Sự phát hiện các tiềm năng tài nguyên biển

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 93)

Mục đích trước hết và chủ yếu của các thỏa thuận KTC là khai thác được các nguồn tài nguyên do biển mang lại để làm giàu cho đất nước. Việc

phát hiện ra hay dự báo được tiềm năng tài nguyên lớn ở một vùng biển (có khả năng thiết lập vùng KTC) ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành một thỏa thuận KTC để khai thác được tài nguyên một cách công bằng. Điều này góp phần lý giải vì sao vùng KTC có thể được thiết lập ở cả vùng biển đã phân định và ở cả những vùng biển đang tranh chấp. Bên cạnh đó lại có những khu vực tranh chấp mà các quốc gia hữu quan không hướng đến giải pháp KTC trong giai đoạn quá độ đàm phán phân định biển.

Bất kỳ quốc gia nào cũng có nhu cầu khai thác tài nguyên biển. Tuy nhiên, ở khu vực biển đang tranh chấp hay đã có đường phân định mà tài nguyên được phát hiện nằm vắt ngang đường phân định đó, thì việc khai thác tài nguyên đặt ra yêu cầu là giải quyết hài hòa vấn đề chủ quyền và lợi ích kinh tế cho mỗi bên quốc gia. Giải pháp KTC tránh cho việc khai thác tài nguyên biển gặp phải sự phản đối của quốc gia khác có lợi ích liên quan, là giải pháp công bằng, cho dù sự công bằng không thể tuyệt đối. Đến lượt mình, từ khía cạnh lợi ích về kinh tế, KTC lại có ý nghĩa quan trọng góp phần cho sự thành công trong tương lai về thỏa thuận phân định biển ở những vùng biển đang tranh chấp. Bởi lẽ, nếu tiềm năng tài nguyên càng được đánh giá lớn thì phân định biển càng khó thỏa thuận nếu như giữa các quốc gia chưa tìm được giải pháp hợp lý cho vấn đề lợi ích tài nguyên. Khi đạt được thỏa thuận về KTC, tức là các bên tranh chấp đã tìm được tiếng nói chung để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, phân định biển sẽ không còn là một chủ đề khó để đàm phán. Nói cách khác, đối với khu vực biển đang tranh chấp được đánh giá là giàu có tài nguyên, sự thành công của một thỏa thuận KTC có ý nghĩa lớn cả về kinh tế và chính trị.

Với Việt Nam, một trong các căn cứ để đánh giá triển vọng KTC trong Biển Đông là thực tế và dự báo về tiềm năng tài nguyên biển (thủy hải sản và dầu khí). Các khu vực KTC dự báo được thiết lập ở cả khu vực đã phân định

biển và khu vực đang tranh chấp. Đối với khu vực đã có đường phân định biển theo các Hiệp định với Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Thái Lan, các quốc gia đều có thỏa thuận trù liệu hợp tác KTC về tài nguyên khoáng sản ở khu vực ranh giới. Ở các khu vực chưa phân định biển, các quốc gia cũng đều có ý tưởng KTC vì nhu cầu khai thác tài nguyên biển và vì sự khó khăn của việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo và quyền chủ quyền đối với các vùng biển. Điều đó đặt ra yêu cầu là Việt Nam cần phải có những số liệu tin cậy về trữ lượng các loại tài nguyên biển chủ yếu, vị trí địa lý của các nguồn tài nguyên (đặc biệt là các mỏ dầu và khí), chia xẻ các thông tin đó với các quốc gia, để lấy đó làm cơ sở cho việc đàm phán về phân định biển cũng như đàm phán về vấn đề KTC.

Một phần của tài liệu Vấn đề khai thác chung giữa Việt Nam và các nước trong khu vực biển Đông (Trang 93)