Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 76 - 86)

và Trung Quốc năm 2000

2.2.3.1. Lịch sử hình thành Hiệp định

Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Vịnh cũng là nơi giàu có về tài nguyên biển, cả về hải sản và dầu khí, là một trong những ngư trường và nguồn cung cấp hải sản quan trọng cho hai nước. Khu vực giữa Vịnh và cửa Vịnh có bồn trũng Sông Hồng có khả năng chứa dầu khí. Xung quanh khu vực đảo Vị Châu (phía Đông Bắc của Vịnh) gần bờ biển Trung Quốc đã được phát hiện và khai thác một số mỏ dầu nhỏ, ở khu vực Đông Phong cách đường kinh tuyến 108003'13" khoảng 15 hải lý về phía Tây, Trung Quốc công bố đã phát hiện được mỏ khí có trữ lượng khoảng 80 tỷ m3.

Cả hai quốc gia đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác Vịnh. Đối với Việt Nam, Vịnh Bắc Bộ là cửa ngõ giao lưu lớn và lâu đời ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như bảo vệ quốc phòng, an ninh. Việc duy trì ổn định trong Vịnh, thông qua đó bảo đảm thông thương hàng hải và khai thác hiệu quả các tài nguyên của Vịnh, sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đối với Trung Quốc, Vịnh Bắc Bộ cũng có tầm quan trọng to lớn không kém cho khu vực phía nam Trung Quốc.

Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được đàm phán cùng với quá trình đàm phán phân định Vịnh. Trong Vịnh Bắc Bộ, đại bộ phận các ngư trường chính là nằm gần bờ biển Việt Nam và Tây Nam đảo Bạch long Vĩ. Đó là một trong các lý do mà trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh, Trung Quốc kiên trì đề nghị lập Vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định. Việt Nam không chủ trương gắn vấn đề nghề cá mang tính kinh tế, kỹ thuật với vấn đề phân định ranh giới mang tính

chiến lược lâu dài. Nhưng nếu không có thoả thuận về nghề cá có thể dẫn đến khó có thoả thuận về phân định Vịnh Bắc Bộ. Lúc đó toàn bộ Vịnh tiếp tục bị coi là vùng tranh chấp, tình hình sẽ tiếp tục mất ổn định.

Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ được ký ngày 25-12- 2000, cùng ngày ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, theo đó Việt Nam và Trung Quốc đồng ý thiết lập một Vùng đánh cá chung nằm phía Nam vĩ tuyến 200 Bắc và có bề rộng 30,5 hải lý về hai phía tính từ đường phân định (Điều 3). Bên cạnh đó, ở phía Bắc vĩ tuyến 200

Bắc, hai quốc gia đồng ý xác lập một Vùng dàn xếp quá độ (Điều 11) và Vùng đệm cho tàu cá nhỏ ở cửa sông Bắc Luân (Điều 12). Việc thỏa thuận xác lập Vùng dàn xếp quá độ ở phía Bắc Vùng đánh cá chung có mục đích giải quyết những khó khăn trước mắt về ngư trường khai thác cho ngư dân Trung Quốc khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực. Thực hiện Điều 11.3 Hiệp định hợp tác nghề cá, hai bên tiến hành đàm phán và ký Nghị định thư bổ sung (ngày 29-4-2004) để xác định ranh giới các vùng nước hiệp định, số lượng tàu thuyền và chế độ pháp lý của vùng dàn xếp quá độ.

2.2.3.2. Nội dung cơ bản của Hiệp định và Nghị định thư bổ sung

Vùng đánh cá chung được thiết lập ở phía Nam vĩ tuyến 200

Bắc và có bề rộng 30,5 hải lý về hai phía tính từ đường phân định. Vùng đánh cá chung có tổng diện tích là 33.500 km2, chiếm khoảng 27,9% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Thời hạn Vùng đánh cá chung là có hiệu lực là 15 năm (12 năm có hiệu lực và 3 năm mặc nhiên gia hạn). Hết thời hạn này hai bên có thể tiếp tục hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị.

Trong Vùng đánh cá chung, hai bên cam kết hợp tác lâu dài trên cơ sở cùng có lợi, cùng nhau bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật. Nguyên tắc bình đẳng về năng lực tàu thuyền được áp dụng trên cơ sở điều tra liên hợp định kỳ về nguồn lợi thuỷ sản, bảo đảm phát triển bền vững.

Mỗi bên đều có quyền liên doanh, hợp tác với nước thứ ba để khai thác ở Vùng đánh cá chung thuộc vùng ĐQKT của mình trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của mỗi bên do Uỷ ban liên hợp quy định. Đường ranh giới phân định Vịnh được lấy làm đường kiểm tra kiểm soát, xử lý các vi phạm - thẩm quyền riêng biệt của lực lượng hữu quan của mỗi quốc gia - để duy trì sự tôn trọng các quy định của Uỷ ban liên hợp nghề cá và pháp luật mỗi bên.

Vùng dàn xếp quá độ có hiệu lực 4 năm, ở phía Bắc Vùng đánh cá chung được xác định theo Nghị định thư bổ sung, có diện tích 9.080 km2. Ranh giới phía Tây của vùng dàn xếp quá độ là ranh giới 20 hải lý tính từ đường nối các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ngoài cùng phía Việt Nam. Ranh giới phía Đông trong vùng biển Trung Quốc được xác định theo nguyên tắc tương đương về diện tích. Ranh giới phía Nam là vĩ tuyến 200 Bắc và giới hạn hiệu lực 15 hải lý của đảo Bạch Long Vĩ (thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ). Số tàu Trung Quốc và vùng dàn xếp quá độ phía Tây đường phân định là 920 tàu loại tàu có công suất máy tàu từ 20-200CV, tỷ lệ tàu lưới kéo không vượt quá 35%, số tàu của các nghề khác do Trung Quốc tự điều chỉnh nhưng phải tuân thủ pháp luật hữu quan của Việt Nam. Tổng công suất máy tàu của Trung Quốc được phép đánh bắt là 78.200CV. Hằng năm, phía Trung Quốc cắt giảm hàng năm là 25%, và sau 4 năm tàu cá của Trung Quốc sẽ rút hết khỏi vùng dàn xếp quá độ ở phía Tây đường phân định.

Vùng đệm ở cửa sông Bắc Luân được xác lập cho tàu thuyền đánh cá loại nhỏ, với bề rộng 3 hải lý tính từ đường phân định về mỗi phía và chiều dài 10 hải lý. Trong vùng đệm, tàu cá loại nhỏ (có công suất dưới 60CV hoặc có chiều dài nhỏ hơn 15m) của hai nước có thể vô ý đi nhầm vào lãnh hải của nhau (không được đánh bắt). Trong trường hợp đó, chỉ bị áp dụng biện pháp buộc ra khỏi lãnh hải, không bị bắt bớ, giam giữ hay sử dụng vũ lực.

Cơ quan điều hành hoạt động đánh cá chung cho cả Vùng đánh cá chung, Vùng dàn xếp quá độ, Vùng đệm cho tàu cá loại nhỏ là Uỷ ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung được thành lập theo Điều 13 Hiệp định. Uỷ ban liên hợp nghề cá gồm một đại diện do Chính phủ mỗi bên bổ nhiệm và một số uỷ viên, hoạt động theo nguyên tắc nhất trí của đại diện hai bên. Hoạt động của Uỷ ban liên hợp nghề cá vừa có tính chất hiệp thương đối với các vấn đề chung, thực hiện chức năng quản lý điều hành vùng nước Hiệp định thay cho các Chính phủ. Uỷ ban liên hợp nghề cá có thể kiến nghị với hai Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định, Nghị định thư bổ sung.

2.2.3.3. Thực tiễn thực thi Hiệp định Nghị định thư bổ sung

Kể từ ngày 30-6-2004, Hiệp định hợp tác nghề cá và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đều có hiệu lực. Ủy ban liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung được thành lập và hoạt động thông qua sự phối kết hợp giữa Ủy ban liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam và Ủy ban liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ phía Trung Quốc. Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam bao gồm đại diện của Bộ Thủy sản (nay đã sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn là Cục trưởng Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ phía Trung Quốc bao gồm đại diện Bộ nông nghiệp (Cục ngư chính ngư cảng khu Nam Hải), Bộ ngoại giao và Công an Biên phòng, Trưởng Đoàn là Cục trưởng Cục ngư chính ngư cảng khu Nam Hải. Ủy ban liên hợp nghề cá Việt - Trung thống nhất tổ chức hội nghị chính thức mỗi năm từ 1 đến 2 lần; căn cứ yêu cầu công tác có thể tổ chức một số hội nghị trù bị chuẩn bị cho hội nghị chính thức.

Nhóm Chuyên gia nguồn lợi thủy sản Ủy ban liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung đã được thành lập để thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung. Phương án điều tra nguồn lợi thủy đã được

xác lập gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2006 - 2007) và giai đoạn 2 (2008 - 2010). Với giai đoạn 2, mỗi năm thực hiện 4 chuyến điều tra (mỗi nước thực hiện 2 chuyến). Với giai đoạn 1, tính đến tháng 8 năm 2007, bên đã tiến hành trao đổi tài liệu 6 chuyến điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nguồn lợi, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt, chất lượng cá kém (thành phần cá tạp nhiều, cá có kích thước nhỏ, các loài có giá trị kinh tế cao không còn nhiều). Do kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản giai đoạn 1 chưa được xử lý số liệu và báo cáo (dự kiến đến tháng 12-2007 Nhóm Chuyên gia nguồn lợi thủy sản mới tổng kết và báo cáo), nên chưa được áp dụng để điều chỉnh số lượng, loại và công suất tàu của mỗi bên được cấp phép vào khai thác trong vùng đánh cá chung như quy định của Hiệp định. Ba năm qua, Ủy ban liên hợp nghề cá Việt - Trung hiệp thương và đều xác định mỗi quốc gia được quyền cấp phép cho tàu cá của mình vào khai thác trong vùng đánh cá chung là 1.543 tàu, tổng công suất tàu cá là 211.391CV… đúng như thỏa thuận của năm đầu tiên (2004-2005) khi Hiệp định hợp tác nghề cá có hiệu lực, mà chưa có sự điều chỉnh hàng năm.

Về hoạt động cấp phép cho các tàu cá vào đánh bắt trong các vùng nước hiệp định. Các số liệu đã được chúng tôi tổng hợp. Đối với Vùng đánh cá chung, Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã cấp phép cho các tàu cá vào đánh bắt ở phía Đông đường phân định Vịnh với thời hạn một năm. Trong ba năm đầu có hiệu lực, số tàu cá Việt Nam đăng ký và được cấp phép đánh bắt hải sản trong Vùng đánh cá chung đều đạt số lượng đúng theo quy định là 1.543 tàu (hàng năm có sự thay đổi về số tàu cá ở các địa phương lân cận). Việt Nam cũng đã cấp cho Trung Quốc tem chống làm giả để dán trên giấy phép cấp cho các tàu cá của Trung Quốc vào đánh bắt trong Vùng đánh cá chung, năm thứ nhất là 856 chiếc, năm thứ hai là 810 chiếc… Năm 2007 - 2008, số lượng tàu cá Việt Nam xin cấp phép vào Vùng đánh cá chung là

1.643 tàu, vượt số lượng 100 tàu (chắc chắn Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải cắt giảm không cấp đủ được theo đề nghị của ngư dân). Thực trạng đó đã phản ánh hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá phía Việt Nam, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định cho ngư dân ở các địa phương. Mặc dù vậy, không thể loại trừ lý do các tàu cá của Việt Nam xin cấp phép vào đánh bắt trong Vùng đánh cá chung ở khu vực phía Đông đường phân định Vịnh xuất phát từ tâm lý lo ngại, đề phòng bị phía Trung Quốc xử phạt khi vô ý vượt qua đường phân định Vịnh sang khu vực phía Đông mà không có giấy phép đánh bắt. Trong tương lai, số lượng tàu cá của mỗi bên được cấp phép vào đánh bắt trong Vùng đánh cá chung còn bị cắt giảm hơn nữa và sự điều chỉnh hàng năm của Ủy ban liên hợp nghề cá căn cứ vào kết quả điều tra định kỳ nguồn lợi.

Đối với Vùng dàn xếp quá độ, quy định của Điều 2 Nghị định thư bổ sung, kể từ thời điểm bắt đầu hiệu lực 4 năm (ngày 30-6-2004), số lượng tàu cá của mỗi bên có được nước kia cấp giảm dần hàng năm 25%, lần lượt là: năm thứ nhất 920 tàu, năm thứ hai 690 tàu, năm thứ ba 460 tàu và năm thứ tư 230 tàu. Trên thực tế, các tàu cá của Trung Quốc đã xin cấp phép từ phía Việt Nam các năm là năm thứ nhất 423 tàu, năm thứ hai 194 tàu, năm thứ ba 247 tàu và năm thứ tư (đang xin cấp phép) 127 tàu. Các tàu cá của Việt Nam, chỉ đến năm hiệu lực thứ ba mới xin Trung Quốc cấp phép vào khai thác trong Vùng dàn xếp quá độ với số lượng là 69 tàu, sang năm hiệu lực cuối cùng, số lượng xin cấp phép là 20 tàu. Như vậy, số lượng tàu cá của nước này xin phép vào khai thác tại Vùng dàn xếp quá độ thuộc vùng ĐQKT của nước kia là không đồng đều, và số lượng ít hơn rất nhiều so với thỏa thuận của hai quốc gia tại Nghị định thư bổ sung. Một phần do là ngư trường khai thác chính ở Vùng dàn xếp quá độ này thuộc về phía vùng ĐQKT của Việt Nam, lý do khác là các tàu cá phải đóng lệ phí đánh bắt là 200USD/năm…

2.2.3.4. Đánh giá chung

Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc là mô hình hợp tác KTC đầu tiên về khai tác tài nguyên sinh vật biển trong khu vực Biển Đông ở khu vực biển đã được phân định, cụ thể là hợp tác khai thác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Khu vực KTC được xác lập ở khu vực đã có đường ranh giới phân định biển, phân định vùng ĐQKT và TLĐ giữa hai quốc gia. Hiệp định hợp tác nghề cá đã tạo ra một cơ chế hợp tác nghề cá mới trong khu vực, phù hợp với quy định của Công ước 1982. Đây cũng là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Luật biển quốc tế và khu vực, góp phần ổn định tình hình trong khu vực Vịnh Bắc Bộ và mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia khi cùng giải quyết các vấn đề chung.

Hiệp định hợp tác nghề có mục đích chủ yếu là thiết lập một mô hình quản lý KTC nghề các trong Vịnh Bắc Bộ. Cả Vùng đánh cá chung (có hiệu lực 15 năm) và Vùng dàn xếp quá độ (có hiệu lực 4 năm) kể từ ngày 30-6- 2004, được xác lập nằm vắt ngang đường phân định vùng ĐQKT và TLĐ trong Vịnh Bắc Bộ là phù hợp với việc khai thác tài nguyên sinh vật biển - với đặc điểm là không thể chia lẻ, sống, di chuyển trong môi trường đồng nhất là biển. Việc hai quốc gia đồng ý xác lập các Vùng nước Hiệp định đó có vai trò quan trọng để cùng quản lý hoạt động khai thác bền vững, bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản trong vùng biển. Số lượng, loại và công suất tàu được xác định dựa trên kết quả điều tra định kỳ nguồn lợi thuỷ sản để tránh việc tận thu, nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích của ngư dân và các quốc gia.

Thực tế, Hiệp định còn có vai trò quan trọng khác nữa. Quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ được tiến hành song song và với việc đàm phán hợp tác nghề cá dễ dàng cho chúng ta thấy Hiệp định hợp tác nghề cá rất có ý nghĩa đối với kết quả đạt được trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Vùng đệm cho tàu cá nhỏ ở của sông Bắc Luân thể hiện thiện chí và chính sách

nhân đạo của hai quốc gia đối với ngư dân của hai nước, giúp cho hai quốc gia có thể vừa bảo vệ được ngư dân của mình, vừa có thể tránh được những

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 76 - 86)