5. Kết cấu của khóa luận
2.6.1. Quy trình lập kế hoạch hóa
Theo phương pháp truyền thống, Việt Nam và các nước đang phát triển thường xây dựng và quản lý kế hoạch theo giai đoạn cố định, ví dụ như chiến lược phát triển 10 năm 1990-2000, kế hoạch 5 năm 2001-2005… Theo phương pháp này, các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm được tính cho cả thời kỳ 5 năm bình quân, hoặc con số năm cuối. Đây là phương pháp truyền thống dễ xây dựng, dễ quản lý và dễ đánh giá. Tuy vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều biến động, thì phương pháp này có nhiều bất cập, đó là tính thiếu cập nhật sự thay đổi của kinh tế thị trường, các chỉ tiêu xây dựng sẽ trở nên bị lạc hậu, thiếu chính xác và kết quả là khả năng thực hiện chỉ tiêu trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng thành công phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm theo mô hình cuốn chiếu, trong đó có Hàn Quốc. Theo đó, kế hoạch 5 năm xác định các mục tiêu tổng thể, bao gồm kế hoạch chính thức một năm đầu, kế hoạch thực hiện dự tính cho năm kế thứ hai và dự báo kế hoạch cho các năm tiếp
theo. Mức độ chi tiết, cụ thể và chính xác của nội dung kế hoạch của những năm sau phụ thuộc vào số lượng và độ tin cậy của thông tin có được. Kế hoạch 5 năm sẽ được xem xét vào thời gian cuối mỗi năm. Khi Ủy ban Kế hoạch hoàn tất năm đầu kế hoạch, họ bổ sung/dự trù các mục tiêu, các dự án cho năm tiếp theo. Ví dụ, kế hoạch 2001-2005 sẽ được xem xét vào cuối năm 2001 và đề ra kế hoạch mới cho thời kỳ 2002-2006, trên thực tế kế hoạch được đổi mới vào thời gian cuối mỗi năm nhưng số năm vẫn giữ nguyên. Kế hoạch 5 năm xây dựng theo phương pháp cuốn chiếu sẽ khắc phục được tính nhất thời, tùy tiện và thậm chí trái ngược nhau trong các mục tiêu cũng như trong các chính sách kinh tế.
* Quy trình xây dựng chiến lược
Việc xây dựng chiến lược 10 năm được thực hiện qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn xây dựng ý tưởng chiến lược, trong đó phải thể hiện được quan niệm rõ ràng, khoa học về chiến lược; phạm vi của chiến lược; những nội dung cơ bản, những vấn đề then chốt của chiến lược và những giải pháp rất cơ bản để thực hiện được ý tưởng chiến lược. Ý tưởng chiến lược được xây dựng dựa trên các thông tin dự báo thô, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Sau khi hình thành, ý tưởng chiến lược lại được đem ra lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Ý tưởng chiến lược được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.
Giai đoạn 2: Trên cơ sở ý tưởng chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, sẽ tổ chức xây dựng chiến lược phát triển. Chiến lược phát triển do một lực lượng chuyên gia chuyên trách xây dựng dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Bộ KH&ĐT. Quá trình xây dựng được thực hiện công khai, thu hút đông đảo mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, kể cả của các chuyên gia quốc tế và người Việt Nam sống ở nước ngoài. Sau mỗi bước xây dựng, lại tổ chức các hội thảo, diễn đàn rộng rãi lấy ý kiến nhân dân... Dự thảo chiến lược lần cuối phải được hoàn thành trước năm thực hiện chiến lược để trình Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW thông qua, từ đó tạo cơ sở để xây dựng kế hoạch 5 năm của giai đoạn tương ứng. Dự thảo chiến lược và dự thảo kế hoạch 5 năm đều được trình Đại hội Đảng thông qua trong nửa đầu năm bắt đầu thực hiện.
* Quy trình xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cả nước
Trình tự lập quy hoạch tổng phát triển kinh tế – xã hội cả nước thực hiện theo các bước sau:
(1) Xử lý các kết quả điều tra cơ bản đã có và tổ chức điều tra bổ sung; khảo sát thực tế; thu thập tư liệu, số liệu về vùng và cả nước. Nghiên cứu tác động của các yếu tố bên ngoài. Đánh giá và dự báo các yếu tố và nguồn lực phát triển, các yếu tố tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới và các yếu tố phát triển KT-XH khác tác động đến quy hoạch của cả nước trong tương lai. Xác định vị trí, vai trò chủ yếu của các ngành và của từng vùng đối với phát triển KT-XH cả nước.
(2) Nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu vĩ mô được xác định trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước; cung cấp các thông tin đó cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW làm cơ sở phục vụ xây dựng các quy hoạch phát triển và phân bố ngành trên các vùng và quy hoạch tổng thể KT-XH các vùng KT-XH; đồng thời, thu thập thông tin phản hồi để điều chỉnh, bổ sung.
(3) Xây dựng và lựa chọn phương án quy hoạch. Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; định hướng phát triển và phương án quy hoạch; định hướng tổ chức không gian; các giải pháp thực hiện làm cơ sở để tiến hành quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH các vùng.
(4) Lập báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cả nước trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua.
(5) Thông báo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của cả nước trong vòng 30 ngày sau khi được Quốc hội thông qua cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Các Bộ, ngành và địa phương căn cứ vào đó hiệu chỉnh quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
* Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm
Việc xây dựng các KHPT KT-XH 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì thực hiện. Bộ KH&ĐT giao cho Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân trực thuộc Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ và các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế tổ chức xây dựng.
Nhìn chung, xây dựng KHPT sử dụng cả hai cách tiếp cận. Tiếp cận từ trên xuống thể hiện qua việc Bộ KH&ĐT ban hành hướng dẫn về nhiệm vụ, mục tiêu và
hướng phát triển tổng quát. Cách tiếp cận dưới lên thể hiện qua việc các nội dung chính của KHPT do Bộ, ngành và địa phương, tập đoàn kinh tế xây dựng được tích hợp vào KHPT KT-XH 5 năm của cả nước, đặc biệt liên quan đến phân bổ vốn đầu tư. Tất cả các giai đoạn của quá trình lập kế hoạch đều cho phép sự tham gia của cộng đồng. Mặc dù về nguyên tắc, KHPT KT-XH nên được xem xét lại hàng năm và sửa đổi, với mong muốn có được một sự linh hoạt cao để đảm bảo phù hợp và đáp ứng các nhu cầu và ưu tiên đang thay đổi của công chúng, nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra trong thực tế.
* Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm
Để thực hiện các mục tiêu trong chiến lược 10 năm, các KHPT KT-XH 5 năm và các kế hoạch hàng năm đã được xây dựng ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương. Ở cấp quốc gia, hai kế hoạch 5 năm cho mỗi chiến lược được thiết kế bởi Bộ KH&ĐT trên cơ sở tổng hợp các nội dung chính của kế hoạch 5 năm do các Bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và địa phương trình lên. Kế hoạch hàng năm cũng được xây dựng theo phương thức giống với kế hoạch 5 năm. Do đó, có thể thấy cách tiếp cận từ dưới lên của quy trình phân cấp trong nội bộ Chính phủ có ảnh hưởng lớn tới bản KHPT quốc gia.
Một điểm cần lưu ý là kế hoạch ngân sách hiện mới chỉ được xây dựng cho hàng năm, do đó, thiếu sự gắn kết giữa kế hoạch và ngân sách trong trung và dài hạn. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về việc xây dựng KHPT KT-XH và dự toán ngân sách. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan TW khác, địa phương, các cơ quan và đơn vị sử dụng ngân sách dự toán ngân sách dựa trên chỉ thị của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ KH&ĐT và Bộ TC, sau đó trình lên hai Bộ nói trên. Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm phân bổ chi đầu tư, có tham vấn với Bộ TC. Bộ TC chịu trách nhiệm tổng hợp các kế hoạch ngân sách của Bộ, ngành, địa phương hình thành dự toán ngân sách quốc gia để trình Quốc hội phê duyệt. Mặc dù các ưu tiên được đề ra trong chiến lược phát triển KT-XH và KHPT KT-XH có tác động tới phân bổ ngân sách, nhưng nhìn chung vẫn có sự thiếu ăn khớp nghiêm trọng giữa các dự án ưu tiên trong trung và dài hạn với các quyết định ngân sách ngắn hạn.