Chi tiêu công cộng có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách kinh tế của Chính phủ. Hầu hết các khoản chi của Chính phủ đều nhằm vào ba mục tiêu chính để thực hiện 3 chức năng cơ bản của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường: phân bổ nguồn lực; ổn định nền kinh tế và phân phối lại thu nhập.
- Phân bổ nguồn lực
Nền kinh tế thị trường vốn có những khuyết tật như độc quyền, hàng hóa công cộng, ngoại ứng hay tình trạng thông tin bất đối xứng nên việc phân bổ
nguồn lực không đạt được hiệu quả. Vai trò của Chính phủ là cần phải có sự can thiệp vào nền kinh tế để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Có nhiều cách can thiệp của Chính phủ, trong đó chi tiêu công là một cách thức phổ biến. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, sự can thiệp của Chính phủ vào phân bổ nguồn lực không phải bao giờ cũng đạt hiệu quả tối ưu, bởi vì Chính phủ cũng có những hạn chế của mình và mọi can thiệp của chính phủ đều kèm theo chi phí nhất định. Về nguyên tắc chỉ có thể sử dụng sự can thiệp của Chính phủ khi các chính sách phải mang lại cho xã hội các lợi ích lớn hơn những chi phí phát sinh thêm mà xã hội phải gánh chịu.
- Phân phối lại thu nhập
Phân phối lại thu nhập là một động cơ quan trọng đứng đằng sau nhiều chính sách của Chính phủ. Chính phủ có thể thực hiện mục tiêu này bằng nhiều cách như: Đánh thuế lũy tiến, chi trợ cấp bằng tiền hoặc thông qua các chương trình của Chính phủ. Chính phủ có thể thực hiện phân phối lại thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và các dịch vụ khác. Ngoài ra, Chính phủ cũng thông qua các hoạt động điều tiết như bảo vệ người tiêu dùng, chống độc quyền, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm,…để thực hiện mục tiêu phân phối. Tất nhiên, các chính sách phân phối lại của chính phủ cũng bao hàm các chi phí nhất định, và vì vậy cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng trong thực thi chính sách.
- Ổn định hóa nền kinh tế
Các chính sách chi tiêu của Chính phủ có vai trò to lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, như cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
+Các khoản chi mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Chính phủ là một bộ phận cấu thành của chi tiêu trong nước, vì thế đóng góp vào khả năng hấp thụ trong nước. Như đã biết, bất cứ một sự mở rộng chi tiêu nào cũng đều gây nên hiệu ứng số nhân, tác động đến cầu tư nhân về sản phẩm nội địa cũng như sản
phẩm nhập khẩu. Việc tăng chi tiêu cho hàng nhập khẩu sẽ làm suy giảm cán cân thanh toán, trong khi nó không giúp ích gì cho sản xuất nội địa. Tăng chi tiêu có thể được tài trợ bằng tăng thuế hiện tại hoặc đi vay, cũng có nghĩa là tăng thuế trong tương lai.
+ Chi chuyển nhượng tuy không thể hiện sự tiêu hao nguồn lực thực sự của xã hội nên không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước, nhưng nó có tác động đến thu nhập khả dụng của tư nhân, do đó có ảnh hưởng gián tiếp đến chi tiêu tư nhân và ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế.
+ Chi trả lãi của khu vực công cộng không có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ trong nước cũng như tổng cầu, nhưng nó lại bổ sung thu nhập cho người nhận và sẽ có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua xu hướng tiêu dùng biên. Ngoài ra cũng cần thấy rõ mối quan hệ qua lại giữa tiền trả lãi của Chính phủ và hâm hụt ngân sách. Chi trả lãi nhiều là do quy mô thâm hụt lớn trong quá khứ chứ không phải do yếu kém của chính sách hiện tại. Thâm hụt ngân sách trầm trọng sẽ gây ra nợ chồng chất và do đó trả lãi có thể trở thành một gánh nặng chi tiêu cho ngân sách và kéo theo những bất ổn cho nền kinh tế trong dài hạn.
Tóm lại, các khoản chi tiêu của Chính phủ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếpđến nền kinh tế vĩ mô. Do đó, việc thay đổi quy mô và cơ cấu chi tiêu công cộng trở thành một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh các biến số vĩ mô nhằm ổn định hóa nền kinh tế.