5. Kết cấu của khóa luận
2.6.3. Giám sát và đánh giá
Theo quy định, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược. Việc giám sát và đánh giá thực hiện chiến lược 10 năm được thực hiện đều đặn một cách gián tiếp thông qua việc giám sát và đánh giá kết quả của các KHPT hàng năm, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm quốc gia, các KHPT 5 năm. Đánh giá trực tiếp kết quả thực hiện chiến lược thể hiện ở việc tổng kết kết quả phát triển KT-XH đạt được ở các thời điểm giữa kỳ chiến lược hay ở năm kết thúc thực hiện chiến lược thông qua đánh giá các mục tiêu chỉ tiêu chiến lược với số liệu thống kê thực tế. Tuy nhiên, rất khó để thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa mục tiêu kế hoạch và kết quả thực tế do không có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả mang lại từ các giải pháp chính sách và các dự án mục tiêu đã triển khai. Nói cách khác, việc thiết lập tiêu chí và chỉ tiêu để đánh giá kết quả của các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm nhằm đạt mỗi mục tiêu đã không được chú trọng.
Đánh giá tình hình thực hiện KHPT KT-XH 5 năm được triển khai hàng năm thông qua việc đánh giá các KHPT hàng năm và đánh giá vào năm thứ 5 của kỳ kế hoạch. Kết quả thực hiện kế hoạch được đánh giá trên cơ sở so sánh các mục tiêu định lượng với số liệu thống kê thực tế. Nhưng vì chưa xây dựng được một hệ thống đánh giá hiệu quả thuyết phục trên cơ sở liên kết giữa giải pháp chính sách và các chương trình đầu tư với mục tiêu đạt được nên rất khó để khẳng định rằng các thành tựu về KT-XH là kết quả của việc thực hiện thành công các KHPT hay chỉ đơn giản là sự phát triển tự nhiên của thị trường.
Việc giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia trong khuôn khổ KHPT KT-XH 5 năm do nhiều cơ quan đảm nhiệm trong đó Bộ ngành quản lý. Việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các chương trình, công trình này trước hết được giao cho các Bộ, ngành chủ trì. Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát từ bên ngoài cũng được thực hiện. Một số chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm quốc gia cũng được kiểm tra bởi cơ quan Kiểm toán nhà nước.
Nhìn chung, hệ thống đánh giá hiệu quả kế hoạch chỉ chủ yếu tập trung vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư thay vì hiệu quả của dự án được triển khai. Trong khi thẩm quyền của các cơ quan kiểm toán chỉ nhằm kiểm tra xem các khoản chi tiêu
đầu tư có đúng với dự án được phê duyệt và các quy định tài chính hay không, các cơ quan giám sát khác lại đặt mối quan tâm vào tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm. Do đó, rất dễ thấy những con số thống kê về tiến độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ trong các báo cáo đánh giá nhưng rất khó tìm được số liệu hay thông tin về các cuộc điều tra đánh giá hiệu quả của dự án.