Bùng nổ Iwato và thời kỳ đẩy mạnh tự do Thương mại (giai đoạn 1957-1973 )

Một phần của tài liệu Vai trò của chính phủ Nhật Bản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 53)

* Quan điểm của các nhà kinh tế học Cổ điển

2.1.2.2 Bùng nổ Iwato và thời kỳ đẩy mạnh tự do Thương mại (giai đoạn 1957-1973 )

Từ năm 1960 – 1961, kinh tế Nhật Bản lại bùng nổ một đợt tăng trưởng gọi là thời kỳ thịnh vượng Iwato. Đầu tư cho thiết bị khu vực kinh tế tư nhân năm 1959 tăng 28% và năm 1960 tăng 43%. Nguyên nhân của sự gia tăng này là cuộc cách mạng kỹ thuật đòi hỏi sản xuất có một qui mô lớn hơn, những mặt hàng mới có một chỗ đứng mới. Tháng 11 năm 1960, nội các Ikeda đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập. Kế hoạch này nêu mục tiêu tích cực là trong vòng 10 năm phải tăng gấp đôi thu nhập quốc dân. Kế hoạch này đưa

ra mục tiêu, tốc độ phát triển hàng năm là 7,1%, nhưng trên thực tế tốc độ đạt 12%, tỷ lệ đầu tư thiết bị tăng 15,7%. Các xí nghiệp đều muốn tăng khả năng cạnh tranh của mình nên đã hăng hái đầu tư thiết bị. Kết quả thực tế đã vượt xa mục tiêu kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập. Đầu tư tăng kéo theo thu nhập cũng gia tăng, nhu cầu về vật tư hàng hoá cho đầu tư cũng tăng thêm. Do vậy đã xuất hiện hiện tượng “ Đầu tư gọi đầu tư ”.

Bước vào năm 1960 nền kinh tế Nhật Bản đã tạo được đà, và càng thúc đẩy tự do mậu dịch thì càng có lợi cho Nhật Bản. Điều kiện khách quan đòi hỏi Nhật Bản phải tự do hoá mậu dịch. Bởi vì tự do hoá mậu dịch sẽ giúp cho Nhật Bản tăng cường thêm một bước hiện đại hoá các ngành công nghiệp ở Nhật Bản. Thời gian sau chiến tranh Nhật Bản đã hạn chế nhập khẩu và thi hành chính sách khuyến khích xuất khẩu.

Nhưng từ năm 1960 do kinh tế Nhật Bản bắt đầu phát triển thuận lợi nên nhu cầu về lao động tăng lên, thất nghiệp giảm đi. Khả năng của các ngành công nghiệp tăng lên, và Nhật Bản đã cân đối được cán cân thanh toán. Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Mặt khác, tình hình quốc tế đã có nhiều sự thay đổi. Mỹ lo sợ rằng Nhật Bản sau chiến tranh sẽ mạnh lên và sẽ trở thành đối thủ đe doạ Mỹ trên thế giới, nên Mỹ đã thi hành chính sách kiềm chế khả năng phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, Mỹ luôn tỏ ý muốn mức sống của Nhật Bản không vượt quá mức sống của các nước phương nam mà Nhật đã từng chiếm đóng. Nhưng tình hình chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây ngày càng gay gắt, chính sách của Mỹ lại thay đổi. Mỹ thúc đẩy kinh tế của Nhật Bản phát triển, để Nhật có thể đóng góp tích cực vào việc tăng cường sức mạnh của các nước thuộc khối tự do. Trong tình hình quốc tế như vậy, Nhật Bản đã tranh thủ và

phát triển với tốc độ nhanh, vào giữa thập kỷ 1960 cán cân trong nền kinh tế thế giới đã có một sự thay đổi to lớn so với tình hình sau chiến tranh.

Sau chiến tranh, Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có khả năng cung cấp vật tư cho các nước châu Âu, Nhật Bản và các nước đang phát triển. Vấn đề nghiêm trọng trên Thế giới sau chiến tranh là thiếu Đô la để nhập các vật tư cần thiết. Thế nhưng, trong khi các nhà kinh tế còn tranh luận với nhau về vấn đề thiếu Đô la, thì kinh tế Thế giới đã đạt được bước phát triển ngoài dự đoán. Từ khoảng giữa thập kỷ 1950, đồng Đô la đang ở tình trạng thiếu đã đột ngột trở nên quá thừa. Nguyên nhân của việc thừa Đô la đột ngột này là do tình hình kinh tế ở Châu Âu, chủ yếu là Tây Đức và sự phục hồi nhanh chóng ngoài dự đoán của Nhật Bản, khiến khả năng xuất khẩu của nước này tăng mạnh. Năm 1959 xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng nhanh và lần đầu tiên sau chiến tranh cán cân buôn bán của Nhật Bản với Mỹ đã xuất siêu.

Trong tình hình đó, Mỹ đã thay đổi chính sách, đòi Tây Âu và Nhật Bản phải tự do hoá mậu dịch. Mục đích của Mỹ là tăng cường bán hàng Mỹ vào các thị trường Tây âu và Nhật Bản. Những thị trường này đã phát triển lớn mạnh để giải quyết tình trạng nhập siêu trong cán cân buôn bán của Mỹ. Ngày 16/11/1960, Mỹ đã áp dụng biện pháp bảo hộ đồng Đô la lần thứ nhất để điều chỉnh cán cân thu chi quốc tế. Biện pháp bảo hộ đồng Đô la là hạn chế việc điều chỉnh ở bên ngoài, kích thích nhập hàng Mỹ và cắt giảm chi tiêu quân sự, đồng thời Mỹ cũng lên tiếng đòi Châu Âu và Nhật Bản loại bỏ những hạn chế nhập khẩu hàng Mỹ và đẩy mạnh tự do nhập khẩu. Trong tình hình đó, chính phủ Nhật Bản đã tích cực đẩy mạnh chính sách tự do hoá mậu dịch. Tháng 6/1960, chính phủ Nhật Bản đã quyết định “Đại cương về kế hoạch hoá, tự do hoá mậu dịch và hối đoái”, lập kế hoạch tự do hoá nhập

khẩu từng loại mặt hàng trong từng thời kỳ và công bố mục tiêu là sau 3 năm sẽ nâng tỷ lệ tự do hoá nhập khẩu lên đến mức 80%.

Xét từ phía Nhật Bản, thoả hiệp với Mỹ là đường lối cơ bản, và Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào khác. Thủ tướng Ikêđa của Nhật Bản tin tưởng mạnh mẽ rằng tự do hoá chính là con đường mà Nhật Bản phải theo, là lý do quan trọng để Mỹ phát huy quyền lãnh đạo với tầm nhìn lâu dài đối với khả năng tiềm tàng của nền công nghiệp Nhật Bản. Trên cơ sở chính sách kinh tế được vạch ra sau chiến tranh, chính phủ Nhật Bản đã cụ thể hoá thành những kế hoạch cụ thể như “Đại cương về kế hoạch tự do hoá mậu dịch và hối đoái”, và hầu như thực hiện đúng như kế hoạch.

Kế hoạch kinh tế dài hạn của Nhật Bản không rõ ràng. Chính phủ tỏ ra không sốt sắng trong việc chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện kế hoạch dài hạn. Giáo sư Masakiro Tatemot thuộc trường đại học Oxaca (hiện nay là trường Đại học Teizuka Yama) đã đặt tên cho kế hoạch của Nhật Bản là “ kế hoạch mang tính chất trang trí”. Đặt tên như vạy là thích hợp. Tuy nhiên, kế hoạch tự do hoá mậu dịch lại không như vay. Mục tiêu trong vòng 3 năm tự do hoá 80% đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Đến tháng 8/1963, tỷ lệ tự do hoá đã đạt 92%.

Các nhà kinh tế theo học thuyết K.Marx phản đối mạnh mẽ việc tự do hoá mậu dịch. Một trong những lý do họ phản đối là đối với bên ngoài việc tự do hoá mậu dịch là hậu quả của sự áp đặt của tư bản lũng đoạn Mỹ, là khống chế nền kinh tế Nhật Bản là mục tiêu của Mỹ; còn đối với bên trong, với chính sách tự do hoá mậu dịch, tư bản lũng đoạn Nhật Bản thông qua cạnh tranh để sắp xếp lại các xí nghiệp trung tiểu, cắt giảm lương trả cho công nhân. Hơn nữa, tự do hoá mậu dịch còn vấp phải sự phản đối khá mạnh của

các chủ xí nghiệp. Bộ Công nghiệp và mậu dịch quốc tế, công đoàn và người tiêu dùng sợ rằng Nhật Bản sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng mạnh của hàng công nghiệp nước ngoài.

Ngược lại, các nhà kinh tế học theo trường phái hiện đại lại ủng hộ kế hoạch này.

Có một số hoạt động đi ngược với chính sách tự do hoá mậu dịch. Năm 1963, Bộ Công nghiệp và mậu dịch quốc tế đã ban hành luật về các biện pháp tạm thời nhằm chấn hưng nền công nghiệp Nhật Bản, nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa chính phủ và tư nhân trong việc liên kết và hợp lý hoá các xí nghiệp trong các ngành được coi là cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Nhưng giới chủ trong các ngành này lại phản đối mạnh mẽ vì sợ bị chính phủ giám sát nên cuối cùng luật này đã không thực hiện được. Đó được coi như là cuộc đấu tranh sống còn giữa chủ trương kiểm soát và chủ nghĩa tự do sau chiến tranh. Trong cuộc đấu tranh này, chủ trương tự do đã chiến thắng và đường lối phát triển nền kinh tế Nhật Bản sau đó đã được xác lập.

Đồng thời với việc mở rộng ngoại thương, Nhật đã từng bước đẩy mạnh xuất khẩu tư bản. Ngay từ năm 1951 khi kinh tế mới phục hồi, Nhật đã thực hiện chính sách “ viện trợ ” và đầu tư ra nước ngoài, nhưng lúc này việc xuất khẩu tư bản chủ yếu được thực hiện bằng con đường bồi thường chiến tranh. Đến năm 1960 “ viện trợ” và đầu tư nước ngoài mới phát triển nhanh cả về hình thức lẫn nội dung. Trong 6 năm 1966-1972 số “ viện trợ ” hàng năm cho các nước đang phát triển của Nhật tăng trên 3 lần, từ 668 triệu lên 2.140 triệu USD

Viện trợ của Chính phủ chiếm 60-75% tổng số, được thực hiện dưới hình thức “ viện trợ ” không hoàn lại, bồi thường chiến tranh, viện trợ kỹ

thuật, cho các chính phủ vay, đưa tiền vào các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như tổ chức xây dựng và phát triển thế giới, ngân hàng phát triển Châu Á… Phần lớn số “ viện trợ ” Nhà nước tập trung vào Châu Á, chủ yếu vào các nước Đông Nam Á. Có năm Nhật dành gần 90% “ viện trợ ” Nhà nước cho khu vực này.

“ Viện trợ ” tư nhân được thực hiện chủ yếu dưới hình thức cho vay xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Bên cạnh hình thức “ viện trợ” cho các nước đang phát triển. Tư bản tư nhân Nhật còn đầu tư trực tiếp sang các nước tư bản phát triển khác. Đến đầu những năm 1970 tư bản tư nhân Nhật đã đầu tư vào khoảng 90 nước trên thế giới. đây là một trong những biểu hiện nổi bật của chính sách “10 năm phát triển Châu á ” của Xatô, Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ.

Tóm lại, từ năm 1951 đến năm 1973 tư bản độc quyền Nhật đã phục hồi và phát triển nhanh chóng, hai thập kỷ phát triển “ thần kỳ” của Nhật chủ yếu là do Nhật đã tập trung cao độ sức người, sức của vào phát triển kinh tế và tạo lập quan hệ kinh tế rộng rãi với thế giới bên ngoài. Con đường tiếp tục phát triển của Nhật cũng không có cách nào tốt hơn là đi sâu vào khoa học kỹ thuật, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước, nhất là các nước láng giềng trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Sự phát triển của kinh tế Nhật sau chiến tranh là một thí dụ tiêu biểu về qui luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Vai trò của chính phủ Nhật Bản trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một số kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)