Nội dung của thỏa thuận khai thác chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 37 - 43)

Nghiên cứu thực tiễn khá đa dạng của các thỏa thuận KTC, chúng ta có thể tổng hợp những nội dung chủ yếu của một thỏa thuận KTC bao gồm các quy định về: (i) xác định vùng KTC riêng biệt; (ii) xác định tài nguyên biển là đối tượng của KTC; (iii) cơ chế hợp tác; (iv) quy định quyền và nghĩa vụ tài chính giữa các bên; (v) cơ chế giải quyết tranh chấp; (vi) quy định về hiệu lực của thỏa thuận KTC; (vii) các thỏa thuận khác…

1.2.3.1. Xác định vùng khai thác chung

Xác định vùng KTC là nội dung trước hết và chủ yếu của một thỏa thuận KTC. Vùng này được xác định bằng các tọa độ trên bản đồ, là cơ sở để

các quốc gia phối hợp xác định trên thực tế tiếp sau đó. Thông thường, vùng KTC được xác lập bởi giới hạn các đường yêu sách về quyền chủ quyền của các quốc gia đối với một vùng biển nhất định, nếu ở đó chưa có thỏa thuận về phân định biển; hoặc được xác định bằng sự đóng góp bằng nhau về diện tích các vùng biển của các quốc gia tính từ đường ranh giới phân định biển, nếu ở nơi đó đã có thỏa thuận về phân định biển. Cách xác định thông thường đó thể hiện một cách tương đối rằng các bên ký kết đã đóng góp bằng nhau quyền chủ quyền của mình cho vùng KTC - một căn cứ để xác định tỷ lệ bằng nhau khi phân chia chi phí và lợi nhuận.

Trên thực tế cũng có những vùng KTC ở vị trí khá đặc biệt, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể. Vùng KTC dầu và khí theo Thỏa thuận Ba ranh và Arập Xêút ngày 22-02-1958 hoàn toàn nằm ở TLĐ phía Arập Xêút, nhưng Ba ranh vẫn được hưởng 50% lợi nhuận thu được. Hiệp định Ôx-trây-lia và In-đô-nê- xia ngày 11-12-1989 xác lập Vùng hợp tác (zone of cooperation) là vùng biển nằm giữa Đông Timo và Bắc Ôx-trây-lia có diện tích khoảng 11.129 hải lý vuông, nhưng vùng hợp tác này lại được chia thành ba khu vực A, B và C trong đó KTC chỉ thực sự được xác lập ở khu vực A, khu vực B thuộc quyền quản lý khai thác của Ôx-trây-lia, khu vực C thuộc quyền quản lý khai thác của In-đô-nê-xia và các quốc gia chia xẻ cho nhau tỷ lệ 10% tổng số thuế thu được từ việc cho thuê khai thác đối với vùng B và C (Điều 4 Hiệp định).

1.2.3.2. Xác định đối tượng khai thác chung

Nội dung cơ bản thứ hai của thỏa thuận KTC là xác định tài nguyên biển là đối tượng KTC, có thể là tài nguyên sinh vật (như hợp tác nghề cá) hoặc tài nguyên khoáng sản (như hợp tác khai thác dầu và khí xa bờ) hoặc KTC hỗn hợp các loại tài nguyên thiên nhiên trong khu vực KTC. Nội dung này phụ thuộc vào vị trí của khu vực KTC, nguồn tài nguyên được phát hiện trong khu vực KTC đó, mục đích và mức độ hợp tác giữa các bên ký kết.

Tùy thuộc vào từng thời điểm, mục đích của thỏa thuận hợp tác, nguồn tài nguyên được phát hiện và điều kiện thực tế của các quốc gia mà các bên thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện hay từng phần để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển. Đối với các vùng biển ngoài khơi, KTC được thiết lập chủ yếu để thăm dò khai thác tài nguyên dầu và khí. Tài nguyên khai thác khác nhau là một yếu tố ảnh hưởng đến cơ chế hợp tác và nguyên tắc quản lý điều hành việc KTC cho phù hợp.

1.2.3.3. Thỏa thuận về cơ chế hợp tác và các vấn đề có liên quan

Cơ chế hợp tác giữa các quốc gia để cùng tiến hành KTC tài nguyên biển là nội dung quan trọng của thỏa thuận KTC, trong đó xác định rõ cách thức, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc ra các quyết định chung để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác. Tùy thuộc vào ý chí của các bên, đối tượng KTC… mà các bên xây dựng cơ chế hợp tác. Việc quản lý và khai thác các loại tài nguyên biển khác nhau đòi hỏi các yêu cầu khác nhau về nội dung của sự hợp tác. Cơ chế hợp tác có thể giản đơn hay phức tạp, mỗi cơ chế hợp tác có những ưu điểm và nhược điểm riêng, quyết định đến các nội dung khác của thỏa thuận hợp tác. Thông thường, các bên ký kết thỏa thuận thành lập ra các cơ quan quyền lực chung với các thành viên là đại diện bằng nhau của các quốc gia để ra các quyết định theo nguyên tắc nhất trí. Cũng có trường hợp, các bên ký kết thỏa thuận ủy quyền hoặc giao cho một bên ký kết thay mặt cho cả hai nước quản lý điều hành hoạt động KTC mà sự tham gia của nước còn lại rất hạn chế, chỉ dừng ở mức độ giám sát.

Thực tiễn, cơ quan điều hành chung được thành lập ở các mức độ khác nhau, với các tên gọi khác nhau. Ở mức độ thứ nhất, cơ quan quyền lực chung có chức năng giám sát cao và có quyền ra các quyết định và chịu trách nhiệm trước các Chính phủ; ở mức độ thứ hai thấp hơn, cơ quan quyền lực chung chỉ có chức năng liên hệ, tư vấn dưới sự chỉ đạo của các Chính phủ. Chẳng hạn:

+ Thỏa thuận Arập Xêút và Xu đăng ngày 16-5-1974 về việc cùng thăm dò và khai thác tài nguyên ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tại một khu vực xác định của chung, nơi đã có đường phân định biển trong biển Hồng Hải, Ủy ban chung (Joint Commission) được thành lập có thẩm quyền quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng đối với các hoạt động chung như là một cơ quan siêu quốc gia. Những nội dung chủ yếu thể hiện thẩm quyền rộng lớn của Ủy ban chung này là: (i) thẩm quyền xác định và phân định biên giới của vùng chung, (ii) nghiên cứu và quyết định các đơn xin cấp đặc nhượng thăm dò và khai thác dầu khí phù hợp với các điều kiện quy định trước, (iii) soạn thảo và ban hành các thể lệ để chi phối các hoạt động KTC để thực hiện chức năng của mình, (iv) dự toán tất cả các chi phí của Ủy ban chung (v) tiến hành các hoạt động cần thiết để khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng…

+ Bản ghi nhớ Ma-lay-xia - Thái Lan ngày 21-02-1979 về việc thành lập Cơ quan quyền lực chung (Joint Authority) chịu trách nhiệm điều hành hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên không sinh vật tại đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tại khu vực KTC - vùng chồng lấn TLĐ theo yêu sách của hai quốc gia. Cơ quan quyền lực chung bao gồm hai đồng Chủ tịch, mỗi người được bổ nhiệm từ mỗi quốc gia, và bao gồm số lượng bằng nhau các ủy viên được bổ nhiệm từ hai bên quốc gia. Nhưng thẩm quyền của Cơ quan quyền lực chung này không rộng như Ủy ban chung theo Thỏa thuận Arập Xêút - Xu đăng ngày 16-5-1974, chỉ gồm các nội dung chính là: (i) đề xuất việc trao các quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong khu vực KTC dưới hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm (PSCs) với các Chính phủ để phê duyệt, (ii) giám sát, quản lý và điều hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng KTC, (iii) thu thuế và các lợi nhuận khác từ các nguồn tài nguyên dầu khí trong KTC cho hai Chính phủ. Bên dưới Cơ quan quyền lực chung còn có Ban quản lý chung thực hiện các chức năng nhất định.

+ Cơ quan điều hành chung ở mức độ thứ hai với chức năng tư vấn và liên lạc cho các Chính phủ điển hình nhất là là Ủy ban (Commission) được xác lập theo Thỏa thuận Nhật Bản - Hàn Quốc ngày 30-01-1974. Thỏa thuận này xác lập vùng hợp tác bằng việc chia khu vực đó thành các tiểu vùng. Trong mỗi tiểu vùng, các bên Chính phủ sẽ tự quyền kiểm soát khai thác bằng việc độc lập tiến hành cấp đặc nhượng (concessionaires) cho các công ty, thu thuế theo thỏa thuận giữa Chính phủ và công ty được cấp đặc nhượng. Các công ty được cấp đặc nhượng chỉ định các nhà điều hành thông qua một thỏa thuận hoạt động chung (a joint operating agreement) được phê chuẩn bởi các bên quốc gia. Số lượng các nhà điều hành được lựa chọn trên cơ sở cân bằng về quốc tịch. Khi có sự thay đổi luân phiên giữa các nhà thầu của hai quốc gia trong các tiểu vùng thì luật áp dụng sẽ thay đổi theo luật của quốc gia (Nhật Bản hoặc Hàn Quốc) chỉ định nhà thầu. Còn Ủy ban chung Nhật - Hàn, gồm hai thành viên được bổ nhiệm bởi mỗi bên quốc gia, có chức năng hạn chế, chỉ là thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định. Điều 25 của Hiệp định quy định các chức năng của Ủy ban chủ yếu là nghiên cứu, liên lạc và đề xuất các vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định với các Chính phủ, mà không có bất cứ một quyền để ra các quyết định nào. Các công ty được chuyển nhượng của mỗi nước chia đều tài nguyên với bên được chuyển nhượng của nước kia, và chịu trách nhiệm với nước cấp phép của mình.

+ Trong Hiệp định giữa Ôx-trây-lia và In-đô-nê-xia về KTC trong Vùng trống Timo (Timo Gap) ngày 11-12-1989, KTC thực sự được thiết lập ở vùng A, còn các khu vực B và C do mỗi bên quốc gia tự khai thác và phân chia lợi ích cho quốc gia kia. Trong vùng A, hai quốc gia thỏa thuận thành lập hai có quan chung là Hội đồng Bộ trưởng (The Ministerial Council) và Cơ quan quyền lực chung (Joint Authority). Theo đó, Hội đồng Bộ trưởng với gồm số lượng các Bộ trưởng bằng nhau do hai quốc gia chỉ định tiến hành

nhóm họp hàng năm hoặc khi có yêu cầu. Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm đối với tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí trong khu vực A. Còn cơ quan quyền lực chung có tư cách pháp nhân, bao gồm số lượng bằng nhau các thành viên được chỉ định bởi hai quốc gia, có trách nhiệm thực thi các chức năng quản lý thực tiễn việc thăm dò và khai thác trong vùng A cũng như toàn vùng hợp tác và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng. Cơ quan quyền lực chung theo Hiệp định này có những quyền hạn nhất định và được đánh giá là cánh tay quản lý của Hội đồng Bộ trưởng, có trách nhiệm tổng thể đối với những hoạt động thăm dò và khai thác trong vùng A [33, tr 44].

1.2.3.4. Thỏa thuận về phân chia lợi nhuận

Thỏa thuận về tài chính xác định nguyên tắc và tỷ lệ phân chia về chi phí và lợi nhuận thu được từ hoạt động KTC bảo đảm sự công bằng giữa các bên, từ đó bảo đảm cho các bên đạt được mục đích của việc hợp tác khai thác tài nguyên chủ yếu vì lợi ích kinh tế. Thông thường, trong lĩnh vực khai thác dầu và khí, các bên thỏa thuận một tỷ lệ bằng nhau (50:50) đối với chi phí và lợi nhuận; trong lĩnh vực hợp tác nghề cá, các bên thỏa thuận nguyên tắc ngang bằng về năng lực khai thác. Tuy nhiên, trong Thỏa thuận Nhật Bản - Hàn Quốc ngày 30-01-1974, quyền cấp đặc nhượng và thu thuế đối với các công ty được cấp đặc nhượng là quyền độc lập của mỗi quốc gia và qua đó, các quốc gia thu được lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên trong vùng KTC. Thỏa thuận về phân chia lợi nhuận vừa quy định, vừa chịu ảnh hưởng của các nội dung về xác định vùng KTC, xác định cơ chế hợp tác, quy định quyền và nghĩa vụ của các nhà thầu, hay quy định về quyền quản lý và tài phán của các quốc gia đối với các hoạt động KTC…

Ngoài những nội dung cơ bản trên, thỏa thuận KTC còn có các nội dung khác như: luật áp dụng cho hoạt động KTC của các công ty và các vấn

đề liên quan như thuế, hải quan, biên phòng, quyền tài phán, nguyên tắc giải quyết tranh chấp, thời hạn hiệu lực của thỏa thuận KTC, tuyên bố bảo lưu về chủ quyền hay yêu sách về chủ quyền của các bên ký kết, các nghĩa vụ khác của các bên ký kết…

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 37 - 43)