Tính minh bạch là thực hiện chế độ công khai, minh bạch về toàn bộ hoạt động quản lý của Nhà nước, trừ những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh cần giữ bí mật. Cần nhấn mạnh: Công khai gắn với minh bạch, vì có những trường hợp có công khai nhưng không minh bạch, vì không thuyết minh rõ tính xác thực, căn cứ đúng đắn của những vấn đề đã công bố công khai.
Trong xã hội ta, với Nhà nước pháp quyền "của dân, do dân và vì dân", thì tính minh bạch trong hoạt động quản lý là lẽ đương nhiên, cũng có thể coi là lẽ sống, nguồn sức mạnh của bộ máy công quyền. Minh bạch trước hết là nhằm bảo đảm bản chất dân chủ của xã hội, thể hiện quyền của người dân trong việc tham gia quản lý nhà nước. Minh bạch cũng là một giải pháp rất quan trọng để khắc phục tệ quan liêu tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý. Minh bạch trong quản lý cũng là điều kiện không thể thiếu để bộ máy nhà nước tiếp thu trí tuệ của dân đóng góp cho các hoạt động quản lý. Minh bạch cũng là một yêu cầu cần thiết để thành công trong hội nhập quốc tế.
Trong lĩnh vực hành chính công, công khai minh bạch được hiểu là công khai những quy trình, thủ tục xử lý hồ sơ; công khai thời gian xử lý, phí và lệ phí, có thể công khai chức danh cán bộ xử lý hồ sơ. Việc công khai minh bạch không những giúp
người dân và tổ chức hiểu rõ các quy định, quy trình và thủ tục xử lý hồ sơ mà qua đó người dân và tổ chức thể hiện vai trò giám sát của mình đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung ứng các dịch vụ, điều này sẽ góp phần hạn chế dược nạn quan liêu, tham nhũng cũng như nâng cao niềm tin của người dân và tổ chức đối với cơ quan công quyền vốn đã suy giảm uy tín trong những năm vừa qua.
Tiếp theo, cần có cơ chế ràng buộc mọi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch trong quản lý. Những vấn đề hoặc văn bản nhà nước thuộc loại "mật" hoặc "tuyệt mật" cần được quy định chặt chẽ, có giám sát, phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân.
Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng, vì có thể gặp nhiều trở ngại. Nhưng nếu cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên, chắc chắn sẽ khắc phục được trở ngại, tìm ra được những hình thức thích hợp để thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực.