Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là những tư tưởng chỉ đạo, bao trùm và xuyên suốt, là cơ sở của hệ thống pháp luật quốc tế. Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại được pháp điển hóa từ tinh thần các điều khoản của Hiến chương LHQ và được thể hiện trong Tuyên bố được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 24-10-1970 về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ. Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại bao gồm [28, tr 32-34]:
+ Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; + Nguyên tắc các quốc gia bình đẳng về chủ quyền;
+ Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của các nước hoặc nhằm mục đích khác với Hiến chương LHQ;
+ Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác; + Nguyên tắc các dân tộc có quyền tự quyết;
+ Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; + Nguyên tắc tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế.
Đối với quan hệ giữa các quốc gia ven biển trong việc xác lập thỏa thuận KTC, những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế trực tiếp chi phối và điều chỉnh là: nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; nguyên tắc các quốc gia bình đẳng về chủ quyền; nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; nguyên tắc tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế. Tuân thủ các nguyên tắc này là sự bảo đảm cho một thỏa thuận KTC có hiệu lực về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Những bảo đảm đó là:
- Thỏa thuận KTC sẽ là quan hệ pháp lý quốc tế được xác lập dựa trên sự bình đẳng và tự nguyện của các quốc gia.
- Thỏa thuận KTC không xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, cũng như không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại.
- Thỏa thuận KTC phải được các bên ký kết tôn trọng thực hiện như một nghĩa vụ pháp lý quốc tế mà quốc gia tự nguyện xác lập và cam kết với các nội dung trong thỏa thuận, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, đạt được mục đích ký kết là hợp tác hữu nghị và hòa bình vì lợi ích của các bên.