2.2.2. Đặc điểm kinh tế xã hội
Trước những năm 1930, đây là khu vực cư trú của người Dao (Mán) với hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự nhiên. Nhưng từ những năm 1930 trở lại đây đặc biệt trong giai đoạn 1950 – 1960, một số lượng người kinh rất lớn từ khu vực Đồng Bằng sông Hồng đã di cư lên, người Tày, Nùng ở khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn xuống, làm cho địa bàn cư trú của người dân tộc bản địa thu hẹp lại và lùi sâu vào những vùng núi cao phía Tây. Đặc điểm của quá trình di dân này là nông – lâm nghiệp, hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân trước và sau khi di cư là nông nghiệp. Các cộng đồng di cư mang theo những tập quán sinh hoạt, sản xuất, nền văn hóa riêng của dân tộc mình đến vùng đất mới, trên cơ sở khai thác tổ hợp các điều kiện tự nhiên mới, trong một không gian sinh hoạt, sản xuất mới. Qua quá trình sinh sống, sản xuất lâu dài các cộng đồng này không biệt lập với nhau mà có sự gắn kết, hòa nhập với nhau. Kết quả là một bản sắc văn hóa mang tính tổng hòa từ những nền văn hóa tưởng chừng khác biệt được tạo nê, nó thể hiện trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, tinh thần của người dân. Một minh chứng rõ ràng là qua những lễ hội đầu xuân của người dân trong vùng, ta thấy có sự xuất hiện của những trò chơi dân gian của người Kinh (chọi gà, đánh đu), bên cạnh những trò của người Tày, Nùng (ném còn)… Đây là những nét văn hóa hết sức độc đáo, tạo nên sắc thái riêng và khả năng thu hút sự tò mò của du khách.
Khu vực Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, tuy nhiên trước yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển du lịch bền vững, đồng thời khai thác tối đa được các điều kiện tự nhiên, nhân văn sẵn có mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng địa phương, buộc chúng ta phải có một phương pháp tổ chức du lịch mới, dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc sinh thái cảnh quan.