Mục đích, yêu cầu của việc dạy học đọc hiểu văn bản trong nhà trường và ở THCS

Một phần của tài liệu vận dụng một số thành tựu của ngôn ngữ học văn bản vào dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở thcs (Trang 46 - 49)

trường và ở THCS

Môn Ngữ văn trước hết là một môn học thuộc nhóm khoa học xã hội; nó có chỗ đứng quan trọng trong việc cung cấp tri thức khoa học xã hội, giáo dục quan điểm, tư tưởng, tình cảm nói chung cho HS. Môn Ngữ văn còn là một môn học thuộc nhóm công cụ; vị trí này nói lên mối quan hệ giữa Ngữ văn với các môn học khác trong nhà trường, cũng như với các hoạt động trí tuệ của HS nói chung. Cũng vì đứng ở vị trí này, tự bản thân môn học Ngữ văn đã toát lên yêu cầu tăng cường tính thực hành, vận dụng, đưa lí thuyết gắn với thực tiễn đời sống. Xét trên một phương diện khác, môn Ngữ văn cũng có quan hệ khá mật thiết với các môn thuộc nhóm nghệ thuật. Có được một vốn liếng tri thức Ngữ văn tốt, HS sẽ có những định hướng thẩm mĩ đúng đắn và có cơ hội phát huy những năng lực nghệ thuật khác của bản thân.

Từ việc xác định vị trí của môn học Ngữ văn như trên, mục tiêu học tập của CT Ngữ văn THCS đã được xác định hết sức toàn diện và cụ thể: “Trọng tâm của việc rèn luyện kĩ năng Ngữ văn cho HS là làm cho HS có kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt khá thành thạo theo các kiểu văn bản và có kĩ năng sơ giản về phân tích tác phẩm văn học, bước đầu có năng lực cảm nhận và bình giá văn học” [82, 4]. Việc đọc ở đây được hiểu bao hàm cả hiểu và cảm, có ý nghĩa tiền đề đối với việc học Ngữ văn nói chung. Có đọc - hiểu - cảm văn bản tốt thì mới có khả năng tiếp cận các phương diện khác của văn bản, cũng như hoàn thành các nội dung khác của mục tiêu học tập.

Nội dung dạy học đọc hiểu văn bản được xây dựng trên một trục đồng quy gồm sáu kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, lập luận, thuyết minh và điều hành;

nghĩa là nhằm hướng tới việc xây dựng cho HS năng lực để tiếp nhận và tạo lập sáu kiểu văn bản đó. Việc này đặt ra khiến nhiều người suy nghĩ về “chất văn” của một CT dạy học Ngữ văn. Chính CT cũng đã xác định được cái khó ở đây là “làm sao khai thác được triệt để chất liệu của văn bản văn học đang học và xác định lượng kiến thức ở từng phần cho phù hợp (xét trong tương quan với những điều đã học ở Tiểu học, sẽ học ở THPT cũng như tương quan giữa các lớp của bậc THCS)”[82, 8]. Giải pháp tối ưu để có thể vừa đảm bảo vẻ đẹp của các tác phẩm văn chương, vừa giảng dạy được các kiểu văn bản vẫn là sắp xếp các văn bản theo hệ thống thể loại. Ví dụ: ứng với kiểu văn bản tự sự ở lớp 6 sẽ là các loại truyện dân gian và truyện trung đại, ứng với kiểu văn bản biểu cảm ở lớp 7, lớp 8 sẽ là một số truyện ngắn trữ tình và thư từ nghệ thuật. Nhờ định hướng và sự sắp xếp này, mỗi văn bản được chọn dạy trong CT đã mang một vị trí và tính chất mới. “Văn bản không phải chỉ phục vụ cho việc giảng văn mà cho cả môn Ngữ văn nói chung. […]. Việc dạy Tiếng Việt gắn với văn bản vừa làm cho HS hiểu văn bản một cách sâu sắc, khoa học hơn, vừa làm cho bản thân việc dạy Tiếng Việt đỡ khô khan, nặng nề, giảm được tính hàm lâm, kinh viện, tránh được nguy cơ sa vào dạy lí thuyết ngôn ngữ.” [82, 9].

Hướng giải quyết như trên rất thống nhất với quan điểm tích hợp trong tổ chức nội dung CT, biên soạn SGK và lựa chọn các PPDH Ngữ văn ở THCS. Tích hợp là sự phối hợp các tri thức gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn, để chúng hỗ trợ và tác động vào nhau, phối hợp với nhau nhằm tạo nên kết quả tổng hợp nhanh chóng và vững chắc. Trong CT Ngữ văn hiện nay, các bộ phận Văn học, Tiếng Việt, Làm văn vẫn bảo lưu những nội dung tương đối độc lập của chúng, nhưng ba bộ phận này hợp làm một, bởi Ngữ văn là môn dạy học đọc, nghe, nói, viết trên cơ sở cho HS nắm chắc tri thức về tiếng Việt, văn bản - lịch sử văn học và làm văn. Ba bộ phận Văn học, Tiếng Việt, Làm văn tuy khác nhau về nội dung và kĩ năng, nhưng vốn có nhiều điểm chung cơ bản: các bộ phận Tiếng Việt, Văn học và Làm văn bằng tiếng Việt, có đối tượng nghiên cứu chung là văn bản tiếng Việt và có mục tiêu chung là rèn luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Các kĩ năng này tự chúng có mối liên hệ khăng khít với nhau, đã được kinh nghiệm và khoa học xác nhận. Nghe tốt có tác dụng thúc đẩy nói tốt, đọc tốt làm tiền đề cho viết tốt. Kết quả

nghe, đọc chuyển vào trí nhớ sẽ tác động tích cực tới năng lực nói, viết. Bỏ qua việc tích hợp là bỏ phí một khả năng cơ bản để nâng cao hiệu quả đào tạo. Năng lực tiếng Việt phải biểu hiện thành năng lực đọc hiểu. Chỉ những ai thực sự hiểu rõ tiếng Việt và nội hàm văn hoá của nó, có ngữ cảm tốt thì mới có khả năng tiếp cận và thực sự hiểu rõ các văn bản văn học bằng tiếng Việt. Và phải đến khi hiểu được ngôn ngữ ở cấp độ văn bản thì HS mới càng thêm thiết tha yêu tiếng Việt và văn học Việt Nam. Tách việc học văn với việc học tiếng Việt là tạo cho HS thói quen bình tán văn học mà không dựa vào sự hiểu biết đích thực về văn bản tiếng Việt; và mặt khác, không có năng lực đọc hiểu văn bản tiếng Việt, HS không thể tự mình hiểu và thưởng thức các văn bản được sáng tạo bằng tiếng Việt khác. Đọc kĩ văn bản văn học, HS sẽ học tiếng Việt ở các mẫu mực biểu đạt của các bậc thầy văn hoá. Đồng thời, dạy học tốt việc đọc văn trong NT sẽ giáo dục cho HS ý thức tôn trọng tính khách quan của văn bản, và rèn luyện tính trung thực, không tuỳ tiện thay đổi văn bản của người khác vì động cơ cá nhân của mình.

Vận dụng quan điểm tích hợp đòi hỏi phải quan niệm lại các bộ phận của môn Ngữ văn và tổ chức chúng thành môn học thống nhất, đổi mới PP biên soạn SGK và đổi mới PPDH. Các bộ phận Văn học, tiếng Việt, Làm văn đều có nội dung kiến thức riêng, nhưng tất cả được tích hợp trong việc tổ chức hoạt động dạy học nghe, nói, đọc, viết mà chủ yếu là đọc hiểu và làm văn. Nói cách khác, hai trục tích hợp chính của CT sẽ là đọc và viết. Các văn bản được sắp xếp theo hai trục: đọc văn và làm văn; phần tiếng Việt vừa phục vụ cho việc đọc văn, vừa phục vụ cho việc làm văn (bao gồm cả làm văn nói), nó có chức năng không chỉ cung cấp tri thức về tiếng Việt, văn bản, phong cách học, thi luật, mà còn có nhiệm vụ làm giàu vốn từ và rèn luyện kĩ năng tiếp nhận và tạo lập văn bản cho HS. Như vậy, trong nhiều mục đích hướng tới của môn học Ngữ văn ở trường PT hiện nay có mục đích trả lời được câu hỏi: “Làm thế nào để các tri thức ngôn ngữ học được vận dụng hiệu quả trong hoạt động đọc hiểu văn bản và làm văn, đồng thời, trong mỗi hoạt động đọc hiểu văn bản và làm văn, những kiến thức ngôn ngữ học được chứng minh và củng cố một cách xác đáng và thuyết phục?”.

Căn cứ vào mục tiêu tổng quát của CT môn học, các nhà biên soạn sách đã cụ thể hoá thành mục đích, yêu cầu và điều kiện đọc hiểu văn bản ở THCS như sau:

Về mục đích, đọc văn bản là để chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của văn bản, qua đó thực hiện giao lưu văn hoá, phát triển các năng lực của bản thân và sống có ý thức tự giác. Đối với HS THCS, đọc hiểu văn bản còn nhằm một mục đích rất cụ thể là trang bị tri thức toàn diện để làm văn; đó là để có thể viết được những văn bản thuộc những kiểu bài nhất định phù hợp với một phong cách cụ thể. Đây cũng là một trong những mục đích chung của việc dạy học môn Tiếng Việt.

Về yêu cầu, yêu cầu lí tưởng của việc đọc văn bản trước hết là hiểu rõ ngôn từ, hình tượng, tư tưởng, quan điểm của văn bản, sau đó đạt tới mức nhớ được, nói được những ý kiến riêng của mình đối với văn bản, cuối cùng là vận dụng được những hiểu biết về văn bản đã đọc vào suy nghĩ, viết văn và hành động.

Về điều kiện đọc văn bản, muốn đọc hiểu tốt một văn bản văn học, người đọc phải có tri thức về bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh sáng tác, truyền thống văn hoá, thể loại văn học của văn bản, có tri thức về ngôn ngữ học, có kĩ năng đọc, phân tích, khái quát và diễn đạt những suy nghĩ của mình. Mặt khác, người đọc phải biết tưởng tượng, rung cảm, đồng cảm với văn bản văn học. Muốn tạo thành kĩ năng đọc hiểu văn bản thành thạo thì phải đọc nhiều, học tra cứu tài liệu, biết hỏi han, suy nghĩ và trao đổi ý kiến với những người khác.

Như vậy, từ mục tiêu của môn học, CT Ngữ văn THCS đã xác định rất rõ vị trí quan trọng của việc dạy học đọc hiểu văn bản trong NT. Việc đọc hiểu văn bản không chỉ liên quan đến việc lĩnh hội văn bản mà còn là tiền đề quan trọng của việc tạo lập văn bản. Chính vì vậy, vấn đề đọc hiểu văn bản ngày càng được quan tâm trong việc dạy học Ngữ văn.

1.3.2. Nội dung và cách thức tiến hành hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian ở lớp 6 THCS

Một phần của tài liệu vận dụng một số thành tựu của ngôn ngữ học văn bản vào dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở thcs (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w