Trước sự đổi mới kinh tế-xã hội mạnh mẽ về nhiều mặt, một thực tế khách quan được đặt ra là công tác Bảo hiểm xã hội cũng cầng cần có được sự đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu của giai đoạn mới.
Do đó, trong thời gian từ năm 1995 trở lại đây, Nhà nước đã ban hành các văn bản về Bảo hiểm xã hội, bao gồm:
-Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước và mọi người lao động theo loại hình Bảo hiểm xã hội bắt buộc để thực hiện thống nhất trong cả nước. Các chế độ Bảo hiểm xã hội được qui định trong Nghị định 12/CP bao gồm: chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; như vậy, so với chính sách bảo hiểm xã hội cũ, Điều lệ Bảo hiểm xã hội mới này chỉ còn thực hiện năm chế độ thay vì sáu chế độ, việc bỏ chế độ trợ cấp mất sức lao động được cả người sử dụng lao động và người lao động đều đồng tình ủng hộ.
-Nghị định 19/CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Từ ngày 1/10/1995, hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam bước vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc, sự ra đời và hình thành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một bước ngoặt lớn, quan trọng trong quá trình phát triển của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
-Nghị định số 45/CP ngày 15/07/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Các chế độ trong Điều lệ Bảo hiểm xã hội áp dụng cho lực lượng vũ trang này gồm có: chế độ trợ cấp ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
-Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/07/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.
-Nghị định số 73/1998/NĐ-CP ngày 19/08/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Quy định người lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập trong các các lĩnh vực kể trên được tham gia và hưởng mọi quyền lợi như người lao động trong các đơn vị công lập.
-Nghị định 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất.
-Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; quy định thực hiện chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, đơn vị mà bị suy giảm
sức khoẻ; sau khi điều trị do ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mà chưa phục hồi sức khoẻ hoặc lao động nữ yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản.
-Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/CP của Chính phủ, trong đó quy định thêm các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.
-Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11được Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006; Nghị định số 152/2006/NĐ-CP do Chính phủ ngày 22 tháng 12 năm 2006 về việc hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, sự thay đổi quan trọng nhất trong quản lý Bảo hiểm xã hội là việc quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung thống nhất với một ngành quản lý và thực hiện các chính sách về Bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Việc tập trung quản lý tạo ra sự thống nhất trong các hoạt động bảo hiểm xã hội, việc chỉ đạo, phối hợp, kết hợp các hoạt động bảo hiểm xã hội được chính xác nhịp nhàng, tránh được sự phân tán trong hoạt động bảo hiểm xã hội như ở giai đoạn trước năm 1995.