tổng hợp, đánh giá nội dung và hình thức của văn bản trong dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở THCS
Như đã nói ở trên, truyện kể dân gian là công cụ và cũng là sản phẩm để giao tiếp giữa các thế hệ, các tầng lớp nhân dân. Vì tham gia vào hoạt động giao tiếp, là một nhân tố của hoạt động giao tiếp nên văn bản truyện kể cũng chịu sự tác động của các nhân tố giao tiếp như: hoàn cảnh ra đời, hoàn cảnh diễn xướng văn bản truyện kể dân gian, người đọc, người nghe truyện kể…
Người sáng tác truyện kể dân gian là một tác giả đặc biệt. Đó không phải là một tác giả xác định mà là một tập thể vô danh, trong đó có cả sự đồng sáng tạo của chính người đọc. Trong CT THCS có truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng được kể bằng lời của Puskin, Đeo nhạc cho mèo có nguồn gốc từ truyện kể của nhân vật dân gian Ê dốp, tuy vậy các truyện kể này đều thể hiện rõ những đặc thù của truyện kể dân gian, đặc biệt là về ngôn ngữ kể chuyện: sinh động, dung dị, dễ hiểu. Trong quá trình kể lại những truyện kể được phóng tác này, dù không nhiều, nhưng người kể sau và cả người nghe vẫn có cơ hội đồng sáng tác với người phóng tác truyện. Hiện nay, chúng ta đang quan niệm việc đọc (nghe) văn bản, nhất là văn bản văn học như là đối thoại giữa tác giả và người tiếp nhận. Yếu tố quyết định hiệu quả của việc đọc hiểu văn bản chính là tác giả trong quá trình sản sinh văn bản. V.Asmus trong bài viết “Đọc là lao động và sáng tạo” có đề cập đến một quan niệm rằng: người viết văn bản có thể chương trình hóa, nghĩa là đặt ra một khuynh hướng xác định để không những thông báo cách hiểu của mình về những hiện tượng và sự kiện của hiện thực khách quan mà còn gây sức ép với độc giả, áp đặt cho độc giả cách hiểu của mình về những hiện tượng và sự kiện này. Người nghe truyện kể dân gian chỉ có thể hiểu được truyện kể dân gian theo cách hiểu của những người khởi xướng truyện. Sau này, trong quá trình tiếp nhận bản kể, có thể sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về cùng một tình huống truyện, về một kết cục của truyện, nhưng rồi, suy đến cùng, cách sáng tạo, cách giải quyết của tác giả dân gian xem ra vẫn là có lí nhất. Người đọc, người nghe sẽ không cưỡng lại được sự thật hiển nhiên ấy. Và Asmus lại viết: “Những chỉ dẫn trước về khuynh hướng của hoạt động này được tác giả nêu trong bản thân tác phẩm có thể là mệnh lệnh không cưỡng nổi. Song không mệnh lệnh nào của những chỉ dẫn trước ấy lại có thể giải phóng cho bạn đọc khỏi cái việc mình phải tự làm lấy. Chỉ trong quá trình lao động sáng tạo của chính mình
và chỉ tùy ở chất lượng lao động ấy mà bạn đọc mới có thể nghe rõ giọng nói quyền uy của tác giả chỉ ra trước chiều hướng của chính hoạt động” [29, 48].
Như vậy, để có thể tiến hành “đối thoại” với tác giả qua văn bản, người đọc cần phải có tố chất tham gia vào cuộc đối thoại về nội dung văn bản. Để có tố chất đó, bản thân người đọc phải có kĩ năng sống toàn diện, sự uyên bác trong văn học và cuộc sống, có thị hiếu rõ ràng, có kĩ năng phân tích, phê phán điều đọc được và phải có nhiều điều khác nữa, thậm chí còn phải có một cá tính nữa. Song điều đó cũng không có nghĩa là bất kì người đọc nào có đầy đủ các điều kiện trên đều có thể biết đọc hiểu và đọc hiểu tốt các loại văn bản. Đối với việc đọc hiểu truyện kể dân gian của HS THCS, một mặt GV nên định hướng để HS khai thác vốn sống, trình độ, đặc điểm tâm lí của mình trong khi tiếp cận một văn bản truyện kể; một mặt cần tạo ra không khí, tạo ra các điều kiện để các em có thể đứng được vào chỗ đứng của người kể, người nghe truyện kể dân gian xưa mà hiểu, mà cảm các vấn đề nội dung của truyện. Không phải vì HS lớp 6 THCS còn hồn nhiên, ngây thơ mà GV cần phải giảng giải kĩ càng và buộc các em phải tin những điều đơn giản, hồn nhiên của người xưa khác với những gì các em đang biết, đang học. Đồng thời, GV cũng phải giúp cho HS nhận thức được rằng: không thể đem suy nghĩ, tâm lí của con người hiện đại ngày nay để gán ghép cho các nhân vật trong truyện cổ. Cô Tấm khóc không phải chỉ vì cô mồ côi, lại là con gái nên dễ tủi thân… Rùa thần hay Long Vương cho bậc hiền tài vũ khí đánh giặc không phải là do mất móng này Rùa thần lại mọc móng khác, cho thanh gươm thần này thì Long Vương lại có thanh gươm thần khác… Lại có HS “phân tích” rằng: xét theo luật thì Lí Thông trong truyện
Thạch Sanh phạm rất nhiều tội: lừa dân, lừa vua, tranh đoạt công sức, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác…, tổng hình phạt phải là “thừa” tội chết; Thạch Sanh tha cho Lí Thông, nhưng trời không dung tha, cho sét đánh chết rồi hóa thành kiếp bọ hung mới là đúng với khung hình phạt ấy (?)
Hoàn cảnh diễn xướng nguyên thủy của các truyện kể dân gian khác rất xa so với hoàn cảnh HS hiện nay nghe, đọc văn bản truyện kể dân gian ở lớp học. Phục dựng lại được hoàn cảnh diễn xướng nguyên thủy cho mỗi truyện kể dân gian trong giờ đọc hiểu văn bản là một điều khó khăn, song việc làm ấy cũng có thể đem đến
cho những giờ dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian hiệu ứng rất tích cực. Phải cả thầy và trò cùng góp sức thì mới có thể làm được việc này. Trước hết, có thể thay phần việc đọc văn bản thành tiếng bằng việc kể miệng (kể chuyện bằng lời nói trực tiếp), kể ở vai người kể chuyện dân gian hoặc nhập vai một nhân vật trong truyện để kể. Việc huy động và sử dụng vốn từ thuộc lớp từ Hán Việt, lớp từ cổ, lớp từ nghề nghiệp, phương ngữ, phối hợp với giọng điệu và một vài phương tiện hỗ trợ giao tiếp phi ngôn ngữ khác (cử chỉ, điệu bộ, nhạc nền…) góp phần tạo ra không khí dân gian cho hoạt động đọc truyện. GV cũng có thể đọc lên hoặc gợi dẫn một số văn bản văn học mà HS đã được biết, được học ở trường mầm non, Tiểu học nhằm làm sống lại, tái hiện lại khung cảnh diễn xướng truyện kể dân gian, chẳng hạn như:
Bao giờ cho đến tháng năm Mẹ ta trải chiếu ra nằm đếm sao
Ngân Hà chảy ngược lên cao Quạt mo vỗ khúc ca dao thằng Bờm
(Nguyễn Duy)
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện Sẽ được nghe chuyện các bà tiên Thấy chú bé đi hài vạn dặm Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền
(Vũ Quần Phương)
Xét cụ thể trong hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản, các yếu tố bên ngoài văn bản có khả năng chi phối việc đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian của HS lớp 6 THCS là: nguyên tắc cộng tác hội thoại giữa tác giả dân gian và HS, mức độ nắm vững các tri thức về văn học sử, lí luận văn học… của HS, tâm lí và khả năng tiếp nhận phạm vi hiện thực được nói tới trong các văn bản truyện kể dân gian của HS THCS, đặc điểm văn hoá địa phương, đặc biệt là các đặc điểm mang tính chất dân gian… Các yếu tố bên ngoài này ảnh hưởng và chi phối trực tiếp các quan hệ nội tại của văn bản. Chính vì vậy, khi đọc hiểu truyện kể dân gian, GV cần tổ chức hướng dẫn HS làm sáng tỏ tác động qua lại của các quan hệ hướng ngoại đối với bản thân
cấu trúc nội tại của văn bản, trên cơ sở đó khai thác các yếu tố bên ngoài văn bản truyện kể dân gian để có thể hiểu sâu rộng hơn về văn bản.
Nguyên tắc cộng tác hội thoại là một trong những nguyên tắc quan trọng của giao tiếp, cũng là căn cứ để xác định mạch lạc trong văn bản. Khi đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian, người đọc cần luôn nghĩ về đích của văn bản và dựa trên căn cứ đích của văn bản truyện mà hiểu bởi đích của văn bản truyện kể dân gian thể hiện ý đồ sáng tác (cũng là ý đồ giao tiếp) của tác giả dân gian. Và như vậy, việc tổ chức cho HS tìm ra những ý hiển ngôn và hàm ngôn của tác giả dân gian trong văn bản truyện kể dân gian cũng là một việc làm quan trọng. Dù xem xét văn bản truyện kể dân gian ở dị bản nào vẫn phải đảm bảo nguyên tắc cộng tác hội thoại giữa tác giả dân gian với HS để HS có sự đồng cảm chân thành với tư tưởng được thể hiện trong văn bản.
Vẫn là để đảm bảo nguyên tắc cộng tác hội thoại, trong dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian, GV phải luôn thường trực lưu ý về khả năng đáp ứng tính vừa sức của các tri thức về văn hoá - văn học, NNHVB để chọn và cung cấp các tri thức phù hợp với HS. Yếu tố bên ngoài này chi phối việc GV và HS sẽ mở rộng, đào sâu những vấn đề của văn bản ở cấp độ, mức độ nào; từ đó mà xác định mục tiêu cụ thể của giờ dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian.
Yếu tố tâm lí lứa tuổi HS có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình dạy học. Nó quyết định khả năng tiếp nhận văn bản, khả năng đảm bảo nguyên tắc cộng tác hội thoại, đồng thời quyết định hiệu quả hành động học của HS. GV cần căn cứ vào tâm lí HS để lựa chọn dị bản và cách lí giải dị bản cho phù hợp.
Truyện kể dân gian là một thể loại văn học dân gian nên đương nhiên, môi trường văn hoá dân gian có ý nghĩa quan trọng trong việc sáng tác, lưu truyền và tiếp nhận. Khi kể chuyện, người kể có thể căn cứ vào vị trí đang đứng, vào đặc điểm nhân thân của những người nghe để điều chỉnh các chi tiết của truyện cho phù hợp với cuộc giao tiếp hoặc để tăng hiệu quả hướng đích của văn bản, cho nên một số chi tiết phụ, nhất là lời kể thường bị thay đổi. Nhưng khi đã định hình thành văn bản, những chi tiết nào gắn chặt với cốt truyện, nhân vật, hoặc mang màu sắc riêng độc đáo thì phải luôn giữ được chỗ đứng với tên riêng của nó. Điều này đặc biệt rõ
trong các văn bản truyện truyền thuyết. Văn bản truyện Thánh Gióng xác định rất rõ một số địa danh: làng Gióng, làng Cháy, núi Sóc Sơn..., một số dấu tích: ao hồ, tre đằng ngà trong truyện nên sẽ gây cho học sinh những hiệu ứng rất tích cực, đặc biệt là đối với những học sinh đã từng biết đến những chi tiết, sự vật, sự việc ấy. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thường nói rõ Sơn Tinh chính là thần núi Tản Viên. Điều này rất quan trọng khi học sinh gắn chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh giao chiến hàng năm với chuyện lũ lụt trên sông Đà, sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Truyện
Sự tích Hồ Gươm với những địa danh cụ thể ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh và Hà Nội đã tạo ra một niềm tin chắc chắn ở người đọc. Nhờ tính xác định của địa danh, HS sẽ có thêm động lực cho tâm thế tiếp nhận văn bản, nhờ vậy sẽ nhanh chóng tiếp cận được đích của văn bản, việc đọc hiểu văn bản theo đó cũng hiệu quả hơn.
2.3.3.2. Cách thức khai thác các yếu tố ngoài văn bản trong dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở THCS
2.3.3.2.1. Hướng dẫn HS vận dụng những kiến thức về loại hình văn bản tự sự để phát hiện, phân tích khả năng dung hợp nhau giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện cổ; từ đó xác định giọng điệu kể chuyện chính của truyện
Ngôn ngữ và giọng điệu là những yếu tố nội tại của văn bản. Nhưng những tri thức về ngôn ngữ, phương thức kể chuyện, bố cục văn bản… lại thuộc về nhận thức của HS, một yếu tố bên ngoài văn bản. Ở lớp 6 THCS, đồng thời với việc dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian là các giờ học Làm văn về phương thức biểu đạt tự sự. Ở đó, các em được học về sự việc và nhân vật trong văn tự sự, lời văn và đoạn văn tự sự, ngôi kể và thứ tự kể trong văn tự sự… Sự cung cấp đồng thời, kịp thời những tri thức NNHVB và lí luận văn học cho HS là một điều kiện cần thiết và thuận lợi cho việc dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian lúc này.
Đối với văn bản truyện kể dân gian, yếu tố ngôn ngữ nhân vật thường ít có những đột phá. Khi đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian, GV nên chú ý tổ chức cho học sinh tập trung vào giọng điệu người kể chuyện trong truyện kể. Ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện kể dân gian thể hiện rất rõ chỗ đứng và quan điểm của nhân dân khi xây dựng các hệ thống nhân vật. Đối với các loại văn bản khác,
đây chính là cơ sở để hình thành cho HS kĩ năng đọc và đọc diễn cảm văn bản, còn đối với các truyện kể dân gian, các yếu tố này là cơ sở để HS nhập vai người kể chuyện mà kể chuyện cho đúng giọng (giọng khâm phục, ca ngợi; giọng bảo ban, khuyên răn; giọng chế giễu, châm biếm; giọng coi thường, khinh bỉ; giọng giận dữ, căm tức …). Chọn đúng giọng kể sẽ định hướng đúng đắn cho những sáng tạo trong quá trình kể chuyện. Hầu như tất cả các bản kể truyện dân gian trong CT THCS đều không có gì đặc biệt về ngôi kể (người kể chuyện đều ở ngôi thứ ba) nhưng giọng điệu kể chuyện thì khá phong phú, mỗi truyện một giọng kể; và kể bằng giọng cụ thể nào là do mỗi HS quyết định. Để giúp HS có kĩ năng nhận diện và chọn đúng được giọng người kể chuyện, chúng tôi đề xuất một hệ thống câu hỏi từ khái quát đến cụ thể về nội dung bài học như sau:
- Người kể chuyện trong truyện cổ này là ai? Ngôn ngữ người kể chuyện khác ngôn ngữ của nhân vật trong truyện như thế nào?
- Người kể chuyện đứng ở góc độ nào để kể chuyện? Tại sao em biết như vậy?
- Ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện cổ này có gì đặc sắc? Phân tích giá trị của các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản truyện kể (ví dụ: các đoạn văn vần xen kẽ, cách đặt và gọi tên nhân vật, biện pháp liệt kê, ẩn dụ, hoán dụ…)
Có thể đề xuất trình tự các thao tác của khâu phân tích này là:
- Yêu cầu HS đọc kĩ văn bản truyện kể dân gian ở nhà, có thể làm bảng phân vai cho từng tổ, nhóm hoặc chuyển thể kịch bản.
- HS đọc to văn bản truyện kể dân gian và xác định chỗ đứng của tác giả dân gian khi kể chuyện (với tư cách là một nhân vật quần chúng, một người ngoài cuộc nhưng cùng thời với nhân vật hay là người kể lại câu chuyện do người đời trước truyền lại…); xác định hoàn cảnh nguyên thuỷ để diễn xướng văn bản truyện kể dân gian và đối tượng mà văn bản hướng tới: lễ hội, truyền miệng bình dân, khuyên răn con cháu, khuyên răn người đời nói chung…; khớp các yếu tố vừa xác định với đích của văn bản (nhằm khẳng định một giá trị, phê phán một hiện tượng, giáo dục con cháu…)…
- HS thảo luận và tìm ra giọng điệu kể chuyện chính của văn bản truyện kể dân gian, những nét đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện, cách gọi tên, sự chuyển vai…
2.3.3.2.2. Huy động hiểu biết của học sinh về các lĩnh vực khác, đặt truyện kể dân gian trong thế đối chiếu với các dị bản khác và các truyện kể dân gian