I- NHỮNG YÊU CẦU CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC:
1/ Bám sát đặc trưng loại thể truyện ngắn giàu kịch tính.
Nông thôn và đời sống của người nông dân là một trong những nguồn đề tài phong phú của văn học. Đề tài người tri thức và đề tài nông dân là hai đề tài tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Nam Cao.
Cùng với “Lão Hạc”, “Một bữa no”, “Dì Hảo”,… “Chí Phèo” là tác phẩm tiêu biểu cho thi pháp tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao. Ở đó, tập trung sức mạnh nghệ thuật của Nam Cao. Nam Cao cũng như các cây bút “tả chân”, “xã hội” đương thời – Quan tâm trước hết tới việc đi sâu thể hiện tính cách khốn khổ của người nghèo bị áp bức. Nhà văn từng tâm niệm rằng, tác phẩm của mình phải là “những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng). Nam Cao không đi sâu vào nạn sưu thuế, nạn chiếm đoạt ruộng đất, nạn tô tức, thiên tai địch hoạ…mà ở “Chí Phèo” nhà văn đi vào một phương tiện khác: Người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, huỷ diệt cả nhân tính, do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ ghê gớm của “Chí Phèo” không phải ở chỗ tất cả cuộc đời người nông dân cố cùng này chỉ là một số 0: Không nhà cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích…mà chính là ở chỗ anh đã bị xã hội rạch nát cả bộ mặt người, cướp đi linh hồn người, để bị loại ra khỏi xã hội loài người.
Trên bối cảnh chung của văn học hiện thực thời kỳ 1940 – 1945, “Chí Phèo” là một hiện tượng đột xuất. “Chí Phèo” thực sự là một bức tranh xã hội rộng lớn vì trước hết nó đã phơi bày ra ánh sáng các mối quan
hệ xã hội phức tạo của hiện thực, đã miêu tả trung thực những quan hệ thực.
“Chí Phèo” là đại diện nổi bật và điển hình nhất của Nam Cao trong việc phản ánh trung thực sự tha hoá cả về nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân, đẩy con người xuống tận đáy sâu của sự băng hoại về cuộc sống. Song, đứng trước tình cảnh khốn khổ, nghiệt ngã nhất thì con người vẫn giữ được nhân cách, vẫn giữ được vẻ đẹp trong sáng, vẫn cố gắng vươn lên mong muốn có được một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người dân bình thường khác. Đó chính là chiều sâu tư tưởng, nét độc đáo riêng biệt của truyện ngắn này. Không hiểu thấu đáo thi pháp loại thể truyện ngắn Nam Cao thì việc giảng dạy truyện ngắn “Chí Phèo” chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí là không thành công.
Trong quá trình dạy học truyện ngắn Chí Phèo, yêu cầu có ý nghĩa then chốt đối với hiệu quả giờ dạy của giáo viên là phải bám sát vào đặc trưng loại thể của một truyện ngắn nhiều kịch tính, sinh động, hấp dẫn. Chất lượng của tác phẩm thể hiện rõ ở: Ngôn ngữ kể chuyện biến hóa khôn lường, sự đan xen hòa lẫn giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật; Kết cấu tác phẩm này tràn đầy kịch tính: hình ảnh của cái lò gạch cũ ở đầu và cuối truyện; kiểu xây dựng nhân vật nhiều tính cách, nhiều giọng điệu; Mâu thuẫn xung đột kịch tính; Hình ảnh kịch; Đối thoại và độc thoại giữa các nhân vật và ngay ở nội tâm nhân vật; Hành động của nhân vật đầy kịch tính… Có hiểu, nắm được đặc trưng loại thể của tác phẩm nhiều kịch tính như vậy, thì giờ dạy sẽ đạt được kết quả tốt, tránh tình trạng võ đoán, thiếu cơ sở khoa học… Khai thác được chất kịch của truyện ngắn này, sẽ giúp ta hiểu sâu, hiểu rõ hơn về ngòi bút hiện thực Nam Cao.
Đi sâu vào cuộc đời lưu manh hoá - vừa tiêu biểu cho số phận cực khổ của người nông dân bị đè nén, bóc lột, vừa tiêu biểu cho sù tha hoá phổ biến trong cái xã hội tàn phá tâm hồn con người. Ngòi bút Nam Cao đã đạt
tới sức mạnh phê phán mãnh liệt, sâu sắc hiếm có. Vẽ nên hình ảnh người nông dân lưu manh đầy thú tính, Nam Cao không hề bôi nhọ nông dân, mà trái lại đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân ngay trong khi học bị rạch nát cả bột mặt người, giết chết tâm hồn người.
Chí Phèo đã giết chết kẻ thù, nhưng rồi cũng tự giết mình. Đây không phải là hành động thuần tuý bản năng, mà Ýt nhiều đã mang ý nghĩa và tính chất của một sự trả thù giai cấp. Cái kết thúc dữ dội của thiên truyện có một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nó là bản cáo trạng bọn thống trị cường hào gian ác và luận tội cả cái chế độ xã hội tàn bạo, đen tối xã hội thực dân phong kiến.
Hiểu được đặc trưng thi pháp loại thể truyện ngắn Nam Cao, xác định được cái riêng, cái độc đáo về giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn “Chí Phèo” sẽ là thuận lợi giúp cho giáo viên có được hướng đi đúng đắn trong việc hướng dẫn học sinh tiếp nhận, khám phá, cảm thụ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Không xác định được thi pháp tư tưởng, không nắm được những biểu hiện đầy kịch tính của tác phẩm thì hướng đi của giáo viên sẽ chệch, học sinh không hiểu được giá trị, chiều sâu, vẻ đẹp riêng, độc đáo của truyện ngắn này. Hiểu được thi pháp tư tưởng trong Nam Cao, bám sát vào đó là cách tốt nhất trong việc định hướng phân tích tác phẩm đạt hiệu quả, phát huy được khả năng nhiều mặt của nó đối với quá trình nhận thức của học sinh.