiểm xã hội (các khoản thu bảo hiểm xã hội); cách thức quản lý quỹ, quản lý các loại hình, chế độ Bảo hiểm xã hội; tính toán về thời gian, độ tuổi nghỉ hưu, phương thức tính mức hưởng theo từng ngành nghề, địa bàn,...; phân tích và đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm tăng độ bao phủ và tính bền vững quỹ. Cơ quan làm nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội thông qua việc phản ánh đầy đủ những vướng mắc, bất cập trong thực tế thực hiện chính sách. Có sự phối hợp giữa hai bộ phận này là vì muốn chính sách bảo hiểm xã hội gắn với thực tiễn, dễ dàng tạo điều kiện cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, dễ dàng tiếp cận cũng như tự giác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Do đó, để đạt được yêu cầu này thì rất cần sự trao đổi, cung cấp thông tin, phản ánh tình hình thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở các thông tin mà cơ quan Bảo hiểm xã hội phản hồi, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội sẽ nghiên cứu xây dựng, chỉnh sửa hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm khắc phục những vướng mắc, những bất cập. Như vậy sự phối hợp chặt chẽ thông qua việc thường xuyên trao đổi, phản hồi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và ban hành chính sách bảo hiểm xã hội gắn với thực tiễn.