Vai trò của khai thác chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 43 - 44)

Các mô hình KTC được xác lập, về mặt lý thuyết cũng như trong thực tế, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quan hệ quốc tế và khai thác tài nguyên biển. Là một trong các loại dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn, không ảnh hưởng đến yêu sách của các bên về chủ quyền (đối với các vùng biển đang có tranh chấp), không ảnh hưởng đến chủ quyền của các bên (đối với vùng biển đã được phân định), vai trò của KTC được thể hiện trước hết và chủ yếu ở những nội dung cơ bản sau:

- Đây là một giải pháp hữu hiệu, có thể thỏa thuận và áp dụng được, để khai thác tài nguyên biển phục vụ cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Ở những nơi chưa có đường ranh giới phân định biển, tranh chấp về quyền chủ quyền đối với các vùng biển chắc chắn sẽ cản trở các quốc gia tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, do đó KTC tài nguyên biển trong khu vực chồng lấn đó sẽ là giải pháp công bằng có thể chấp nhận được. KTC giúp các quốc gia, tránh được những cản trở của vấn đề tranh chấp chủ quyền để hướng đến lợi ích kinh tế biển. Điều này rất có ý nghĩa bởi lẽ, tài nguyên biển chỉ mang lại lợi ích thực sự nếu như việc khai thác chúng đúng thời vụ (như đối với tài nguyên sinh vật) hay đúng thời cuộc khi nhu cầu của con người còn cần đến (như đối với tài nguyên dầu, khí và khoáng sản). Ở những khu vực đã phân định biển, KTC được đề cập đến chủ yếu ở khía cạnh đó là giải pháp công bằng về lợi ích của các quốc gia vì phù hợp với bản chất hóa lỏng của các mỏ dầu và khí, hay phù hợp với đặc điểm của tài nguyên sinh vật sinh sản và di chuyển trong môi trường đồng nhất là biển.

- Việc các quốc gia cùng thỏa thuận thiết lập quan hệ KTC, về mặt chính trị, có vai trò xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng hợp tác để phát triển và giải quyết các vấn đề chung. Từ đó, các quốc gia có thể giải tỏa những mâu thuẫn hay bất đồng, tạo điều kiện thuận lợi để có thể đi đến thỏa thuận dứt khoát về phân định biển bằng đàm phán. Từ nhiều khía cạnh, KTC có quan hệ khá mật thiết với vấn đề phân định biển. - Hợp tác KTC không phải là một nghĩa vụ pháp lý quốc tế bắt buộc đối với các quốc gia. Tuy nhiên, đi cùng với việc hợp tác KTC tài nguyên biển là việc các quốc gia cùng hợp tác thực hiện các nghĩa vụ pháp lý pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 đã xác định cho các quốc gia như: nghĩa vụ hợp tác bảo vệ, giữ gìn môi trường biển; nghĩa vụ bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật; nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do biển của các quốc gia khác mà Công ước 1982 đã thừa nhận, cũng như giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực, hay nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác…

- Ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy rằng khai thác tài nguyên biển đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật hiện đại, vốn đầu tư lớn, dự án đầu tư dài… mà không phải quốc gia nào cũng có thể tự thực hiện được. Thu hút đầu tư nước ngoài là giải pháp thường được các quốc gia tính đến. Tuy nhiên không nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng đầu tư ở nơi có rủi ro cao, chính trị không ổn định. Thỏa thuận KTC có vai trò như một hình thức cam kết của các quốc gia hữu quan để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác biển.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 43 - 44)