Hai công cụ chính của chính sách tài khóa là chi tiêu của chính phủ và hệ thống thuế.
1.2.3.1. Chi tiêu của chính phủ ( chi tiêu công cộng)
a) Khái niệm và phân loại
Chi tiêu công cộng phản ánh những lựa chọn chính sách của Chính phủ. Mỗi khi Chính phủ quyết định cung cấp những loại hàng hóa và dịch vụ nào, với khối lượng và chất lượng ra sao thì chi tiêu công cộng cũng phản ánh chi phí để thực hiện các quyết định đó. Do cách hiểu về chi phí để thực hiện các quyết định cung cấp hàng hóa và dịch vụ của Chính phủ đến nay vẫn chưa thống nhất nên có thể có 2 cách hiểu khác nhau về chi tiêu công cộng. Cách hiểu thứ nhất, theo nghĩa hẹp, chi tiêu công cộng bao gồm những chi phí trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thông qua ngân sách công cộng, tức là khối lượng tiền mà chính phủ chi từ ngân sách để đáp ứng ứng các khoản chi tiêu này. Theo cách hiểu này,việc chi phí để thực hiện các quyết định của chính phủ được lấy từ nguồn
ngân sách của chính phủ. Song trên thực tế, các quyết định của Chính phủ lại có liên quan hoặc là trực tiếp hoặc gián tiếp đến chi phí của khu vực tư nhân. Vì thế nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì các chi phí hình thành chưa phản ánh hết tác động của các quyết định công cộng đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Để khái quát được các chi phí thực hiện quyết định công cộng cần hiểu khái niệm này theo nghĩa rộng, theo đó, chi tiêu công cộng là toàn bộ các khoản chi phí của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và của toàn dân khi cùng trang trải cho các hoạt động do Chính phủ quản lý. Rõ ràng khái niệm chi tiêu công cộng theo nghĩa rộng phản ánh đầy đủ hơn chi phí xã hội của các hoạt động của Chính phủ. Mặc dù vậy, do việc ước tính tất cả các chi phí thường rất khó khăn nên trong thực tế, khi đề cập đến chi tiêu công cộng người ta thường sử dụng khái niệm chi tiêu công cộng theo nghĩa hẹp.
Có thể phân loại chi tiêu công cộng theo các góc độ khác nhau:
-Theo tính chất của chi tiêu, chi tiêu công cộng bao gồm chi tiêu hoàn toàn mang tính chất công cộng và chi chuyển giao. Chi tiêu hoàn toàn mang tính chất công cộng là những khoản chi tiêu đòi hỏi các nguồn lực của nền kinh tế. Việc khu vực công cộng sử dụng những nguồn lực này sẽ loại bỏ việc sử dụng nguồn lực vào các khu vực khác. Do đó, chi phí cơ hội chi phí cơ hội của những khoản chi tiêu công cộng này là sản lượng phải từ bỏ ở khu vực khác. Trong kinh tế vĩ mô, khoản chi này thường được xem là gây ra hiệu ứng làm “ suy giảm” đầu tư tư nhân. Vì thế, yêu cầu đặt ra là với tổng nguồn lực có hạn của nền kinh tế, cần cân nhắc để chi tiêu vào đâu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Khác với chi hoàn toàn mang tính chất công cộng, chi chuyển giao là các khoản chi có tính chất phân phối lại, như chi lương hưu, trợ cấp, chi phúc lợi xã hội…Những khoản chi tiêu này không thể hiện yêu cầu của khu vực công cộng với với các nguồn lực thực của xã hội mà chúng đơn thuần chỉ là sự chuyển giao từ người này sang người khác thông qua khâu trung gian là khu vực công cộng.
+ Chi cho các dịch vụ của Chính phủ: Là khoản chi ngân sách cho những hoạt động thường xuyên, bao gồm chi cho các cơ quan hành chính của Chính phủ, chi trả lương, chi cho quốc phòng, an ninh, tòa án…
+ Chi cho các dịch vụ kinh tế: Bao gồm các khoản đầu tư của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng, điều tiết, trợ cấp sản xuất…
+ Chi cho các dịch vụ cộng đồng và xã hội: Bao gồm các khoản chi cho cộng đồng, các hộ gia đình, cá nhân như chi cho giáo dục, y tế, hưu trí, trợ cấp thất nghiêp, phúc lợi, văn hóa, giải trí…
+ Chi khác: Chủ yếu là chi trả lãi cho các khoản nợ của Chính phủ hoặc phân bổ ngân sách giữa các cấp chính quyền.
- Phân loại theo mục đích chi tiêu: Tất cả các khoản chi tiêu của Chính phủ thường được phân loại theo cách truyền thống thành chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư. Ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc chi trả nợ thường được tách ra thành một khoản mục riêng ngoài chi thường xuyên và chi đầu tư.
+ Chi tiêu thường xuyên là các khoản chi để mua hàng hóa và dịch vụ không lâu bền và mang tính chất lắp đi lắp lại thường xuyên qua các năm ( chi trả lương cho cán bộ công chức nhà nước, chi duy trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng…).
+ Chi đầu tư: là khoản chi tiêu về đất đai, mua thiết bị, tài sản vật chất và tài sản vô hình, trái phiếu Chính phủ, tài sản phi tài chính có giá trị nhất định và có thời gian sử dụng hơn một năm.