và Ma-lay-xia năm 1992
2.2.2.1. Lịch sử hình thành Thoả thuận ghi nhớ
Khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lay-xia rộng khoảng 2.800 km2 nằm trong Vịnh Thái Lan, có độ sâu nhỏ (trung bình 50m), địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng và thuần nhất. Từ năm 1986 Ma-lay-xia đã tăng cường khai thác khí ở Vịnh Thái lan. Hãng ESSO (USA) đã thực hiện 300 mũi khoan thăm dò. Ma-lay-xia đã ký 3 hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty nước ngoài, các khu vực mà các công ty nước ngoài khai thác đó chồng lấn lên khu vực mà Việt Nam yêu sách. Hai khu vực (PM18 và PM5) mà ESSO (USA) khai thác đã chồng lấn đối với yêu sách của Việt Nam lần lượt là 200 km2
và 300 km2. Hợp đồng ký với HAMILTON (USA và Úc) có 1.440 km2 chồng lấn với khu vực 46 của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự chồng lấn tương tự như trên có khu vực diện tích 800 km2 theo yêu sách của 3 quốc gia Việt Nam - Thái Lan và Ma-lay-xia, đang thuộc về khu vực phát triển chung của Thái lan - Ma-lay-xia theo Thỏa thuận ghi nhớ giữa Ma-lay-xia và Thái Lan năm 1979. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quan điểm về việc Ma- lay-xia thăm dò và khai thác dầu khí. Ngày 30-5-1991, trong công hàm gửi Bộ ngoại giao Ma-lay-xia, Việt Nam đã nhấn mạnh: mối quan hệ và hợp tác
hữu nghị giữa hai nước không cho phép bất kỳ quốc gia nào đơn phương đồng ý cho một bên thứ ba có quyền thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển chồng lấn. Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Ma-lay-xia về chủ đề phân định TLĐ giữa hai quốc gia trên có sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích của các bên, phù hợp với tập quán và luật pháp quốc tế. Do đó, các dự án thăm dò và khai thác đang được PETRONAS (công ty dầu khí quốc gia của Ma-lay-xia) tiến hành bị đình chỉ đợi kết quả đàm phán với phía Việt Nam[34, tr 140].
Việt Nam và Ma-lay-xia là thành viên Công ước 1982, nguyên tắc chung để giải quyết phân định TLĐ và vùng ĐQKT là nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận tại các Điều 73 và 84 Công ước 1982. Hai bên có thể tuần tự đàm phán, thu hẹp bất đồng đi đến một giải pháp công bằng. Tuy nhiên, tiềm năng dầu khí lớn được phát hiện đòi hỏi hai bên phải sớm tìm ra một giải pháp khả thi để nhanh chóng khai thác, trong khi việc đàm phán phân định TLĐ phải có thời gian. Hơn nữa, với một vùng biển tranh chấp quá hẹp (chiều rộng trung bình khoảng 10 hải lý), các mỏ dầu phát hiện được có nhiều khả năng nằm vắt qua đường yêu sách. Cần thiết, hai quốc gia tiến hành hợp nhất mỏ dầu khí mới có điều kiện khai thác thương mại, dù có hay không đường phân định. Những lý do đó đã thúc đẩy hai bên tạm gác vấn đề phân định TLĐ để xác lập mô hình KTC cho vùng xác định trên tinh thần hiểu biết và hợp tác. Trong vòng đàm phán ngày 03 đến 05-6-1992, hai nước đã ký Thoả thuận ghi nhớ cùng thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định. Thỏa thuận ghi nhớ không ảnh hưởng đến kết quả hoạch định cuối cùng.
2.2.2.2. Nội dung cơ bản của Thoả thuận ghi nhớ
Khu vực KTC giữa Việt Nam và Ma-lay-xia theo Thoả thuận ghi nhớ được gọi là vùng xác định (defined area), giới hạn bởi các đoạn thẳng nối 6 điểm được xác định trong Điều 1, được đánh dấu từ điểm A đến điểm G, ở phía Đông Bắc bờ biển vùng Tây Ma-lay-xia và phía Tây Nam bờ biển Việt
Nam. Vùng xác định chỉ liên quan đến khu vực chồng lấn của hai bên với diện tích khoảng 2.800 km2, loại bỏ tất cả những vùng chồng lấn liên quan đến yêu sách của nước thứ ba như vùng chồng lấn theo yêu sách của ba quốc gia Thái Lan, Việt Nam và Ma-lay-xia.
Thoả thuận ghi nhớ này xác định các nội dung cơ bản của việc tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định của hai bên. Các nội dung cơ bản gồm:
- Thứ nhất, nguyên tắc Thoả thuận ghi nhớ không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên đối với khu vực chồng lấn. Thoả thuận ghi nhớ đã khẳng định hai quốc gia đồng ý tạm gác vấn đề phân định TLĐ để hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định.
- Thứ hai, nguyên tắc về quản lý nguồn tài nguyên trong khu vực KTC. Việt Nam và Ma-lay-xia ủy quyền cho các công ty dầu khí quốc gia của mình tương ứng lần lượt là PETROVIETNAM và PETRONAS đại diện cho các quốc gia quản lý và vận hành việc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định. PETRONAS và PETROVIETNAM tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí bằng việc ký kết và thực hiện một Thỏa thuận thương mại có nội dung được cả hai quốc gia phê chuẩn…
- Thứ ba, nguyên tắc chia đều mọi chi phí, trách nhiệm và lợi ích phát sinh từ hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực KTC.
- Thứ tư, trù định hợp nhất mỏ tài nguyên có liên quan đến khu vực KTC. Điều 2 Thoả thuận ghi nhớ quy định: trong trường hợp có mỏ dầu một phần nằm trong vùng xác định, một phần nằm ở TLĐ của Việt Nam hoặc Ma- lay-xia, hai quốc gia sẽ song phương xác lập một thoả thuận có thể chấp nhận được để thăm dò và khai thác mỏ dầu đó.
- Thứ năm, nguyên tắc giải quyết hoà bình các bất đồng cũng như tranh chấp phát sinh trong việc giải thích và thực hiện các điều khoản trong Thoả
thuận ghi nhớ bằng biện pháp đàm phán và thương lượng giữ hai bên trên cơ sở quan hệ hữu nghị và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí trong vùng chồng lấn không được quy định trong Thỏa thuận ghi nhớ.
Ngày 25-8-1993, PETRONAS và PETROVIETNAM đã ký thoả thuận thương mại về thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định. Những nội dung chính của thỏa thuận thương mại là:
- Thoả thuận thương mại quy định PETROVIETNAM và PETRONAS cùng chịu trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng xác định phù hợp với Thoả thuận ghi nhớ giữa hai quốc gia và Thoả thuận thương mại đó.
- Thoả thuận thương mại quy định việc thành lập một Ủy ban liên hợp (Joint Committee) ở cấp cao giải quyết các vấn đề ở cấp cao và một Uỷ ban điều phối (Coordination Committee) Ủy ban điều phối có nhiệm vụ soạn lập các chỉ dẫn về mặt chính sách quản lý các hoạt động dầu khí trong vùng xác định (xác định phần đóng góp của các bên; giám sát hoạt động của các nhà thầu; giải quyết việc cung ứng dịch vụ của hai nước). Uỷ ban điều phối có 8 thành viên có quyền bỏ phiếu ngang nhau, 4 thành viên do PETRONAS cử và 4 thành viên do PETROVIETNAM cử. Chủ tịch Uỷ ban được cử luân phiên với nhiệm kỳ 2 năm. Uỷ ban điều phối có thể thành lập các tiểu ban (pháp luật, kinh tế, thương mại, kỹ thuật). Các Uỷ ban này hoạt động trên nguyên tắc nhất trí. Bất kỳ tranh chấp hoặc bất đồng nào có liên quan đến hoạt động thương mại và dầu khí sẽ được hai công ty quốc gia giải quyết, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban điều phối. Mọi nghị quyết hoặc quyết định của Uỷ ban điều phối đều phải phù hợp với tình hữu nghị, cẩn trọng, thực tiễn công nghiệp dầu khí hiện đại. Chỉ những tranh chấp, bất đồng mà Uỷ ban điều phối không thể giải quyết thân thiện được mới trình lên hai Chính phủ giải quyết.
- Thoả thuận thương mại quy định rõ hai bên thừa nhận giữ nguyên giá trị các hợp đồng phân chia sản phẩm PSCs (Production Sharing Contracts) đã ký trước kia giữa PETRONAS và các nhà thầu năm 1989, tiến hành thu thuế tài nguyên, thuế lợi tức, thuế xuất khẩu, khoản trả phụ và chia đều (50:50) cho Việt Nam và Ma-lay-xia các khoản thu được từ thuế đó.
- Thực hiện nguyên tắc phân chia đều hai bên mọi chi phí và lợi nhuận có được từ hoạt động dầu khí trong khu vực KTC, được tiến hành theo Thoả thuận thương mại. PETROVIETNAM uỷ quyền cho PETRONAS điều hành trực tiếp việc khai thác dầu khí trong vùng xác định dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban điều phối, đảm nhận mọi hoạt động tài chính, tiến hành đóng thuế theo thoả thuận giữa hai Chính phủ, và phân đôi lợi tức cho PETROVIETNAM.
- Thoả thuận thương mại có hiệu lực kể từ ngày được Chính phủ hai quốc gia phê chuẩn và hết hiệu lực trong ba trường hợp sau: (i) Khi Thoả thuận ghi nhớ (MOU) 1992 hết hiệu lực (tuy nhiên, thời điểm chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận ghi nhớ không được quy định rõ trong Thoả thuận ghi nhớ này); (ii) Khi có sự thoả thuận của hai Công ty (PETROVIETNAM và PETRONAS) hoặc/và của hai Chính phủ: (iii) Khi các hợp đồng phân chia sản phẩm trong vùng chấm dứt.
2.2.2.3. Thực tiễn áp dụng Thỏa thuận ghi nhớ
Ngay sau khi Thoả thuận được ký kết PETROVIETNAM và PETRONAS đã tiến hành thành lập Uỷ ban liên hợp và Uỷ ban điều hành khu vực KTC. Tham gia Uỷ ban liên hợp là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của hai Công ty dầu khí quốc gia. Uỷ ban liên hợp họp mỗi năm một lần để thống nhất chính sách khai thác và giải quyết các vấn đề mà Uỷ ban điều phối thấy cần xin ý kiến. Uỷ ban điều phối gồm 8 thành viên được chỉ định bởi các công ty dầu khí thuộc 4 lĩnh vực pháp luật, kinh tế, thương mại, kỹ thuật. Về phía PETROVIETNAM, các thành viên Ủy ban điều phối là
các chuyên gia thuộc Phòng thăm dò khai thác, Ban Pháp chế, Ban Tài chính. Quy chế làm việc của Uỷ ban quy định Uỷ ban điều phối chịu trách nhiệm ban hành các hướng dẫn cho việc quản lý các hoạt động dầu khí theo nguyên tắc nhất trí. Mọi bất đồng cũng như tranh chấp phát sinh từ hay có liên quan đến hoạt động dầu khí và thương mại được giải quyết bởi hai công ty dầu khí quốc gia theo chỉ đạo của Uỷ ban điều phối. Mọi quyết định của Uỷ ban điều phối phải được thực hiện bởi sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và phù hợp với tập quán của ngành công nghiệp dầu khí quốc tế. Tranh chấp hoặc bất đồng, nếu không được giải quyết một cách thiện chí bởi Uỷ ban điều phối mới được đệ trình lên Chính phủ của hai quốc gia để giải quyết.
Công việc đầu tiên của Uỷ ban điều phối là lựa chọn các nhà thầu. Các nhà thầu được chọn bao gồm Công ty Hamilton Oil Corp (nhà điều hành), Công ty Enterprise Oil, Công ty IPL, Công ty Norcen, Công ty PETRONAS - Carigali. Đây là các công ty đang có hoạt động trong vùng xác định của khu vực KTC. Việc lựa chọn này được thực hiện trên cơ sở năng lực của các nhà thầu và nguyên tắc kế thừa, không làm xáo trộn các hoạt động trước đó. Đây là phương án hợp lý, bốn năm sau khi thoả thuận thương mại được thông qua, ngày 29-7-1997, tấn dầu đầu tiên được khai thác lên trong vùng xác định từ mỏ Bunga Kekwa. Điều này cho thấy Việt Nam và Ma-lay-xia đã thành công trong việc áp dụng mô hình quản lý KTC trong điều kiện TLĐ chưa được phân định. Kết quả này là kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý khai thác và giải quyết các tranh chấp phân định biển trong khu vực Biển Đông.
Theo các chuyên gia Việt Nam, việc uỷ quyền cho PETRONAS tiến hành các hoạt động dầu khí theo Luật Dầu khí Ma-lay-xia đã thúc đẩy nhanh quá trình thăm dò và khai thác dầu khí vào thời gian đó, trong điều kiện Việt Nam chưa có Luật dầu khí, chưa đủ năng lực kỹ thuật và đầu tư. Mọi chi phí cho hoạt động thăm dò và chi phí đầu tư khai thác đều do PETRONAS chịu.
Tuy nhiên, cho đến khi khai thác được dầu để xuất khẩu và thu được lợi tức, có một số vấn đề được đặt ra. Khi thực hiện theo Luật Dầu khí Ma-lay-xia, PETRONAS phải đóng thuế và gửi phần lợi tức sau khi đã phân chia cho PETROVIETNAM qua ngân hàng Ma-lay-xia. Kết quả là phần lợi tức của phía Việt Nam không đến chủ nhân một cách kịp thời mà phải mất thời gian, lệ phí chuyển tiền cũng như các thủ tục khác của Ma-lay-xia. Điều này là chưa đúng với nguyên tắc công bằng của Thoả thuận. Từ năm 2002, sau 5 năm thực hiện việc đóng thuế, Bộ Tài chính Việt Nam đặt vấn đề về thủ tục và cách thức được nhận lợi tức từ các hoạt động thăm dò trong khu vực KTC. Trong khuôn khổ của Uỷ ban điều phối, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành các cuộc trao đổi để giải quyết vấn đề mang tính kỹ thuật trên.
Việc uỷ quyền cho Ma-lay-xia cũng nảy sinh vấn đề quản lý trong khâu xuất khẩu dầu tại chỗ không có sự giám sát của biên phòng và hải quan Việt Nam tại các giàn khoan. Năm 2003, phía Việt Nam đã nêu vấn đề trong Uỷ ban điều phối và hai bên đã nhất trí để các lực lượng hữu quan gặp nhau thoả thuận về một văn bản uỷ quyền giữa họ.
2.2.2.4. Đánh giá chung
Có thể nói, Việt Nam và Ma-lay-xia đã thoả thuận tạm gác vấn đề phân định TLĐ để hợp tác song phương thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực chồng lấn yêu sách là lựa chọn hợp lý cả về lý do và mục đích:
- Khu vực KTC có diện tích nhỏ, dài và hẹp, phù hợp với việc áp dụng mô hình KTC cho cả trường hợp đã phân định hay chưa phân định biển. KTC trong vùng xác định chưa phân định này là giải pháp phù hợp với thực tiễn quốc tế và Công ước 1982, giúp các quốc gia khai thác được nguồn tài nguyên dầu khí tiềm năng lớn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nhưng không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên đối với vấn đề phân định biển.
- Hợp tác KTC là giải pháp để thể hiện thiện chí của các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề chung, tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Từ đó, tạo điều kiện để hai quốc gia tiến đến các bước tiếp theo trong tương lai để có được kết quả cuối cùng về phân định biển. Cho đến nay, bằng thực tiễn áp dụng của mình, Thoả thuận ghi nhớ Việt Nam và Ma-lay-xia là khá đơn giản và nhưng hiệu quả. Chính vì vậy cả hai quốc gia đều nhất trí đề nghị Thái Lan nghiên cứu chấp thuận để áp dụng mô hình KTC này cho khu vực chồng lần giữa ba bên trong Vịnh Thái Lan (rộng khoảng 800 km2).
KTC giữa hai quốc gia theo Thoả thuận ghi nhớ năm 1992 là sự hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trong một vùng biển có diện tích nhỏ, nhưng không có việc hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và tài nguyên khoáng sản khác. Việc các quốc gia uỷ quyền cho các tổ chức dân sự là các công ty dầu khí quốc gia đại diện tiến hành các hoạt động chung được đánh giá là phù hợp và năng động, hạn chế việc can thiệp trực tiếp và quá sâu từ các Chính phủ. Tuy nhiên, Thoả thuận ghi nhớ này được ký trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu đổi mới, Luật Dầu khí chưa được ban hành, điều kiện về đầu tư tài chính, nguồn nhân lực và kỹ thuật của Việt Nam ở trình độ thấp. Thực trạng đó đã hạn chế Việt Nam trực tiếp tham gia quản lý và khai thác.
Bên cạnh đó, về mặt nội dung, Thỏa thuận ghi nhớ không còn khuyết thiếu một số vấn cần được xem xét thêm để bổ sung cho chặt chẽ, tạo cơ sở