trình tiếp nhận văn bản truyện kể dân gian
Văn bản là một thể hoàn chỉnh về hình thức, trọn vẹn về nội dung, thống nhất về cấu trúc và độc lập về giao tiếp nhằm thực hiện một hoặc một số đích nhất định, nhằm vào những người tiếp nhận nhất định. Việc tạo lập văn bản và tiếp nhận văn bản là hai quá trình của hoạt động tương tác - hoạt động giao tiếp. Chính vì vậy, trong tiếp nhận văn bản, người đọc cần phải quan tâm đến các điều kiện hình thành nên văn bản cũng như những dấu hiệu thể hiện đặc trưng của văn bản cũng như người viết văn bản đã quan tâm đến những điều này khi tạo lập văn bản.
Như đã trình bày ở trên, mỗi truyện kể dân gian có thể coi như đủ tư cách một văn bản khi được ai đó đọc lên hay trong dạy học đọc hiểu. Có thể coi những yêu cầu dưới đây là một số nguyên tắc tiếp nhận văn bản xét trên bình diện lí thuyết NNHVB.
2.2.2.1. Coi các biểu hiện liên kết văn bản là một phương diện tiếp nhận văn bản
Trong mỗi bản kể truyện dân gian đều tồn tại các mối quan hệ hướng nội và hướng ngoại trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Trên phương diện nội dung, mỗi truyện kể dân gian thường có một chủ đề, thể hiện qua mối quan hệ giữa hai tuyến nhân vật trong truyện. Cũng có những truyện có nhiều hơn một chủ đề do hệ thống nhân vật phức tạp hơn, ví như truyện kể Thạch Sanh. Ở truyện cổ tích thần kì này, quan hệ Thạch Sanh - Lí Thông thuộc về chủ đề chính, nhưng bên cạnh đó còn có các mối quan hệ Thạch Sanh - công chúa, Thạch Sanh - các yêu quái, quái vật, Thạch Sanh - quân mười tám nước chư hầu... đều chứa đựng những chủ đề liên quan đến chủ đề chính. Nhận diện được chủ đề văn bản, việc giải mã hình tượng nghệ thuật sẽ trở nên đơn giản hơn.
Nhờ tính khả phân của văn bản, người đọc có thể khai thác từng phần văn bản truyện kể, xác định xem các phần ấy nói đến nội dung gì, tương ứng với sự việc, chi tiết nào, sau đó xem xét các phần ấy, các sự việc ấy có liên quan tới nhau như thế nào, chúng thống nhất với nhau ra sao trong toàn bộ truyện kể? Người nghe, người đọc cũng có thể căn cứ vào các vị trí mạnh của truyện kể dân gian để làm những công việc này một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Trên phương diện hình thức, sự nối kết giữa các chi tiết, sự việc, mô típ truyện kể được thực hiện bởi các yếu tố hình thức cụ thể của ngôn ngữ (các phương tiện liên kết). Phương tiện dẫn nhập văn bản của các truyện kể dân gian đa số là các cụm từ chỉ yếu tố thời gian: “ngày xưa”, “vào thời/ đời Hùng Vương...” hoặc là câu tồn tại vị từ: “Ngày xưa có...”, “Có...”. Yếu tố liên kết này ngoài ý nghĩa liên kết các chi tiết, sự việc trong nội bộ một văn bản, còn có ý nghĩa liên kết xuyên văn bản (với các văn bản khác cùng thể loại, cùng hệ thống, cùng chuỗi). Các từ và cụm từ (danh từ, đại từ, từ nối, từ chuyển tiếp…), các câu (câu chuyển ý), đoạn (đoạn nối) được sử dụng khá phổ biến, đơn giản mà chặt chẽ. Các truyện kể Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Em bé thông minh là những ví dụ tiêu biểu.
Trong việc tiếp nhận văn bản, việc người đọc nhận diện và lí giải được ý nghĩa của mỗi phương thức liên kết trong văn bản sẽ giúp cho việc hiểu văn bản được lô gíc và đúng đắn hơn. Muốn lí giải cho tường tận các vấn đề bên trong của mỗi truyện kể dân gian, người nghe, người đọc không những phải đặt các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản bên cạnh nhau, gắn kết với nhau trong một chỉnh thể nhất định mà còn phải gắn kết được văn bản truyện kể đang xét với các bản kể khác trong cùng hệ thống.
Mặt khác, một văn bản cụ thể bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường văn hóa rộng lớn hơn. Mối liên kết giữa truyện kể dân gian với các yếu tố ngoài văn bản này cần phải được khai thác qua thông tin giới thiệu về đặc điểm thể loại của truyện, yếu tố lịch sử, địa phương có liên quan đến truyện kể… Việc đặt đầu đề, các dị bản, số phận của bản kể… cũng nên được lưu ý trong đọc hiểu truyện, nếu chúng thực sự “có vấn đề”. Các quan hệ hướng ngoại của truyện kể dân gian có khả năng cung cấp đa dạng các loại tri thức và văn hoá dân gian cho người tiếp nhận văn bản. SGK THCS đã cung cấp hoặc bổ sung những thông tin này trong phần Chú thích sau văn bản đọc hiểu. Đến THPT, SGK tách riêng thành phần Tiểu dẫn, đặt trước văn bản đọc hiểu, cung cấp khá đầy đủ những tri thức cơ sở, tiền đề giúp học sinh đọc hiểu văn bản được hiệu quả.
2.2.2.2. Tiếp nhận văn bản trên nguyên tắc tôn trọng tính chỉnh thể văn bản
Muốn nhận diện và lí giải được ý nghĩa của các biểu hiện liên kết trong văn bản, người đọc văn bản phải đặt các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản bên cạnh nhau, gắn kết với nhau trong một chỉnh thể nhất định và đặt văn bản trong sự đối chiếu với môi trường giao tiếp. Yêu cầu này là đương nhiên bởi tính chỉnh thể là một đặc trưng cốt yếu của văn bản.
Nguyên tắc này trước hết thể hiện ở chỗ ngay khi vừa tiếp xúc một truyện kể dân gian, người đọc phải ý thức được việc cần xem xét văn bản đã hoàn chỉnh về mặt hình thức hay chưa. Việc xem xét văn bản có hoàn chỉnh hay không liên quan trước hết đến việc xác định giới hạn của văn bản (còn được gọi là “yếu tố định biên”[9, 54]). Xác định chính xác được giới hạn chỉnh thể văn bản mới xác định chính xác được chủ đề của văn bản. Nghe kể một truyền thuyết riêng lẻ như Bánh chưng bánh giầy hay Sơn Tinh Thủy Tinh sẽ đem lại cho người nghe, người đọc một cái nhìn khác, một tầm hiểu biết khác so với việc tiếp cận cả một chuỗi truyền thuyết về thời đại các vua Hùng. Việc lược bỏ đi một số chi tiết trong một sự việc nào đó của truyện (ví như bỏ đi chi tiết Tấm giết Cám, làm mắm và gửi cho mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám) cũng có thể làm ảnh hưởng đến tính chất của chủ đề truyện. Phạm vi của chủ đề văn bản cũng theo đó mà được mở rộng, nâng cao hơn.
Mặt khác, theo I.R.Galperin, “văn bản là một thông báo hoàn chỉnh nào đó, có nội dung riêng, được tổ chức theo mô hình trừu tượng của một trong những hình thức thông báo (thuộc phong cách chức năng, những biến thể và thể loại của nó) hiện hữu trong ngôn ngữ văn học và được xác định bởi những đặc trưng khu biệt của nó”[29, 41] cho nên trong tiếp nhận văn bản, người đọc cũng cần tìm hiểu về thể loại của văn bản, về khuôn hình mà văn bản đang mang và hiểu văn bản theo định hướng phong cách chức năng của văn bản.
Bởi tính chỉnh thể thể hiện trên cả phương diện nội dung, hình thức và chức năng nên khi tiếp nhận văn bản, người đọc cần thiết phải quan tâm đúng mức tới tất cả các phương diện này; tránh việc đề cao phương diện này hơn phương diện khác, tránh xem xét phiến diện và cảm nhận tuỳ tiện, lấy ấn tượng về thành phần này áp đặt
cho thành phần khác. Trong quá trình tiếp nhận văn bản, chú trọng đến tính chỉnh thể của văn bản là một yêu cầu quan trọng. Nó quyết định một phần tính chính xác và độ đầy đủ của kết quả tiếp nhận văn bản. Chú trọng tính chỉnh thể văn bản trong tiếp nhận văn bản sẽ giúp người đọc nhận ra đích của văn bản thuận lợi hơn.
2.2.2.3. Chú ý đến tính hướng đích của văn bản trong tiếp nhận văn bản
Đích của văn bản là mục tiêu mà toàn văn bản hướng đến. Bởi vậy, khi tiếp nhận văn bản, điều quyết định việc đọc - hiểu có "trúng" và đúng hay không là việc người tiếp nhận xác định đích của văn bản như thế nào. Để xác định đích của văn bản, người đọc cần phải trả lời được câu hỏi: Văn bản này viết ra nhằm mục đích gì? Đối với người tiếp nhận có trình độ văn hoá cao, có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận văn bản, điều này không có gì là khó khăn, nhưng đối với đại đa số người tiếp nhận, vẫn cần phải để tâm hơn đến việc làm này. Nếu xác định đúng được đích của văn bản thì những thao tác còn lại của quá trình tiếp nhận văn bản sẽ rất thuận lợi; bởi đích của văn bản sẽ quyết định văn bản sẽ được viết theo phong cách chức năng nào, nội dung của văn bản sẽ được tổ chức ra sao và có thể sẽ mang những đặc điểm hình thức nào. Ví như nếu xác định được đích của các truyện cười là "gây cười để mua vui hoặc phê phán, châm biếm những sự việc, hiện tượng, tính cách đáng cười” thì người nghe kể chuyện sau khi bật cười sẽ không phải băn khoăn nhiều về diễn biến của cốt truyện mà chỉ quan tâm đến tình huống kết thúc truyện và dễ dàng lí giải được vì sao hình thức của truyện cười lại ngắn gọn, cô đọng đến vậy! Người tiếp nhận cũng có thể thông qua việc lựa chọn chất liệu nội dung, việc tổ chức chất liệu nội dung và phong cách chức năng của văn bản mà xác định đích của văn bản. Khi đọc văn bản, ấn tượng đầu tiên về đích của văn bản thường dễ chính xác nhất, bởi so với các khâu khác, việc xác định đích của văn bản đòi hỏi ở người tiếp nhận văn bản ngoài kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, còn phải có sự tinh tế trong cảm nhận. Kĩ năng tiếp nhận văn bản chỉ có thể được khẳng định khi kĩ năng nhận đích văn bản của người tiếp nhận đạt đến mức hoàn thiện.