Hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa Việt Nam và Campuchia năm

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 63)

Campuchia năm 1982

2.2.1.1. Lịch sử hình thành Hiệp định

Giữa bờ biển Việt Nam và Campuchia có trên 150 đảo lớn và nhỏ, được chia thành 7 cụm và một số đảo lẻ. Ngoài một số đảo lớn như Phú Quốc rộng 573 km2, Phú Dự - 25 km2, Thổ Chu - 10 km2 và một số đảo như Hòn Dứa, Nam Du trên dưới 5 km2, các đảo nhỏ còn lại đều có diện tích dưới 1km2. Trong khu vực này, hai nước còn tồn tại vấn đề phân định lãnh hải, vùng ĐQKT và TLĐ. Từ năm 1913 và nhất là từ năm 1930, giữa chính quyền thuộc địa Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ Campuchia đã phát sinh tranh chấp gay gắt về quyền thu thuế đánh cá và quyền cấp đặc nhượng khai thác tài nguyên ở các đảo ven bờ Campuchia nhưng thuộc Nam Kỳ. Để tạm thời quản lý các đảo và do không có đủ các thủ tục pháp lý để giải quyết việc phân định chủ quyền trên một số đảo giữa hai bên, ngày 31-01-1939, toàn quyền Đông đã vạch một ranh giới hành chính (đường Brévie) trao quyền hành chính và

cảnh sát trên các đảo ở phía bắc đường này cho Campuchia, còn các đảo phía nam đường này vẫn thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề quy thuộc chủ quyền các đảo vẫn được bảo lưu, bức thư nêu rõ: “Đương nhiên ở đây chỉ là đề cập vấn đề hành chính và cảnh sát, còn vấn đề quy thuộc lãnh thổ của các đảo này hoàn toàn được bảo lưu”[30, tr 134-136]

Sau năm 1954, cả hai quốc gia đều cho rằng đường Brévie đã hết hiệu lực và bắt đầu tranh chấp lại quyền kiểm soát các đảo. Năm 1956 Campuchia đưa quân đến đảo Phú Dự, chiếm nhóm đảo Bắc Hải Tặc năm 1958 và đảo Poulo Wai vào năm 1966. Trong năm 1972, chính quyền Lonnol ra Sắc lệnh về ranh giới TLĐ (số 439-72/PRK, ngày 01-7-1972) và Sắc lệnh quy định quy định hệ thống đường cơ sở và lãnh hải Campuchia (số 518-72/PRK ngày 12- 8-1972) quy thuộc các đảo Phú Quốc và Thổ Chu vào lãnh thổ Campuchia. Năm 1976, chính quyền Polpot đòi lấy đường Brévie làm biên giới giữa hai nước vì theo họ đường này đã sử dụng như đường biên giới trong gần 40 năm qua. Cũng trong năm đó, Việt Nam đã chính thức trao chủ quyền đảo Poulo Wai cho Campuchia. Ngày 31-7-1982, Cộng hoà nhân dân Campuchia đã ra tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng bao gồm cả các đảo xa bờ như đảo Poulo Wai. Ngày 07-7-1982, hai nước ký Hiệp định về vùng nước lịch sử chung, trong đó thoả thuận lấy đường Brévie được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này. Hiệp định quy định hai nước đồng ý tạo ra một “vùng nước lịch sử” chung căn cứ vào các điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế, quốc phòng và đặt dưới chế độ nội thuỷ. Hai bên thực hiện quản lý chung về đánh cá, tuần tra, kiểm soát trong khi chờ đợi việc giải quyết đường biên giới trên biển trong vùng nước lịch sử.

2.2.1.2. Nội dung cơ bản của Hiệp định

- Hiệp định xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thuỷ chung của Việt Nam và Campuchia. Vùng nước lịch sử chung

được giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên và Kampot, đảo Phú Quốc và các đảo ngoài khơi. Hiệp định ghi nhận sự thoả thuận của các bên về việc lấy đường Brévie được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này. Bằng việc ký kết Hiệp định này, lần đầu tiên hai nước chính thức thừa nhận chủ quyền của các bên đối với đảo giữa hai nước.

- Hai bên cũng thoả thuận sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên để hoạch định đường biên giới biển giữ hai nước trong vùng nước lịch sử chung. Như vậy, sau khi ký Hiệp định này, hai quốc gia vẫn tiếp tục đàm phán để phân định biển giữa hai nước trong và ngoài vùng nước lịch sử chung.

- Hai bên cùng tiến hành tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử chung. Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong khu vực vẫn được tiến hành theo tập quán từ trước đến nay - từ nay được coi là hợp pháp. Công dân của các nước khác không được đánh bắt hải sản trong khu vực này.

- Đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu, khí, khoáng sản… trong vùng nước lịch sử chung sẽ do hai bên cùng thoả thuận, không bên nào được đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên nếu chưa có thoả thuận của cả hai quốc gia.

2.2.1.3. Đánh giá chung

Có thể đánh giá tầm quan trọng của Hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa Việt Nam và Campuchia ở các nội dung sau:

- Hiệp định thể hiện việc hai quốc gia, căn cứ các điều kiện cụ thể về địa lý, lịch sử và ý nghĩa chiến lược về kinh tế, an ninh, quốc phòng, đã xác định một vùng nước lịch sử chung, trong điều kiện Công ước 1982 để ngỏ, không quy định cụ thể về vùng nước lịch sử, nhưng thực tiễn quốc tế đã thừa nhận sự tồn tại của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thuỷ của quốc gia ven

biển. Theo các nhà nghiên cứu, danh nghĩa lịch sử của “vùng nước lịch sử” chung giữa Việt Nam và Campuchia thể hiện [30, tr 141-142]:

+ Về địa lý, đây là vùng biển nông, có độ sâu trung bình khoảng 20m - 30m, được bao bọc hoàn toàn bởi các đảo và bờ biển của hai nước. Vùng biển này có bờ biển không ổn định khiến cho vùng biển luôn thay đổi theo thời gian, gắn liền với bờ biển và là một bộ phận hữu cơ của phần đất liền hai nước Việt Nam và Campuchia.

+ Về lịch sử, từ lâu đời, toàn bộ vùng biển và các đảo trong khu vực đã thuộc về hai nước. Nhân dân hai nước đã quản lý, khai thác và sử dụng vùng nước một cách liên tục và lâu dài, hình thành các tập quán về sử dụng biển.

+ Về kinh tế, an ninh, quốc phòng: đây là vùng biển có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng đối với nhân dân hai nước trong suốt lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

- Bằng việc ký kết Hiệp định, lần đầu tiên hai quốc gia thừa nhận và xác định các đảo thuộc chủ quyền của các bên, tạo cơ sở pháp lý để hai nước quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên trên các vùng biển của mình, góp phần tạo môi trường an ninh, trật tự chung trên biển. Việc khẳng định một vùng nước lịch sử chung của Việt Nam và Campuchia (cho dù chưa có kết quả phân định cuối cùng) có ý nghĩa hợp pháp hoá các hoạt động cùng khai thác hải sản của nhân dân hai nước trong biển này, khẳng định hoạt động khai thác của cư dân nước thứ ba là bất hợp pháp. Đây có thể coi là hình mẫu quản lý chung về nghề cá đầu tiên trong khu vực. Mặc dù vậy, cho đến nay, hai bên chưa có thêm một thoả thuận về cơ chế phối hợp quản lý hay thành lập một ủy ban quản lý chung hoạt động nghề cá. Các hoạt động mang tính “tự do biển cả” của ngư dân hai nước không được quản lý có thể là nguyên nhân gây ra những bất ổn nhất định trên biển. Để vùng này thực sự là vùng khai thác quản lý chung, các chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng hai bên cần nhanh

chóng đàm phán thiết lập một cơ chế quản lý chung một cách hữu hiệu trong khi chờ đợi giải pháp phân định cuối cùng.

- Hiệp định thể hiện thiện chí của Việt Nam và Campuchia đối với việc từng bước giải quyết các vấn đề chung liên quan đến hợp tác và phân định biển, đảo. Đặt cơ sở cho và khẳng định các bên sẽ tiếp tục đàm phán giải quyết các vấn đề trong tương lai như phân định biển đối với các vùng biển trong và ngoài vùng nước lịch sử chung thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của hai quốc gia, hợp tác KTC các nguồn tài nguyên biển…

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)