Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đàm phán, ký kết và thực thi các thoả thuận khai thác chung

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 108)

thi các thoả thuận khai thác chung

Để chủ động trong đàm phán, ký kết và thực thi các thỏa thuận KTC trong tương lai, Việt Nam chúng ta cần chuẩn bị các vấn đề cụ thể chủ yếu là:

Thứ nhất, Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để có được các số liệu điều tra cơ bản đáng tin cậy về khu vực và trữ lượng tài nguyên để đánh giá tiềm năng tài nguyên có thể khai thác ở các khu vực có triển vọng KTC. Trong điều kiện các quốc gia trong khu vực đều có công nghệ hiện đại và chú trọng đến việc điều tra xác định tài nguyên biển (kể cả tài nguyên dầu khí và tài nguyên hải sản), nếu chúng ta không có được những thông tin cần thiết thì việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận KTC chủ yếu được thực hiện theo đề nghị của các quốc gia khác. Điều đó sẽ hạn chế khả năng chủ động đề xuất và đàm phán, khi đó, lợi ích quốc gia và vị thế của Việt Nam sẽ khó được bảo vệ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, công tác điều tra về tài nguyên biển của Việt Nam chưa được thực hiện tốt, việc tổ chức và chia xẻ thông tin còn rất hạn chế, Việt Nam chưa có được một cơ sở thông tin chung về biển và tài nguyên biển đáng tin cậy để làm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu và các hoạt động có liên quan về biển nói chung. Giải quyết và thực hiện được yêu cầu đó, một trong các biện pháp khả thi là Việt Nam cần chú trọng đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra chung các nguồn lợi tài nguyên biển. Một mặt, chúng ta giải quyết được vấn đề hợp tác và chuyển giao công nghệ, mặt khác hạn chế hoặc tránh được sự phản đối của các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với Việt Nam. Hơn nữa, đó là một biện pháp hữu hiệu để Việt Nam có thể chia xẻ và có được các thông tin và số liệu điều tra đáng tin cậy, củng cố quan hệ hợp tác như là những bước đi khởi đầu cho quan hệ hợp tác KTC…

Thứ hai, như đã phân tích, năng lực về tài chính, khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực, năng lực của các lực lượng quản lý và tự vệ trên biển rất có ảnh hưởng đến việc ký kết và thực thi các thỏa thuận KTC, cũng như bảo vệ được đầy đủ lợi ích của quốc gia trong các thỏa thuận KTC. Đối với Việt Nam, vấn đề năng lực cần được nâng cao về chất để giải quyết tốt hơn các

vấn đề có liên quan khi Việt Nam hướng đến các thỏa thuận KTC trong tương lai. Với yêu cầu đó, thiết nghĩ:

- Cần áp dụng các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, kể cả khai thác tài nguyên sinh vật và tài nguyên không sinh vật. Để làm được điều đó, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật tạo môi trường pháp lý năng động cho hoạt động đầu tư; tiến hành các hoạt động ngoại giao và tăng cường năng lực tự vệ trên biển để giữ gìn ổn định và hòa bình, tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó các nhà đầu tư nước ngoài mới sẵn sàng hợp tác để để tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên biển, một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

- Cần chuẩn bị đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu để có khả năng trực tiếp thực hiện khai thác tài nguyên biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí. Một mặt, cần có chính sách thỏa đáng để thu hút lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, tránh việc những lao động Việt Nam chuyển sang làm việc cho các hãng nước ngoài, rồi Việt Nam lại phải đi thuê người nước ngoài làm việc cũng phải trả chi phí cao, hạn chế việc lãng phí về chi phí cho nguồn nhân lực. Mặt khác, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa và chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, như sớm thành lập Đại học Dầu khí, mở rộng quy mô của các cơ sở đào tạo hiện có, thực hiện hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ đào tạo trong lĩnh vực này… Đối với nghề cá, cần có chính sách về kế hoạch đào tạo nhân lực (đặc biệt là người chỉ huy, thuyền trưởng, máy trưởng) đáp ứng yêu cầu sử dụng các phương tiện đánh bắt công suất lớn, am hiểu luật pháp và có kỹ năng phán đoán, ứng xử linh hoạt các tình huống trên biển.

- Về khoa học kỹ thuật, khai thác tài nguyên dầu khí đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao mà Việt Nam chưa thực sự làm chủ được; hoạt động nghề cá cũng cần những đội tàu công suất lớn, kỹ thuật hiện đại, có khả năng đi biển

dài ngày và có khả năng bảo quản tốt để đánh bắt ngoài khơi xa trong vùng ĐQKT. Điều có ý nghĩa hơn nữa là công nghệ khai thác cần đi cùng với công nghệ sản xuất và chế biến các sản phẩm từ tài nguyên khai thác được. Giải pháp cho vấn đề này là thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế và đầu tư tài chính để nhận chuyển giao công nghệ. Đây là nội dung có quan hệ mật thiết với việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài… Trong giai đoạn hiện nay, để có nguồn tài chính đầu tư, Việt Nam nên xác định một tỷ lệ thích đáng của phần tài chính thu được từ việc khai thác tài nguyên biển để tái đầu tư cho khoa học kỹ thuật, mở rộng và nâng cao năng lực khai thác của Việt Nam. Đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu để quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính đó như xác định đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tăng cường công tác quản lý giám sát tránh thất thoát và lãng phí.

Thứ ba, song song với các vấn đề trên, Việt Nam cần có những chuẩn bị tích cực về nội dung và phương án đàm phán để giữ thế chủ động khi đàm phán và ký kết các thỏa thuận KTC. Trong tương quan với các đối tác, một khi Việt Nam chủ động đề xuất về việc xác lập các thỏa thuận KTC, vạch ra phương án đàm phán chắc chắn có nhiều lợi thế hơn so với việc phải chạy theo đề nghị của phía đối tác bạn. Để làm tốt hơn vấn đề này, một mặt, chúng ta cần nắm vững các số liệu điều tra, các thông tin về tài nguyên biển, chủ động về khoa học công nghệ như trên đã phân tích, mặt khác, cần thống nhất trong hành động, phương châm và mục tiêu đàm phán cho cả quá trình. Như vậy, về phía nội bộ của Việt Nam, Nhà nước cần có những phương án, kế hoạch lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng và hoàn thiện các đề án về KTC một cách tương đối thống nhất, cho phù hợp với từng đối tác, từng khu vực KTC, từng loại tài nguyên khai thác… và coi đó là phương châm để đàm phán, vừa bảo đảm tính kế thừa, tính nhất quán vừa bảo đảm sự linh hoạt của phía Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán, vì quá

trình này có thể diễn ra trong nhiều năm, chịu sự chi phối và tác động của nhiều yếu tố thay đổi.

- Thứ tư, khi các thỏa thuận KTC được ký kết, Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến về ý nghĩa, mục đích và các yêu cầu pháp lý có liên quan cho việc thực thi các thỏa thuận KTC đã được ký kết đó, nhất là các thỏa thuận về KTC tài nguyên sinh vật. Thực tế, vấn đề này rất quan trọng đối với việc thực thi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc và Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia. Phải tổ chức các lực lượng trên biển để trực tiếp hướng dẫn ngư dân tuân thủ và thực thi đúng với các thỏa thuận đã ký kết, giúp ngư dân khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Qua đó, các lực lượng trực tiếp trên biển bảo đảm việc Việt Nam tuân thủ đúng các thỏa thuận quốc tế đã ký kết, cũng như theo dõi và bảo vệ tốt quyền lợi của Việt Nam trong quá trình thực thi các thỏa thuận của các bên ký kết khác.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 108)