Năng lực chuyên môn của cán bộ công chức

Một phần của tài liệu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ hành chính công theo cơ chế một cửa tại ubnd thị xã cửa lò – nghệ an (Trang 44)

Đội ngũ công chức hành chính nhà nước, với tư cách là những chủ thể tiến hành các hoạt động công vụ, là hạt nhân của nền công vụ và cũng chính là yếu tố bảo đảm cho nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đòi hỏi mỗi công chức không chỉ có bằng cấp chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc mà phải có kỹ năng giải quyết các công việc cũng cần phải được đặt ra; mỗi công chức phải có tư duy độc lập, sáng tạo, bám sát và am hiểu thực tiễn, trau dồi nghiệp vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn đang công tác và có khả năng xử lý, giải quyết công việc chuyên môn phù hợp với thực tế.

Năng lực công tác phải luôn gắn liền với kỹ năng giải quyết công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn mà người công chức đảm nhận. Năng lực của công chức không phải là năng lực bất biến, được sử dụng trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Ơ thời điểm hay môi trường này, năng lực được thể hiện, phát huy tác dụng, nhưng ở thời điểm khác thì cần phải có loại năng lực khác. Mỗi hoàn cảnh, môi trường làm việc khác nhau đặt ra yêu cầu về năng lực của công chức khác nhau. Do đó, năng lực của công chức luôn gắn với mục đích tổng thể, với chiến lược phát triển của cơ quan, tổ chức và phải gắn với lĩnh vực, điều kiện cụ thể; đồng thời năng lực liên quan chặt chẽ đến quá trình và phương pháp làm việc hiệu quả, khoa học. Yêu cầu năng lực sẽ thay đổi khi tình hình công việc và nhiệm vụ thay đổi.

Thông thường năng lực được phân thành 04 mức độ: (1) Có thực hiện công việc khi được hướng dẫn, kèm cặp cụ thể thường xuyên; (2) thực hiện được công việc, nhưng thỉnh thoảng vẫn cần sự hướng dẫn; (3) có thể thực hiện tốt công việc một cách thành thạo, độc lập; (4) thực hiện công việc một cách thành thạo và có khả năng hướng dẫn được cho người khác. Đối với công chức cần phân biệt giữa năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức:

- Năng lực chuyên môn được thể hiện trong việc quản lý nhân sự, quản lý công nghệ thông tin, cập nhật và áp dụng kiến thức pháp luật, cũng như trong quan hệ với đồng nghiệp, quần chúng, trong quản lý và xác định vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của công chức nhằm hướng đến mục tiêu công việc, làm chủ được kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ để thực thi công việc hiệu quả, chất lượng.

- Năng lực tổ chức bao gồm khả năng động viên và giải quyết các công việc, đó chính là khả năng tổ chức và phối hợp các hoạt động của các công chức trong tổ chức, khả năng làm việc, đàm phán với cá nhân, tổ chức bên ngoài để đạt đến mục tiêu của tổ chức; biết dự đoán, lập kế hoạch, tổ chức, quản lý, điều hành, phối hợp công việc và kiểm soát công việc. Năng lực này đặc biệt cần thiết và quan trọng đối với công chức bởi nó được xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm cho công chức ở các vị trí cao hơn.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính nhà nước đòi hỏi xác định đúng khung năng lực vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức bởi nó nền tảng quan trọng cho phương pháp quản lý nguồn nhân lực theo năng lực. Bên cạnh đó, công chức phải nắm chắc chính sách, pháp luật nhà nước quy định theo từng lĩnh vực công tác, có kiến thức về quản lý nhà nước, có khả năng lập kế hoạch công tác, có kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, có khả năng nhìn nhận, phân tích vấn đề, xử lý được những tình huống cụ thể trong thực tế công việc và đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ quan, tổ chức.

Một phần của tài liệu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ hành chính công theo cơ chế một cửa tại ubnd thị xã cửa lò – nghệ an (Trang 44)