Phân loại khai thác chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 34 - 37)

Với tính chất là một Điều ước quốc tế xác lập quan hệ hợp tác cùng thăm dò, khai thác, quản lý việc thăm dò, khai thác để bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, các thỏa thuận KTC được xác lập một cách linh hoạt theo ý chí của các quốc gia, chịu sự điều chỉnh của Luật quốc tế hiện đại. Cả về lý luận và thực tiễn, các mô hình KTC khá đa dạng, mà việc phân loại các mô hình này giúp cho chúng ta có thể nhận biết được đặc điểm của từng dạng mô hình khác nhau, từ đó có thể đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác lập và thực hiện các thỏa thuận về các mô hình KTC đó.

1.2.2.1. Căn cứ vào đối tượng khai thác chung

- KTC nguồn tài nguyên thiên nhiên không sinh vật:

+ Tài nguyên không sinh vật là đối tượng khai thác hiện nay chủ yếu là dầu và khí; việc khai thác các quặng khoáng sản rắn như than, kim loại… ít được thực hiện bởi đòi hỏi công nghệ hiện đại, chi phí cao nhiều lần so với khai thác trên đất liền và giá trị kinh tế khai thác được. Tài nguyên dầu và khí là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, có phạm vi sử dụng rộng rãi cho nhiều ngành công nghiệp. Dầu khí luôn là ngành công nghiệp mũi nhọn và là ngành khai thác biển quan trọng trên thế giới.

+ Khai thác dầu khí đòi hỏi phải hiệu quả và nhiều vấn đề khắt khe như: bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường biển, chống ô nhiễm do tràn dầu và

các chất thải gây ra, bảo tồn tài nguyên sinh vật trong khu vực khai thác… KTC dầu khí có bản chất là hợp nhất mỏ tài nguyên để bảo đảm khai thác hiệu quả cao và phân chia công bằng các lợi ích thu được. Do đó, cần phải đầu tư hoặc thu hút đầu tư để lựa chọn công nghệ, nhà thầu có kinh nghiệm thăm dò, khai thác, quản lý hiệu quả các hoạt động thăm dò và khai thác đó.

- KTC nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật:

+ Tài nguyên sinh vật bao gồm cá, các loài hải sản khác và tài nguyên thực vật. Khai thác tài nguyên sinh vật không chỉ đòi hỏi hiệu quả, mà còn phải đáp ứng yêu cầu khai thác bền vững, bảo tồn, duy trì khả năng sinh sản và phát triển nguồn tài nguyên đó. Việc khai thác tài nguyên sinh vật phụ thuộc vào các yếu tố như mùa sinh sản, luồng cá, ngư trường, điều kiện khí hậu, năng lực khai thác của mỗi quốc gia…

+ Khai thác tài nguyên sinh vật không cần đến công nghệ cao như khai thác dầu khí, và được thực hiện chủ yếu bởi các ngư dân và các doanh nghiệp có đội tàu khai thác. Hoạt động khai thác của các đội tàu chịu sự quản lý của nhà nước, đặc biệt quy định về loại công cụ khai thác và định mức sản lượng khai thác. KTC tài nguyên sinh vật có bản chất là hợp nhất ngư trường, hợp tác quản lý việc khai thác (đánh giá trữ lượng và xác định khả năng cho phép khai thác thực tế, quy định loại công cụ đánh bắt, xử lý các hành vi khai thác trái phép, thu thuế…) để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ lợi ích của ngư dân. Để làm tốt được điều đó, công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định của thỏa thuận KTC cho các ngư dân là rất quan trọng, đồng thời mỗi nhà nước cần có chính sách trợ giúp các ngư dân để tăng cường năng lực khai thác, bảo đảm công bằng về lợi ích tài nguyên.

- KTC hỗn hợp. Với bản chất là thỏa thuận hợp tác cùng khai thác tài nguyên biển theo ý chí của các quốc gia, thỏa thuận KTC hoàn toàn có thể xác lập để hợp tác cùng đồng thời khai thác tài nguyên sinh vật và tài nguyên

phi sinh vật tại một khu vực KTC nhất định. KTC hỗn hợp, nếu đạt được, là sự hợp tác toàn diện để xây dựng cơ chế phối hợp cùng quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên biển giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận KTC hỗn hợp chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với thỏa thuận KTC đối với riêng KTC dầu khí, khoáng sản hoặc KTC đối với riêng tài nguyên sinh vật biển.

1.2.2.2. Căn cứ vào chủ thể của quan hệ khai thác chung

- KTC hai bên (điều ước quốc tế song phương). Cho đến nay, thực tiễn các thỏa thuận KTC phần lớn đều là các điều ước quốc tế song phương. Thỏa thuận KTC song phương dễ được xác lập vì sự thống nhất ý chí dễ thành công hơn là việc xác lập các thỏa thuận ba hoặc bốn bên. Cơ chế hợp tác, việc thành lập cơ quan quản lý chung, cũng như nguyên tắc hoạt động của cơ quan quản lý chung này chỉ cần đại diện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Song, không phải trong mọi trường hợp hợp tác song phương tại một vùng biển đều có thể thiết lập được.

- KTC nhiều bên (điều ước quốc tế đa phương). KTC nhiều bên chỉ có thể và cần được xác lập ở những vùng biển liên quan đến quyền chủ quyền của nhiều quốc gia - nhiều quốc gia đóng góp chủ quyền đối với khu vực KTC đó. Thực ra, khả năng hợp tác KTC nhiều bên cũng chỉ dừng lại ở ba bên hoặc bốn bên, và vùng KTC sẽ được xác lập là vùng biển yêu sách chồng lấn của các bên, có tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên biển. Thỏa thuận KTC nhiều bên khó xác lập hơn thỏa thuận KTC hai bên, cơ chế hợp tác hay phối hợp cũng phức tạp hơn vì liên quan đến lợi ích của nhiều bên. Mặc dù vậy, đặc biệt đối với vùng biển đang tranh chấp chưa có đường ranh giới phân định biển, cơ chế thỏa thuận hợp tác nhiều bên có khả năng bảo đảm được yếu tố bình đẳng chủ quyền và tự do ý chí thực sự của các bên trong quá trình đàm phán xác lập và thực hiện thỏa thuận KTC.

1.2.2.3. Căn cứ vị trí của vùng khai thác chung

Căn cứ vào vị trí của vùng KTC, thỏa thuận KTC có thể được xác lập ở vùng biển chưa có đường ranh giới phân định biển hoặc ở vùng biển đã có đường ranh giới phân định biển. Cả hai loại này đều thể hiện quan hệ hợp tác để cùng khai thác tài nguyên biển vì mục đích phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và sự thiện chí giữa các quốc gia thực hiện các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại, thực hiện nghĩa vụ duy trì chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển mà Công ước 1982 quy định cho các quốc gia.

Sự khác nhau chủ yếu của hai mô hình KTC này là ở chỗ thỏa thuận KTC sẽ thiết lập cơ chế hợp tác để thực hiện quyền chủ quyền của các quốc gia. Đối với vùng KTC ở khu vực chưa có đường phân định biển, các quốc gia không chỉ hợp nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên biển mà còn cần hợp nhất cả quyền quản lý và bảo tồn tài nguyên, quyền kiểm tra hải quan và thu thuế, cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Ngược lại, đối với vùng KTC ở nơi đã được phân định biển, các bên có thể thỏa thuận hoặc hợp nhất hoặc không hợp nhất việc thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với từng khu vực biển trong vùng KTC theo đường ranh giới phân định biển.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)