Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 46 - 49)

Quan hệ hợp tác KTC giữa các quốc gia ven biển được xác lập để cùng khai thác tài nguyên biển, cho nên quan hệ này trước hết chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Công ước 1982. Các thỏa thuận KTC sẽ được thiết lập dựa trên và để thực thi Công ước 1982. Điều 74 và Điều 83 quy định mang tính khuyến nghị rằng trong khi chờ đợi việc thoả thuận về hoạch định ranh giới vùng ĐQKT và TLĐ giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau, các quốc gia ven biển trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các “dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn” và các“dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng”. Như vậy, Công ước 1982, bằng việc pháp điển hóa các thực tiễn trước đó, là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia lựa chọn mô hình hợp tác KTC một cách rộng rãi hơn trong thực tế. Đồng thời, như đã phân tích, việc các quốc gia yêu sách và tuyên bố mở rộng quyền chủ quyền đối với các vùng biển kề cận căn cứ Công ước 1982 là yếu tố quan trọng để các quốc gia có thể đóng góp quyền chủ quyền đối với vùng ĐQKT và/hoặc TLĐ khi thiết lập các vùng KTC.

Thiết lập các vùng KTC để khai thác tài nguyên biển, thỏa thuận KTC chịu sự điều chỉnh của Công ước 1982 với các quy định về nghiên cứu khoa

học biển, khai thác và bảo tồn các nguồn lợi thủy sản, dầu khí, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển, an ninh quốc phòng… Cụ thể:

+ Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, Công ước 1982 quy định tất cả các quốc gia có biển và không có biển, các tổ chức quốc tế có thẩm quyền đều có quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển với điều kiện tôn trọng quyền của các quốc gia khác và các quy định của Công ước 1982. Hoạt động nghiên cứu khoa học biển phải đáp ứng các yêu cầu: được tiến hành nhằm mục đích hoàn toàn hòa bình; sử dụng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp; không được cản trở các hoạt động biển khác; tuân theo các quy định tương ứng được thông qua để thực thi Công ước 1982, kể cả các quy định về giữ gìn và bảo vệ môi trường biển... Việc nghiên cứu khoa học biển trong lãnh hải, vùng ĐQKT và TLĐ của quốc gia ven biển phải được sự đồng ý của quốc gia ven biển đó. Đối với lãnh hải, nghiên cứu khoa học biển chỉ được tiến hành khi có thỏa thuận rõ ràng với quốc gia ven biển và trong các điều kiện do quốc gia đó ấn định. Trong vùng ĐQKT và TLĐ, nghiên cứu khoa học biển được tiến hành với sự thỏa thuận của quốc gia ven biển, nhưng quốc gia ven biển không được từ chối một cách phi lý…

+ Trong lĩnh vực thủy sản: Công ước 1982 đặt ra nhiều yêu cầu đối với quốc gia ven biển, thể hiện tập trung và chủ yếu là: quốc gia ven biển xác định trữ lượng và khả năng có thể đánh bắt; áp dụng các biện pháp quản lý bền vững tài nguyên thủy sản, ấn định tổng lượng cá được phép đánh bắt trong vùng ĐQKT, tránh gây tổn hại đến các nguồn tài nguyên biển do khai thác tận thu quá giới hạn cho phép; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản nhằm bảo đảm chia một phần lợi ích mà các nguồn tài nguyên biển mang lại cho loài người bằng việc ký kết các thỏa thuận dành cho nước ngoài được tiếp cận đối với nguồn cá dư thừa do khả năng khai thác thực tế thấp hơn khả năng có thể đánh bắt của quốc gia ven biển…

+ Trong lĩnh vực dầu khí: hoạt động dầu khí nói chung bao gồm tìm kiếm, thăm dò dầu khí; phát triển mỏ, khai thác dầu khí; xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí; chế biến và dịch vụ dầu khí. Công ước 1982 thừa nhận quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên của đáy biển, lòng đất dưới đáy biển đối với nội thủy, lãnh hải, vùng ĐQKT và TLĐ. Tuy nhiên, khi thực thi các quyền chủ quyền của mình đối với TLĐ, quốc gia ven biển không được gây thiệt hại đối với quyền tự do hàng hải, không được cản trở đối với quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm và các quyền tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước 1982 thừa nhận, không được cản trở các quyền này một cách không thể biện bạch. Công ước 1982, phần XII quy định nghĩa vụ của quốc gia ven biển đối với việc bảo vệ, giữa gìn môi trường biển khi tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đồng thời có trách nhiệm tiến hành các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, phải giám sát liên tục những nguy cơ ô nhiễm, đánh giá tác động sinh thái do các hoạt động thăm dò, khai thác TLĐ gây ra. Điều 82 quy định quốc gia ven biển có nghĩa vụ nộp các khoản đóng góp cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không sinh vật ở khu vực TLĐ ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở…

+ Trong lĩnh vực bảo vệ, giữ gìn môi trường biển: Điều 192 quy định bảo vệ và giữ gìn môi trường biển là nghĩa vụ chung của các quốc gia. Thực hiện nghĩa vụ này, Công ước 1982 yêu cầu các quốc gia ven biển: phải xác định nguồn ô nhiễm để áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát, không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác; đưa ra các biện pháp chống lại ô nhiễm môi trường biển do việc sử dụng các kỹ thuật trong phạm vi kiểm soát của mình; xây dựng các kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm để đối phó với những tai nạn gây ra đối với ô nhiễm biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ; các luật, quy định và các biện pháp

của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế về giữ gìn và bảo vệ môi trường biển, bảo đảm đền bù hay bồi thường nhanh chóng và thích đáng đối với những thiệt hại nảy sinh từ ô nhiễm môi trường biển do cá nhân, hay pháp nhân thuộc quyền tài phán của mình gây ra…; kịp thời thông báo cho các quốc gia khác về nguy cơ bị ô nhiễm lan tràn đến và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ…

+ Việc hợp tác giữa các quốc gia ở ven biển được ghi nhận tại Điều 123 Công ước 1982. Theo đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau (kể cả mời các quốc gia hay tổ chức quốc tế hữu quan) thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia theo Công ước 1982, như: phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác tài nguyên sinh vật của biển; phối hợp trong việc sử dụng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ và giữa gìn môi trường biển; phối hợp các chính sách nghiên cứu khoa học, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học chung trong vùng.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 46 - 49)