hoạt động giao tiếp đặc thù về nội dung giao tiếp, nhân vật giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp
Dưới góc nhìn NNHVB, văn bản trước hết phải vừa là phương tiện, vừa là sản phẩm của hoạt động giao tiếp. Cũng như các thể loại văn học dân gian khác, các truyện kể dân gian được nhân dân lao động xưa sáng tạo ra để nói với nhau và nói với các thế hệ sau về các vấn đề xã hội và con người. Các truyện kể dân gian ghi lại những sự việc của đời sống xã hội cổ xưa theo lối tư duy xưa, theo quan niệm xưa, bằng thứ ngôn ngữ bình dân của người xưa - trong đó rất nhiều điều đã không còn tồn tại trong đời sống, nhận thức của những người đọc đời nay, đời sau, ví dụ: sự lí giải các hiện tượng thiên nhiên bằng tính cách, hành động của thần thánh trong các thần thoại, truyền thuyết; các mô típ thần kì về sự giúp đỡ, thưởng phạt… trong cổ tích thần kì…
Mặt khác, các truyện kể dân gian ra đời và tồn tại dưới dạng truyện kể truyền miệng. Mỗi bản kể thực ra chỉ là “hình thức hiện ra” tại một bối cảnh thời gian, không gian kể chuyện nào đó mà thôi. Và mỗi lần truyện kể được diễn xướng, các nhân vật giao tiếp lại có cơ hội tiếp tục sáng tạo truyện. Các văn bản truyện kể hiện
nay chúng ta có được là văn bản sưu tầm, ghi chép lại truyện kể, đã được những người sưu tầm, biên soạn xử lí ở một mức độ nào đó. Người đọc văn bản truyện kể dân gian khó mà biết được chính xác thời gian ra đời, không gian khởi xướng nội dung... của các truyện kể. Do tính chất mơ hồ về xuất xứ của truyện kể dân gian, trong quá trình nghe truyện, dạy học truyện, người nghe, người học không cần thiết và không thể làm rõ hoàn cảnh ra đời của văn bản và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về mặt ngôn từ của văn bản.
Về nhân vật giao tiếp, giữa người kể, người nghe ban đầu, cũng như người kể lại, người nghe những thế hệ tiếp sau luôn tồn tại một khoảng cách thời gian đáng kể, nền tảng văn hóa của mỗi cá nhân trong mỗi thế hệ người kể - người nghe cũng rất khác nhau. Trong cuộc giao tiếp giữa các thế hệ bằng các truyện kể dân gian, người kể (những người khởi xướng ban đầu), đồng thời cũng sẽ là người nghe; bên cạnh đó, người nghe còn là vô số những người khác không thể định hình chính xác được (vì họ là những thế hệ mai sau). Những người kể chuyện ngày càng nhiều và theo đó số lượng những người nghe cũng nhiều gấp bội. Tuy nhiên, nhờ cùng “uống nước một dòng”, cùng mang trong mình một “chất văn hóa” nên người nghe, người đọc truyện kể dân gian mọi thời đại vẫn dễ dàng có được sự đồng cảm với nhau và đồng sáng tạo với người kể chuyện. Giữa người kể và người nghe có một sợi dây liên hệ khá vững chắc và có sự thống nhất cao trong việc đồng sáng tạo và đồng tiếp nhận tác phẩm: ví dụ như cùng tin vào những chi tiết kì ảo, cùng sáng tạo nên những tình tiết vừa gắn với lịch sử, vừa nóng hổi hiện thực…
Phương tiện để truyền đạt những thông tin về tự nhiên, xã hội, con người trong truyện kể dân gian là lớp ngôn từ bình dân, là những lời kể dung dị, dễ hiểu, là những mô típ sự việc sinh động... Trong phương thức truyền miệng, các nhân vật, các tình tiết, các lời kể … của truyện kể dân gian trở nên không cố định làm cho mỗi truyện kể dân gian luôn tồn tại nhiều dị bản. Nhưng cũng nhờ một số đặc tính của ngôn ngữ (khả năng gợi hình, gợi cảm đặc biệt của từ ngữ, tính hàm súc, đa nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật…) mà các truyện kể truyền miệng này trở nên ổn định dần về nội dung và bền vững về mặt giá trị.
Như vậy, các truyện kể dân gian thực sự là sản phẩm của những hoạt động giao tiếp cụ thể, cũng chịu sự chi phối của các nhân tố giao tiếp như: nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp, nội dung giao tiếp, phương tiện giao tiếp. Song các nhân tố giao tiếp của hoạt động giao tiếp bằng truyện kể dân gian hoặc là không rõ ràng (hoàn cảnh), hoặc là luôn thay đổi, biến động (nhân vật, mục đích). Ngôn từ trong truyện kể bình dị, dễ hiểu, nhưng bản chất của nó là ngôn ngữ kể, ngôn ngữ diễn xướng - một kiểu hoạt động lời nói đặc biệt. Tóm lại, để hiểu được những sản phẩm giao tiếp là truyện kể dân gian, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp văn bản truyện kể dân gian theo cách thức tiếp cận văn bản thông thường nhưng luôn phải tính đến những khác biệt của các nhân tố giao tiếp của truyện kể dân gian.