tác khai thác chung tài nguyên biển là một trong các nội dung của vấn đề hợp tác cùng phát triển
Tổng kết lại, Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài, nằm dọc Biển Đông, biển có một vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Việc xác định và xây dựng chiến lược tiến ra biển là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung của pháp luật quốc tế và Công ước 1982, đáp ứng yêu cầu khách quan của việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và trong tương lai lâu dài.
Chính sách biển cần được hiểu là hệ thống các quan điểm chủ trương, đường lối cơ bản của một quốc gia ven biển trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ biển (gồm chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển, chiến lược phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển; các quy hoạch phát triển ngành, địa phương trong từng giai đoạn; các chủ trương xây dựng và phát triển các hoạt
động trên biển, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động trên biển) phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, trình độ khoa học công nghệ của quốc gia đó; phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về biển… [25, tr 249]
Việc xây dựng chính sách về biển đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, góp phần phát triển kinh tế, tạo dựng một trật tự an toàn và ổn định trên biển, thực hiện quản lý hành chính và thực thi chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, chính sách về biển hiện nay của Việt Nam còn đang dừng lại ở mức độ là chủ trương, đường lối lãnh đạo và được ghi nhận tại các Nghị quyết của Đảng, từng bước đã được triển khai thực thi trên thực tế nhưng một cách cục bộ, mang tính đơn ngành, vẫn còn thiếu tính toàn diện, tổng hợp và phối hợp. Các chính sách, luật pháp chưa thực sự trở thành công cụ đắc lực để điều chỉnh các hoạt động, các mối quan hệ trong khai thác, sử dụng và bảo tồn tài nguyên biển… Để khai thác hiệu quả vị thế to lớn do biển mang lại, Việt Nam cần xây dựng chính sách quốc gia về biển một cách tổng hợp, toàn diện, cụ thể, có quy hoạch đầy đủ các vùng biển và các hoạt động trên biển, các lực lượng trên biển… để có sự phát triển bền vững, không chồng chéo, lãng phí. Để thống nhất được hành động, chính sách quốc gia về biển phải xác định được mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, và các biện pháp thực hiện… Nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực biển của Việt Nam có ý kiến chung rằng, chính sách biển phải khơi dậy được tiềm năng và thế mạnh của biển đối với một quốc gia ven biển và được xem như là cầu nối giữa quốc gia ven biển với khu vực và thế giới. Việc xây dựng chính sách biển phải xuất phát từ những điều kiện tự nhiên về tài nguyên biển, xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế của nhà nước và từ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc phòng, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững… và phải dựa trên cơ sở pháp lý là một đạo luật thống nhất điều chỉnh tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng và quản lý biển.
Hiện nay, Ủy ban Biên giới - Bộ ngoại giao (phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chính phủ, các bộ ngành liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các địa phương ven biển…) đang chủ trì việc xây dựng dự thảo Luật về các vùng biển Việt Nam. Các nguyên tắc chỉ đạo cho việc xây dựng đạo luật này là: (i)Bảo đảm tình thống nhất và phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và pháp luật quốc tế, (ii)Thể chế và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc quản lý và các vùng biển trong tình hình mới; (iii)Tạo cơ sở pháp lý cao trong việc xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự trên các vùng biển Việt Nam, mở rộng quan hệ quốc tế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực; (iv)Nội luật hóa các quy định của Công ước 1982, xây dựng luật biển của Việt Nam làm khuôn khổ pháp luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao để áp dụng nhằm bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển
[25, tr 467-468]. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của các nhà khoa học, các bộ ngành cũng đang đặt vấn đề và có các kiến nghị về việc Việt Nam cần gia nhập một số điều ước quốc tế về biển trong thời gian tới như các Công ước về bảo vệ môi trường biển, Công ước về các loài cá di cư xuyên biên giới, đồng thời Việt Nam cần có những chuẩn bị để thực thi tốt hơn các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, để nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong khu vực đối với vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển…
Khi xây dựng chính sách quốc gia về biển, Việt Nam cần xác định vấn đề KTC giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông là một nội dung của định hướng hợp tác cùng phát triển, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa KTC và các vấn đề khác về biển. Lý do chủ yếu là:
- Hợp tác KTC tài nguyên biển cần phải được thực hiện một cách hiệu quả để khai thác được tài nguyên để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Trong nhiều lợi ích do biển mang lại, nguồn lợi to lớn về tài nguyên cần phải được quốc gia ven biển khai thác kịp thời, hiệu quả trong mối quan hệ với thời cuộc và lịch sử phát triển của đất nước. Như đã phân tích, trong điều kiện Biển Đông đang có những tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển đảo và phân định biển, hợp tác KTC tài nguyên biển giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng là một lựa chọn phù hợp với xu hướng quốc tế, điều kiện của Việt Nam và khu vực hiện nay.
- Tuy nhiên hợp tác KTC chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, nhiều vấn đề quan trọng như giải quyết tranh chấp phân định biển, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa các quốc gia, quyền và nghĩa vụ của quốc gia theo Luật biển quốc tế… Đồng thời hợp tác KTC cũng có những tác động đáng kể ngược trở lại với các vấn đề đó. Do vậy, trong chính sách quốc gia về biển, khi Nhà nước xác định các mục tiêu và chính sách cho các yếu tố chi phối đó, cần đặt chúng trong mối quan hệ mật thiết với định hướng hợp tác KTC.
Về mặt nội dung, để làm định hướng chỉ đạo cho việc đàm phán và thực thi các thỏa thuận KTC trong tương lai, trong chính sách quốc gia về biển của Việt Nam, nội dung định hướng về hợp tác KTC phải đáp ứng được các yêu cầu chính như sau:
- Xác định hợp tác KTC với tính chất là một biện pháp dàn xếp tạm thời là một lựa chọn phù hợp và khách quan trong điều kiện hiện nay. Các mục tiêu đồng thời của hợp tác KTC là: khai thác tài nguyên biển, nhất là ở các vùng biển xa bờ ngoài khơi và các khu vực đang tranh chấp; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các khu vực biển đang tranh chấp; là một cách thức để tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, góp phần giữ gìn ổn định trong Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi hơn
cho việc đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo; góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền và vị thế của quốc gia trong khu vực đối với các vấn đề liên quan đến biển…
- Xác định được triển vọng KTC, định hướng ưu tiên, mục tiêu cụ thể khi đàm phán các thỏa thuận KTC với từng đối tác, cho từng khu vực. Mỗi khu vực biển có triển vọng KTC thì vị trí địa chính trị đối với Việt Nam là khác nhau; mỗi quốc gia đối tác có mối quan hệ truyền thống, thái độ ứng xử, ngoại giao, những vấn đề còn tồn tại với Việt Nam cũng không giống nhau,… đó là các yếu tố cần phải được tính toán cân nhắc để xác định mục tiêu ký kết thỏa thuận KTC, nội dung hợp tác KTC, thời điểm đàm phán và ký kết.
- Ngoài hai yêu cầu trên, chính sách quốc gia về biển cần xác định và giải quyết các mối quan hệ giữa vấn đề KTC với các vấn đề khác. Đó là bảo vệ môi trường biển, điều tra và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ngư trường đánh bắt, thăm dò và xác định trữ lượng tài nguyên dầu khí và khoáng sản, thực hiện quản lý hành chính và tự vệ trên biển, tạo môi trường pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực biển … Mối quan hệ này cần phải được giải quyết theo hướng tạo cơ sở cho việc KTC được Việt Nam thực thi một cách chủ động và có hiệu quả. Nói cách khác, KTC khi được định hướng là một nội dung trong chính sách biển, thì các nội dung khác của chính sách biển cần phải hướng đến việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc đàm phán, ký kết và thực thi các thỏa thuận KTC một cách có lợi và hiệu quả nhất. Những định hướng khái quát chung như trên được phân tích chi tiết hơn trong đề xuất dưới đây.