Chính sách và luật pháp của Nhà nước liên quan đến vấn đề khai thác chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 101)

khai thác chung

Là một quyết định của quốc gia, KTC chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách đối ngoại chung và quan điểm của Chính phủ đối với vấn đề hợp tác KTC trong từng giai đoạn nhất định, đối với từng khu vực và đối tác nhất định. Mỗi quốc gia, trên cơ sở nhận thức và đánh giá khách quan các yếu tố ảnh hưởng để quyết định một chính sách phù hợp cho vấn đề hợp tác KTC tài nguyên biển. Các yếu tố như bối cảnh tình hình quốc tế, thái độ và chủ trương các quốc gia láng giềng, các mối quan hệ quốc tế hữu nghị truyền thống, tình hình giải quyết tranh chấp phân định biển, các điều kiện cụ thể khác vừa ảnh hưởng đến, vừa được phản ánh trong chính sách của quốc gia về KTC.

Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, kể từ khi đổi mới năm 1986, chính sách phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại cởi mở, chính sách đối với vấn đề Biển Đông của Đảng và Nhà nước thường xuyên được củng cố, hoàn thiện…

đang tạo điều kiện thuận lợi và đặt nền tảng cho KTC với các quốc gia để khai thác tài nguyên biển. Đại hội lần thứ VI (năm 1986) đã xác định phát triển kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, là một bộ phận của ba chương trình lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu (xuất khẩu dầu thô khai thác được ngoài khơi là một nhân tố chủ yếu, quan trọng, có tính chất quyết định sự phát triển không ngừng của kinh tế biển). Đại hội lần thứ VII (năm 1991) đã thông qua phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia trên biển của Việt Nam đến năm 2000 là: từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của biển, phát triển kinh tế hải đảo, làm chủ lãnh hải và TLĐ, thực hiện chủ quyền đối với vùng ĐQKT… đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển và tăng cường bảo vệ chủ quyền trên Biển của Việt Nam. Thời gian ngắn sau đó, Việt Nam ký kết với Ma-lay-xia Bản ghi nhớ về KTC dầu khí (ngày 05-6-1992) xác lập thỏa thuận KTC đầu tiên của Việt Nam; ban hành Luật Dầu khí (ngày 06-7-1993) quy định cơ sở pháp lý cho hoạt động dầu khí và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí. Đặc biệt, ngày 23-6-1994, Quốc hội Khóa IX đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước 1982 của LHQ về Luật biển, cùng với Tuyên bố về các vùng biển Việt Nam năm 1977, Tuyên bố về đường cơ sở năm 1982, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia ven biển khi Công ước 1982 có hiệu lực.

Nghị quyết của Đại hội toàn quốc các lần thứ VIII, IX và X của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển. Nghị quyết Đại hội X đã xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 là “Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và

hợp tác quốc tế…Phát triển mạnh, đi trước một bước một số vùng kinh tế văn biển và hải đảo” [1, tr 93]. Có thể nói, trên đà phát triển, Đại hội X của Đảng tiếp tục xác định phát triển kinh tế biển là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian đến. Định hướng đó hướng đến đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, kinh tế biển trở thành động lực của sự phát triển đất nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09-02-2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định định hướng phát triển biển về kinh tế - xã hội là đến năm 2020, Việt Nam phát triển thành công, có bước đi đột phá về kinh tế biển và ven biển theo thứ tự: 1) Khai thác, chế biến dầu, khí; 2) Kinh tế hàng hải; 3) Khai thác và chế biển hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Sau năm 2020, thứ tự phát triển kinh tế biển có sự thay đổi: 1) Kinh tế hàng hải; 2) Khai thác, chế biến dầu, khí và các loại khoáng sản; 3) Khai thác và chế biển hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển [2].

Như vậy, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về biển đã được hoạch định và thực hiện. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ hướng ra biển, kết hợp chiến lược phát triển kinh tế biển với chiến lược bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển. Thể chế hóa đường lối và chính sách thành pháp luật một cách đầy đủ, chi tiết và tỷ mỉ trong thời gian đến là công việc tiếp theo cần được thực hiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán các thỏa thuận KTC, cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định và tin cậy thu hút đầu tư nước ngoài tham gia và lĩnh vực hợp tác khai thác tài nguyên biển để tìm kiếm nguồn tài chính đầu tư, chuyển giao công nghệ để từng bước nâng cao năng lực của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)