Biển Đông (theo tên gọi Việt Nam) là biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,447 triệu km2
, trải rộng từ vĩ độ 30 Bắc đến 260 Bắc (chiều dài khoảng 1.900 hải lý) và từ kinh độ 1000 Đông đến 1210 Đông (nơi rộng nhất của Biển Đông không quá 600 hải lý), độ sâu trung bình khoảng 1.140 m, khối lượng nước khoảng 3,928 triệu km3. Là biển nửa kín, Biển Đông được bao bọc bởi 9 quốc gia (gồm Trung Quốc, Phi-lip-pin, Ma- lay-xia, Bruney, In-đô-nê-xia, Xin-ga-po, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan). Người Trung Quốc gọi biển này là Nam Hải, tên quốc tế chỉ biển này là Biển Nam Trung Hoa (tên tiếng Anh - South China Sea và tên tiếng Pháp - Mer de Chine méridionale) [32, tr 9]. Phi-lip-pin gọi là biển Luzon theo tên hòn đảo lớn Luzon của Phi-lip-pin.
Trong khu vực Biển Đông có hai quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới là In-đô-nê-xia và Phi-lip-pin, có hai quần đảo lớn giữa biển là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, và hai vịnh lớn ăn sâu vào đất liền là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vịnh Bắc Bộ nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông có diện tích khoảng 124.500 km2, được bảo bọc bởi bờ biển và các đảo của Việt Nam và Trung Quốc, trải rộng trong phạm vi vĩ tuyến 1706’ Bắc - 21055’ Bắc và kinh tuyến 105036’ Đông - 109055’ Đông. Vịnh Thái Lan nằm ở phía Tây Nam Biển Đông có diện tích khoảng 293.000 km2, được bao bọc bởi bờ biển của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Ma-lay-xia.
Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông được nối với Thái Bình Dương thông qua eo biển Basi
(nằm giữa Phi-lip-pin và Đài Loan) và eo biển Đài Loan. Về phía Tây, Biển Đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Đây cũng là khu vực có các đường biển nhộn nhịp vào loại thứ nhì thế giới vì có đến năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông và Đông Nam Á. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển đi qua Biển Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po…
Biển Đông là một biển lớn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là có tầm quan trọng đứng vào hàng thứ 2 thế giới sau Địa Trung Hải, một bộ phận quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo nhiều dự báo khoa học, Biển Đông rất giàu tài nguyên: đa dạng về tài nguyên sinh vật, có nhiều tiềm năng phát triển giao thông vận tải biển và du lịch, giàu có về tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên hải sản của Biển Đông, với khoảng 2000 loài cá khác nhau và các loài đặc sản khác (tôm, cua, trai, tảo…) là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng không bao giờ cạn nếu biết giữ gìn và bảo vệ. Biển Đông chứa đựng một tiềm năng lớn tài nguyên dầu khí. Toàn bộ TLĐ của Biển Đông được bao phủ bởi lớp trầm tích đệ tam dày, có nơi còn lan sang cả dốc và bờ ngoài của rìa lục địa. Các khu vực có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Malay, Pattany- Thái Lan, Nam Côn Sơn, Mê-Kông, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Theo số liệu của nhiều nhà khoa học và cơ quan khoa học quốc tế dự đoán, Biển Đông chứa khoảng 130 tỷ thùng dầu và khí tự nhiên. Khu vực Nam Biển Đông, có tài liệu nêu có trữ lượng dầu mỏ khoảng từ 23,5 tỷ đến 30 tỷ tấn, khí thiên nhiên khoảng 8.300 tỷ m3, quặng hiếm 250.000 tấn [30, tr 64]. Khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa các mỏ khoáng sản sun phít đa kim, kết cuội sắt mangan. Dưới góc độ pháp lý theo quy định của Công ước 1982, Biển Đông có hầu như tất cả các nội dung liên quan như quốc gia ven biển, quốc gia quần
đảo, quốc gia không có biển, các vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, KTC, phân định biển, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, vấn đề biển kín và biển nửa kín, eo biển quốc tế, đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học về biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn… Việc mở rộng phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông căn cứ Công ước 1982 đã dẫn đến việc hình thành các khu vực chồng lấn và tranh chấp về tài nguyên nghề cá, dầu khí, khoáng sản, xây dựng và lắp đặt các công trình biển… [30, tr 62]. Thực tế, Biển Đông có nhiều tranh chấp phân định biển, trong đó có cả các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo liên quan đến nhiều quốc gia và rất phức tạp. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia ven Biển Đông, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia khác, ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định và sự hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, Biển Đông đã có sự ổn định tạm thời, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc đã được ký kết ngày 04-11-2002 các bên đang hướng đến ký kết Bộ luật quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), hợp tác giữa các quốc gia từng bước đã được thiết lập và phát triển. Mặc dù vậy, Biển Đông vẫn là điểm nóng về tranh chấp biển, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Nếu xảy ra xung đột, các tàu thuyền không đi qua được Biển Đông mà phải đi vòng qua In-đô-nê-xia và Thái Bình Dương gây tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Giao thông đường biển bị ách tắc sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và suy thoái nền kinh tế của nhiều quốc gia.