Như trên đã nói, mỗi truyện kể dân gian tồn tại dưới một hình thức thể loại cụ thể, mang đặc trưng thi pháp riêng của từng thể loại, nhưng khi tồn tại dưới dạng một bản kể nhất định, tất cả các truyện kể đều thể hiện rõ nét những đặc trưng của phương thức biểu đạt trong văn bản tự sự.
“Tự sự là phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người, làm cho một văn bản trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó. Tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là một hệ thống nhân vật được khắc họa đầy đủ nhiều mặt hơn hẳn nhân vật trữ tình và kịch. Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện được triển khai, nhân vật được khắc họa nhờ một hệ thống chi tiết nghệ thuật phong phú, đa dạng, bao gồm chi tiết sự kiện xung đột, chi tiết nội tâm, ngoại hình của nhân vật, chi tiết tính cách, chi tiết nội thất, ngoại cảnh, phong cảnh, đời sống, văn hóa, lịch sử, lại còn có cả những chi tiết liên tưởng, tưởng tượng hoang đường mà không nghệ thuật nào tái hiện được” [32, 328 - 329].
Không mấy khó khăn, chúng ta có thể nhận thấy ngay trong tên gọi “truyện kể dân gian” đã chỉ rõ ra yếu tố “truyện”, “truyện kể”. Hơn thế, các truyện kể dân gian đều có cốt truyện rõ ràng, thể hiện rõ cấu trúc truyền thống của văn bản tự sự: “trình bày - khai đoan - phát triển - đỉnh điểm - kết thúc” [32, 101], trong đó các chi tiết, sự việc được sắp xếp, tổ chức theo một dụng ý nghệ thuật cụ thể. Do có hoàn cảnh sáng tác đặc thù, phương thức lưu truyền đặc thù nên các truyện kể dân gian có ngôi kể, giọng kể, lời kể chuyện riêng, phù hợp với hoàn cảnh sáng tạo và phương thức lưu truyền ấy. Có thể coi các truyện kể dân gian là những văn bản tự sự điển hình.
16 bản kể truyện kể dân gian được chọn vào CT SGK THCS đều là những văn bản văn học thuộc loại hình văn bản tự sự khá điển hình. Các chi tiết, sự việc
trong các truyện kể này được sắp xếp rất rõ ràng, phù hợp với tư duy của HS THCS. Thứ tự kể, ngôi kể được chú ý phân biệt và tổ chức hợp lí. Chính vì vậy, những văn bản truyện kể dân gian này còn được coi là những ngữ liệu tốt cho việc dạy học làm văn trong CT.
Sự thể hiện rõ những đặc trưng văn bản tự sự của các truyện kể dân gian tạo ra một tiền đề có ý nghĩa cho việc đề xuất một cách dạy học đọc hiểu văn bản truyện kể dân gian mới: sử dụng các tri thức về văn bản nói chung và đặc trưng của văn bản tự sự nói riêng làm cơ sở, kết hợp so sánh các dị bản của văn bản truyện kể dân gian, gắn văn bản ấy với đặc tính lịch sử, địa phương; giúp HS nhận thức rõ các đặc điểm của văn bản tự sự dân gian; từ đó mà đọc hiểu các truyện kể dân gian một cách có hệ thống, có kĩ năng và đảm bảo tính khoa học.
Như vậy, dưới góc nhìn NNHVB, một mặt, các bản kể truyện dân gian đã thể hiện rất đầy đủ các đặc trưng của văn bản nói chung; mặt khác, chúng cũng thể hiện những nét khác biệt nhất định của một loại văn bản đặc thù: truyện kể dân gian. Những đặc điểm tương đồng và khác biệt của văn bản truyện kể dân gian so với các văn bản khác có thể được xem như là căn cứ để đề xuất một cách đọc hiểu truyện kể dân gian phù hợp.