Các truyện kể dân gian thể hiện tính liên kết đặc thù của văn hóa dân gian

Một phần của tài liệu vận dụng một số thành tựu của ngôn ngữ học văn bản vào dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở thcs (Trang 68 - 70)

dân gian

Lâu nay, người ta thường quan niệm: công việc của các nhà ngôn ngữ học khi tiếp cận văn bản chỉ là phân tích, mổ xẻ văn bản. Nhưng đó chỉ là công việc của những người nghiên cứu theo trường phái cấu trúc. Hiện nay, dưới ánh sáng của NNHVB, việc chỉ ra các mạch liên kết, chỉ ra sự thống nhất giữa những yếu tố của văn bản nhằm làm rõ hiệu quả giao tiếp, cũng như hiệu quả thẩm mĩ của văn bản mới là hướng đi phổ biến của các quá trình tiếp cận văn bản. Để khẳng định sự tồn tại dưới dạng văn bản của mình, các truyện kể dân gian cũng đã thể hiện rất rõ tính liên kết trong cả mối quan hệ hướng nội và quan hệ hướng ngoại theo cách chung và theo cả cách riêng của mình.

Trên phương diện nội dung, truyện kể dân gian nào cũng chứa đựng đề tài - chủ đề rất cụ thể và có tính hệ thống. Trong trường hợp này, chủ đề của các truyện kể dân gian vẫn được nhìn nhận là nội dung của truyện kể được cô đúc, khái quát lại. Chủ đề của các truyện kể dân gian ít khi thể hiện ra ở một câu hoặc dễ nhận thấy ngay, nên việc xác định chủ đề của các truyện kể dân gian thường được thực hiện qua hệ thống liên kết chủ đề, thông qua các vị trí mạnh trong văn bản như: đầu đề, phần mở, phần kết... Các vị trí mạnh trong văn bản tỏ ra có ưu thế vượt trội trong việc bộc lộ các liên kết nội tại về mặt nội dung của văn bản truyện kể.

Trên phương diện hình thức, việc sử dụng các phương tiện liên kết trong các truyện kể dân gian thường đơn giản mà hiệu quả. Đơn cử như sự thống nhất và lặp lại các cấu trúc lời kể như: “từ chỉ thời gian + có” (Ngày xửa ngày xưa có…), “từ chỉ địa điểm + có” (Ở một vùng nọ có…) hoặc “ Φ + có” (Có hai anh em nhà kia…)

trong tất cả các thể loại truyện kể dân gian tạo ra ý nghĩa phiếm chỉ về bối cảnh ra đời của truyện kể hay sự tổ chức các sự việc bất thường một cách rất lô gíc trong truyện kể Thánh Gióng, Em bé thông minh; sự sắp xếp có chủ ý các chi tiết kì ảo trong các truyện Sọ Dừa, Thạch Sanh, Cây bút thần cũng đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức.

Bên cạnh liên kết hướng nội, mỗi truyện kể dân gian cũng thể hiện sự liên kết hướng ngoại rất phong phú; đồng thời, do là các “văn bản folklore” nên các biểu hiện liên kết cũng có những nét đặc thù. Tất cả những nét đặc thù trên các phương diện liên kết của truyện kể dân gian đều xuất phát từ nguồn gốc, nền tảng tri thức văn hóa dân gian. Có thể khẳng định rằng mấu chốt của các liên kết hướng nội, hướng ngoại của mỗi truyện kể và cũng là mấu chốt của việc hiểu các mối liên kết ấy chính là văn hóa dân gian.

Liên kết về nội dung trong truyện kể dân gian biểu hiện trước hết qua liên kết giữa các sự việc (hay tình tiết). Sự liên kết giữa các sự việc trong văn bản truyện kể, một mặt được tác giả dân gian tính toán chặt chẽ ngay từ lần sáng tạo đầu tiên, một mặt được độc giả nhân dân thẩm định và điều chỉnh trong quá trình lưu truyền. Do đó, sự có lí hay không có lí của một sự việc hoặc một chuỗi sự việc trong truyện kể phụ thuộc vào cảm thức của người kể chuyện về hiện thực cuộc sống đương thời hoặc phụ thuộc vào ý đồ của người kể chuyện. Trong truyện cổ tích Sọ Dừa, chàng Sọ Dừa trước khi đi sứ đưa cho vợ hòn đá lửa, con dao và quả trứng gà. Những vật đó là cứu tinh của vợ chàng sau này, giúp hai vợ chồng Sọ Dừa gặp lại nhau. Theo lô gíc nhận thức thông thường, như vậy có nghĩa là Sọ Dừa đã biết trước tai họa mà vợ chàng sẽ gặp và chàng hoàn toàn có thể giúp vợ tránh được nguy hiểm. Nhưng tác giả dân gian đã mặc nhiên kết chuỗi sự việc: cô út - vợ chàng Sọ Dừa gặp nạn, thoát nạn và gặp lại chồng. Chuỗi sự việc này cũng được tất cả người nghe mặc nhiên chấp nhận. Bởi vì đích của chuỗi sự việc này là vạch mặt kẻ ác, trừng trị kẻ ác; có thế, từ đó về sau, vợ chồng Sọ Dừa mới có thể sống yên ổn, hạnh phúc được. Sự liên kết chặt chẽ nằm trong ý đồ kể chuyện của người sáng tác và kể chuyện dân gian.

Người sáng tác và kể chuyện truyện dân gian là một tác giả đặc biệt. Đó không phải là một tác giả xác định mà là một tập thể vô danh, trong đó có cả vai trò đồng tác giả là chính người đọc, người nghe. Không ai phải chịu trách nhiệm về việc kể ra những chi tiết, sự việc nào đó trong truyện kể, về chất lượng chung của truyện kể, nhưng ai cũng muốn thể hiện sự hấp dẫn, lôi cuốn của truyện. Muốn vậy, ngoài sự sáng tạo các sự việc, chi tiết một cách hợp lí, người kể còn phải quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu, khả năng tiếp nhận của người nghe. Truyện kể dân gian, do

đó, chỉ tồn tại và thể hiện sự liên kết chặt chẽ, hợp lí nhất trong lời kể, giọng kể của người kể chuyện và trong sự đồng cảm, đồng sáng tạo của người nghe.

Sự chi phối của hoàn cảnh ra đời, hoàn cảnh diễn xướng đối với nội dung và hình thức của các truyện kể là biểu hiện quan hệ hướng ngoại của truyện kể dân gian. Hoàn cảnh diễn xướng nguyên thủy của các truyện kể dân gian mang tính đặc thù: thời gian không xác định, không gian đa dạng. Những truyện kể dân gian có thể được các bà, các mẹ lưu truyền trong gia đình qua giọng kể hàng đêm; cũng có thể được lưu truyền qua giọng kể sang sảng hoặc trầm ấm của những nghệ nhân trong những lễ hội lịch sử - văn hóa dân gian; qua những người cao tuổi ở mỗi địa phương; thậm chí có thể là những người hát rong… Ngày nay, trong xã hội hiện đại, cách kể, bản kể truyện kể dân gian đã có nhiều điểm khác, nhưng việc phục dựng hoàn cảnh diễn xướng truyện kể dân gian vẫn được làm thường xuyên và việc làm này nên được duy trì nhằm giữ gìn và khơi dậy những giá trị đích thực của truyện kể dân gian.

Ngoài ra, các yếu tố địa phương, môi trường văn hóa - lịch sử, tính dân tộc, tính dị bản cũng là những biểu hiện liên kết hướng ngoại của truyện kể dân gian. Trong một số truyện kể, các địa danh xác định, các lễ hội truyền thống, các đền thờ, di tích lịch sử, các dị bản của những tộc người khác trên đất Việt và các dị bản truyện kể dân gian của nước ngoài… giúp cho việc hiểu các truyện kể dân gian của dân tộc mình trở nên lô gíc, có hệ thống và thấu đáo hơn.

Một phần của tài liệu vận dụng một số thành tựu của ngôn ngữ học văn bản vào dạy học đọc hiểu truyện kể dân gian ở thcs (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(200 trang)
w