định được đầy đủ và chính xác đích văn bản trong một hoàn cảnh kể chuyện cụ thể
Bất kì một văn bản nào khi tham gia giao tiếp đều thể hiện tính hướng đích. Các bản kể truyện dân gian cũng thể hiện đích của văn bản theo một cách đặc thù.
Quá trình một tác phẩm văn học dân gian nói chung, một truyện kể dân gian nói riêng, ra đời có thể coi như một biểu hiện cung cách ứng xử văn hóa đầy tính ngẫu hứng của nhân dân ta, đáp ứng nhạy bén và thiết thực một tình huống đời thường, một biểu hiện một trạng thái tâm lí - xã hội trong đời sống xã hội. Bởi vậy, trước hết, những truyện kể dân gian có những đích xã hội rất cụ thể tại thời điểm được sáng tạo - được kể lần đầu tiên. Điều này có thể thấy ở nhiệm vụ chung của
mỗi thể loại truyện kể dân gian. Các thể loại truyện kể dân gian xuất hiện trong các bối cảnh xã hội khác nhau nên đích hướng tới của mỗi thể loại truyện kể là không giống nhau: “Truyện cổ tích gắn với thời kì chế độ phong kiến thống trị nên các câu chuyện được kể ra và cố định cốt truyện trong văn bản nhằm mục đích phản ánh xã hội phong kiến và cuộc đấu tranh của nhân dân dưới chế độ phong kiến. Truyện ngụ ngôn phát triển đồng thời và sau truyện cổ tích, khi nhân dân thấy cần đến một thứ vũ khí thích hợp để có thể vừa tiến công vào giai cấp thống trị mà lại vừa bảo vệ được người sử dụng vũ khí ấy. Đến khi chế độ phong kiến lung lay tận gốc, người kể chuyện là nhân dân ta lại sáng tạo ra truyện cười nhằm mục đích vạch ra cho rõ hơn nữa bản chất xấu xa của giai cấp phong kiến; vậy nên truyện cười là một thứ vũ khí đấu tranh giai cấp rất hữu hiệu”. [63, 270]. Vì là đặc điểm nhiệm vụ chung của cả một thể loại nên các truyện kể cùng thể loại sẽ có chung ít nhất một đích văn bản này.
Hơn nữa, truyện kể dân gian là sản phẩm của quá trình giao tiếp giữa những thế hệ cách biệt về tuổi tác, khác xa nhau về điều kiện xã hội, quan điểm. Liệu những người đi sau có nhận ra được đích hướng tới của những truyện kể người đi trước để lại? Thực tế tiếp cận truyện kể dân gian cho thấy rằng: không những người sau hiểu được những mục đích người xưa muốn nói mà người sau còn có thể nhận ra những mục đích khác tiềm ẩn trong truyện kể phục vụ cho nguyện vọng của thời đại mình (một số tác giả văn học hiện đại đã mượn yếu tố dân gian để nói chuyện thời hiện đại…). Điều này một mặt có thể hiểu là: dù không thể có sự gặp gỡ, thỏa thuận và thống nhất, những người kể chuyện đầu tiên hẳn là ít nhiều cũng phải lập chương trình giao tiếp và triển khai ý đồ này một cách cặn kẽ, đặt ra và giải quyết các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, cho đến khi văn bản truyện kể đạt được những mục đích đặt ra trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể với những nhân tố giao tiếp cụ thể. Sau này, trong quá trình kể lại, mỗi khi gặp được hoàn cảnh diễn xướng có nét tương đồng, đích hướng tới của văn bản thể hiện ra và phát huy tác dụng rất rõ nét. Mặt khác, cũng có thể đánh giá rằng: những mục tiêu mà các truyện kể dân gian hướng tới đều có ý nghĩa xuyên thời đại, giàu giá trị nhân bản, nhân văn nên theo đó, nó luôn có tính thời sự, người nghe ở xã hội thời nào cũng có thể hiểu được.
Trong văn bản nói chung, đích của văn bản thường gắn bó hoặc trùng với chủ đề của văn bản. Trong các truyện kể dân gian, đích của mỗi truyện kể cũng thường là chủ đề tư tưởng của truyện. Chủ đề tư tưởng của truyện kể dân gian phụ thuộc nhiều vào người kể chuyện dân gian. Cũng cốt truyện đó, nội dung đó, người kể “lái” câu chuyện đi theo hướng nào, bằng thái độ cụ thể như thế nào thì sẽ định hướng cho việc người nghe hiểu câu chuyện đó theo cách nào. Vẫn là chuyện Chân Tay, Tai, Mắt so bì với Miệng về việc họ phải làm lụng cho Miệng được ăn, nếu kể theo thái độ và điểm dừng của các truyện Lục súc tranh công hoặc Hoa điểu tranh năng thì bài học ngụ ngôn và cả chủ đề của truyện Chân, Tay, Tai, Mắt và Miệng
chỉ dừng lại ở lời khuyên con người không nên ích kỉ, tách mình ra khỏi khối đoàn kết cộng đồng. Người kể thêm đoạn nói về sự tỉnh ngộ của Chân, Tay, Tai, Mắt định hướng thêm đích đưa ra một lời khuyên thiết thực và khôn ngoan cho mỗi người: “Mỗi người hãy vì mọi người, mọi người sẽ vì mỗi người”. Như vậy, ý đồ kể chuyện của người kể chi phối đích của mỗi văn bản truyện kể dân gian. Phân tích các vấn đề liên quan đến nhân tố giao tiếp người kể chuyện để từ đó xác định “đúng” và “trúng” đích văn bản là một việc làm rất cần thiết trong quá trình tiếp nhận văn bản.
Tuy vậy, không phải lúc nào cũng có thể xác định được chính xác đích của các văn bản truyện kể dân gian, bởi việc xác định chủ đề tư tưởng của cốt truyện các truyện kể dân gian nhiều khi không hề đơn giản. Ngay cả đối với những truyện kể dân gian đã tương đối định hình về mặt văn bản, việc khẳng định chủ đề tư tưởng cũng không luôn là một đáp số. Vấn đề cần phải luôn quan tâm ở đây là hoàn cảnh diễn xướng. Khi xác định đích của văn bản truyện kể dân gian, cần gắn văn bản ấy vào hoàn cảnh diễn xướng. Hoàn cảnh diễn xướng quyết định đích của văn bản truyện kể dân gian, nhiều khi quyết định cả thể loại truyện kể là truyền thuyết, cổ tích hay ngụ ngôn; tức là hoàn cảnh diễn xướng có thể chi phối dạng chỉnh thể văn bản. Trong hệ thống truyện kể dân gian có rất nhiều văn bản kể về sự tích các sự vật, con vật. Để thuyết phục người tiếp nhận văn bản, cũng là để phục vụ cho mục đích "lí giải một hiện tượng", văn bản truyện sẽ tập trung vào các tình tiết có liên quan đến kết cục là tạo ra cái sự vật, hiện tượng mà chúng ta đã cùng biết, tương ứng với hình
thức truyện cổ tích về loài vật. Trong hoàn cảnh muốn dùng văn bản để phê phán, giáo dục người tiếp nhận, người ta sẽ chọn cách diễn xướng văn bản hợp lí để đạt được mục đích ấy, ví dụ như diễn đạt nội dung ấy dưới hình thức văn bản truyện ngụ ngôn. Do đó, khi lựa chọn bản kể đưa vào NT, sự chỉnh lí đòi hỏi sự thận trọng, đặc biệt là đối với những truyện kể dân gian có liên quan đến lịch sử và tín ngưỡng, có mục đích tín ngưỡng. Vì gắn với tín ngưỡng nên trong cốt truyện, các yếu tố thần kì hoặc phi lí được lí giải và chấp nhận hiển nhiên hơn; do vậy, các truyện kể dân gian sẽ mang màu sắc riêng khi lưu truyền ở nơi tồn tại tín ngưỡng đó. Các yếu tố thần kì hoặc phi lí trong các văn bản truyện kể này in đậm màu sắc dân tộc, tín ngưỡng và đôi khi cả sắc thái địa phương nữa. Dạy truyền thuyết Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh cho học sinh ở miền Bắc Việt Nam cần lưu ý đến tín ngưỡng, phong tục thờ Tứ bất tử trong nhân dân. Dạy cổ tích sinh hoạt Em bé thông minh cần liên hệ với những truyện Trạng ở mỗi vùng (Trạng Quỳnh ở Thanh Hóa, Trạng Hiền (Nguyễn Hiền), Trạng Lường (Lương Thế Vinh) miền Bắc...
Như vậy, hoàn cảnh diễn xướng văn bản truyện kể dân gian gắn rất chặt với đích của văn bản. Khi dự kiến đưa văn bản truyện kể dân gian vào hoạt động gì, hoặc dự định thiết kế hình thức giờ học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian như thế nào, xác định đích của văn bản trong sự đối chiếu với mục đích diễn xướng hoặc ý đồ kể chuyện của dân gian là một yêu cầu hết sức cần thiết.
Đích của văn bản còn chi phối việc sử dụng những PP, thủ pháp nghệ thuật trong truyện kể dân gian. Với mỗi thể loại truyện kể, cần phải có những cách xử lí nghệ thuật khác nhau với cùng một yếu tố của văn bản để tìm ra được đích chính xác nhất mà văn bản muốn hướng tới. Đơn cử như việc sử dụng yếu tố tưởng tượng trong các truyện kể. Trong truyện cổ tích, nhân dân cần đến các yếu tố tưởng tượng, kì ảo để giải quyết các mâu thuẫn, các bức xúc mà bình thường, con người ta không thể giải quyết được. (Ví dụ như: một nước không thể chống lại được cùng một lúc quân của mười tám nước, một em bé mồ côi như Mã Lương thì rất khó chống lại cả một bè lũ như lão nhà giàu, vua quan…). Trong khi đó, ở truyện ngụ ngôn, tác giả dân gian cũng đưa các yếu tố tưởng tượng vào cốt truyện, đơn giản chỉ vì muốn diễn đạt những khái niệm khô khan, những luân lí trừu tượng một cách dễ hiểu, linh
hoạt. Cho nên, muốn đến được với đích văn bản của các truyện cổ tích, người ta phải tin rằng có điều diệu kì, có lực lượng phù trợ nào đó trong cuộc sống; còn để đến với đích của các văn bản truyện ngụ ngôn thì người đọc không cần tin vào điều đó, bởi ngay đằng sau sự tưởng tượng bay bổng, giọng kể chuyện ngây thơ là một lí trí sáng suốt, nghiêm khắc và già dặn.