Khi đặt vấn đề KTC giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông, chúng ta cần cân nhắc đến bối cảnh hiện nay và dự báo xu hướng của việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Nếu vấn đề chủ quyền các đảo trên Biển Đông chưa được giải quyết, tranh chấp về phân định
biển cũng chưa thể giải quyết được. Việc hợp tác trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm và hợp tác KTC chỉ có thể được thực hiện khi giữa các bên có được lòng tin nhất định và có chung cách ứng xử trong Biển Đông.
Trung Quốc có khả năng chi phối khá lớn đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện qua lập trường và yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, không chỉ tranh chấp chủ quyền các vùng biển với Việt Nam, mà còn với nhiều nước khác thuộc ASEAN. Ngoại trừ vấn đề quần đảo Hoàng Sa, các nước ASEAN chủ trương vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa không liên quan đến lợi ích của họ, mà đó là vấn đề của riêng Trung Quốc và Việt Nam. Biển Đông được cộng đồng quốc tế quan tâm chủ yếu đến quyền tự do hàng hải. Chính phủ Trung Quốc có chính sách chỉ đàm phán song phương khi giải quyết tranh chấp nhiều bên, và đề nghị gác tranh chấp cùng khai thác. Ở một mức độ nào đó, chúng ta cần nhận định rằng việc giải quyết tranh chấp đối với các vùng biển ở Biển Đông là rất phức tạp, không thể giải quyết ngay trong giai đoạn hiện nay. Do đó, các quốc gia trong khu vực như Phi-lip-pin, Ma-lay-xia… sẽ có những thay đổi về chính sách đối với vấn đề giải quyết tranh chấp và khai thác tài nguyên trong khu vực Biển Đông.
Trong giai đoạn hiện nay, thể hiện rõ và chính thức nhất chính sách của các bên tranh chấp đối với vấn đề Biển Đông ở nội dung của DOC Trung Quốc - ASEAN ngày 04-12-2002. DOC ghi nhận ý chí chung của các bên là
“Các bên liên quan cam kết tiến hành giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, thông qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật quốc tế, kể cả Công ước 1982 của LHQ về Luật biển” và khuyến nghị
các bên liên quan tiến hành tăng cường tìm kiếm các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, trên tinh thần hợp tác và hiểu biết…”.
Điều 6 DOC quy định “Trong khi chờ đợi một giải pháp toàn diện và lâu dài cho tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác…” . Các hoạt động hợp tác mà DOC ghi nhận là các lĩnh vực ít nhạy cảm, bao gồm: bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn hàng hải và liên lạc trên biển; hoạt động tìm kiếm cứu nạn; đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Mặc dù, hợp tác KTC tài nguyên biển không được DOC đề cập đến trong các hoạt động hợp tác, nhưng thực tế trên đây cho chúng ta khả năng dự báo xu hướng hợp tác để khai thác tài nguyên biển là khách quan, vừa khai thác được tài nguyên, vừa là một biện pháp giữ gìn hòa bình, ổn định để tiếp tục đàm phán giải quyết tranh chấp, tìm kiếm giải pháp ổn định và lâu dài về phân định chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, đối với các vùng biển đang tranh chấp, mặc dù KTC là chỉ giải pháp mang tính tạm thời được thiết lập trong giai đoạn quá độ của việc phân định biển, song sự hiện diện của các quốc gia trong các thỏa thuận KTC lại có ý nghĩa gián tiếp củng cố cho yêu sách của các quốc gia đó, bởi lẽ, khu vực KTC được xác lập bởi sự đóng góp chủ quyền của các bên ký kết. Nói cách khác, các bên tranh chấp trên Biển Đông có thể lựa chọn giải pháp KTC như là một bước tiến trong việc khẳng định trên thực tế tính có căn cứ của yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với các vùng biển.
Khi bàn về sự ảnh hưởng của tình hình giải quyết tranh chấp biển đảo và chính sách của các bên tranh chấp đối với vấn đề KTC tài nguyên biển trong Biển Đông, chúng ta cũng cần đánh giá và nhìn nhận sự chi phối của bối cảnh quốc tế và khu vực đến vấn đề này, nhất là nhận thức được vị thế của Việt Nam đã thay đổi khi Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng về hội nhập quốc tế và khu vực. Việt Nam gia nhập ASEAN là một bước
ngoặt ngoại giao quan trọng, chuyển từ quan hệ đối lập sang quan hệ đối thoại với các quốc gia ASEAN, vị thế và vai trò của Việt Nam trong ASEAN đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các quan hệ hợp tác về vấn đề Biển Đông. Hơn nữa, ASEAN còn tạo cho Việt Nam thêm một kênh đối thoại - đối thoại đa phương - với Trung Quốc về việc hợp tác, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan khác trong Biển Đông.
Là một bên tranh chấp trong Biển Đông, Việt Nam cần chuẩn bị các chứng cứ hợp pháp để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình. Đây là vấn đề phức tạp và có ý nghĩa lâu dài. Bên cạnh đó, khi thương lượng hay thỏa hiệp các thỏa thuận KTC mang tính chất tạm thời, Việt Nam cần cân nhắc đến mối quan hệ mật thiết giữa KTC và phân định biển để có quyết định phù hợp, có lợi cho quốc gia trong việc đàm phán phân định biển để có được một thỏa thuận phân định biển lâu dài, công bằng, và hợp lý.