KTC trong Vịnh Bắc Bộ và khu vực ngoài cửa Vịnh cần phải được cả Việt Nam và Trung Quốc quan tâm, bởi đây là khu vực biển rất giàu có về tài nguyên, cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên dầu khí. Với việc ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng ĐQKT và TLĐ của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ, hai bên đã giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền trong Vịnh Bắc Bộ, cam kết tôn trọng chủ quyền của nhau đối với vùng ĐQKT và TLĐ trong Vịnh. Đồng thời, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã đặt ra nhu cầu hợp tác KTC tài nguyên, thể hiện trước hết ở Hiệp định hợp tác nghề cá.
Hiệp định hợp tác nghề cá Việt - Trung năm 2000 trong Vịnh Bắc Bộ được đánh giá là sự nhượng bộ của Việt Nam trong quá trình đàm phán phân định Vịnh. Bằng việc Việt Nam chấp thuận đề nghị của Trung Quốc về hợp tác KTC nghề cá, Vùng đánh cá chung (có hiệu lực 15 năm) và Vùng dàn xếp quá độ (có hiệu lực 4 năm) được hình thành bởi sự đóng góp bằng nhau quyền chủ quyền của mỗi bên đối với vùng ĐQKT. Tuy nhiên, Việt Nam cần quan
tâm đến khả năng Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là khi hết các thời hạn hiệu lực trên. Từ những kinh nghiệm thực tiễn và bài học rút ra từ việc đã ký kết và thực thi Hiệp định, trên cơ sở đánh giá khách quan và khoa học các yếu tố ảnh hưởng, Việt Nam cần có những bước tiến mới trong đàm phán (nếu có) với Trung Quốc để bảo vệ tốt hơn tài nguyên biển và lợi ích quốc gia, trong đó có cả lợi ích về vị thế của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ sau khi đã có thỏa thuận phân định Vịnh.
Điều 7 Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cũng ghi nhận cam kết của hai bên dự liệu cho trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định. Trong trường hợp đó, hai bên cam kết sẽ thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ khoáng sản được phát hiện, cũng như phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác. Như vậy, ở khu vực được dự báo là giàu có về tài nguyên dầu khí và đang được các bên tiến hành điều tra thăm dò, hợp tác để KTC tài nguyên ở TLĐ Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hoàn toàn có khả năng được xác lập trong tương lai sắp đến.
Ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, với việc công nhận 100% hiệu lực của đảo Hải Nam như trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chồng lấn về vùng ĐQKT và TLĐ mà hai quốc gia còn phải đàm phán phân định theo quy định của Công ước 1982. Đây là khu vực cũng được đánh giá là có trữ lượng dầu khí và nguồn lợi thủy sản lớn. Cho nên, song song với quá trình đàm phán phân định biển, Việt Nam và Trung Quốc có thể hướng đến phương án cùng hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên biển một cách hiệu quả, công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, tình hình thực tế của hai bên và đặc điểm địa lý - chính trị khu vực cửa Vịnh. Việc xác lập các thỏa thuận KTC ở khu vực trong và ngoài Vịnh Bắc Bộ trong điều
kiện thực tế hiện nay của Việt Nam cần phải được cân nhắc tính toán kỹ. Song, đây chắc chắn là các cơ hội để Việt Nam đàm phán một cách bình đẳng, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, để xác lập các căn cứ pháp lý rõ ràng bảo vệ được lợi ích của quốc gia trước những tham vọng của Trung Quốc.
3.1.3.Triển vọng khai thác chung ở khu vực Trường Sa
Thực trạng quần đảo Trường Sa, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở Biển Đông và sự giàu có về tài nguyên dầu khí, hiện nay có đến 5 quốc gia và vùng lãnh thổ Đài Loan tranh chấp về chủ quyền và chiếm đóng các đảo. Mặc dù các bên tranh chấp đã nhất trí thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong thời gian qua Trung Quốc, với tham vọng rất lớn đối với Biển Đông, đã tiếp tục tăng cường sự hiện diện của các tàu quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển phía Nam Biển Đông, tiến hành khảo sát trên diện rộng, triển khai xây dựng nhiều công trình mới ở hầu hết các điểm mà Trung Quốc đang chiếm giữ, tăng cường số lượng tàu cá hoạt động và cho các tàu cá hoạt động sát gần các điểm mà Việt Nam đang đóng quân…[24, tr 33]. Thực trạng đó đặt Việt Nam vào hoàn cảnh khó khăn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình đối với vùng biển này.
Phía Trung Quốc kiên trì đề nghị ý tưởng “gác tranh chấp cùng khai thác” trong khu vực quần đảo Trường Sa, và đã đặt vấn đề với Việt Nam, Phi-lip-pin, Ma-lay-xia và Bruney. Việt Nam cũng đưa ra đề xuất mới về
“hợp tác cùng phát triển” nhằm tăng cường sự hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông [24, tr 33-34]. Ngày 14-3-2005, tại Manila - Phi-lip- pin, ba công ty dầu khí quốc gia của ba nước Việt Nam (PETROVIETNAM), Trung Quốc (CNOOC), Phi-lip-pin (PNOC) đã ký Thoả thuận về khảo sát địa chấn chung trong một khu vực rộng 140.000 km2 ngoài khơi Biển Đông với thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực 10-6-2005. Hiện nay, Thỏa thuận này
đang được triển khai. Như vậy, các bên tranh chấp đã có những thay đổi nhất định về chính sách đối với vấn đề Trường Sa, thể hiện ở ý định hợp tác khai thác tài nguyên biển và phát triển chung. Tuy nhiên, trước tham vọng rõ ràng về chủ quyền và áp đặt ý chí của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và Biển Đông, Việt Nam và các bên tranh chấp khác cần có những sự thận trọng cần thiết trong chiến lược và sách lược đối với Biển Đông, trong đó có cả ý tưởng KTC. Trong điều kiện tranh chấp còn rất phức tạp, các bên chưa thu hẹp được bất đồng, KTC tài nguyên (đặc biệt là dầu khí) để phát triển kinh tế, cũng là biện pháp để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại khu vực, và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Song, KTC chắc chắn không thể là sự lựa chọn thay thế đối với việc bảo vệ chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với các đảo và vùng biển ở khu vực Trường Sa.