Gian lận thương mại qua trị giá hải quan ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở việt nam (Trang 84 - 88)

HẢI QUAN Ở VIỆT NAMHẢI QUAN Ở VIỆT NAM

3.1.2Gian lận thương mại qua trị giá hải quan ở Việt Nam.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại, hoạt động gian lận thương mại cũng diễn biến hết sức phức tạp gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Một trong những hành vi gian lận thương mại đang được quan tâm nhất hiện nay là gian lận qua trị giá hải quan. Gian lận thương mại qua trị giá hải quan ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.

Trước đây, khi chưa thực hiện Hiệp định trị giá Hải quan GATT/WTO, Việt Nam sử dụng bảng giá tối thiểu, bảng giá kiểm tra để làm công cụ chủ yếu chống gian lận thương mại, khai qua trị giá hải quan thấp hơn trị giá thực

tế. Theo đó, thông tư 08/2002/ TT- BTC ngày 23/01/2002 của Bộ Tài Chính thì những mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, khi làm thủ tục nhập khẩu có giá nhập khẩu thấp hơn giá tại bảng giá tối thiểu thì phải xác định lại trị giá hải quan theo bảng giá tối thiểu. Những mặt hàng không có trong danh mục quản lý thì xác định trị giá hải quan theo giá ghi trên hợp đồng và không thấp hơn 80% giá tại bảng giá kiểm tra (nếu có). Như vậy, với quy định trên, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có giá cao hơn giá tối thiểu hay giá kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ tìm cách khai báo thấp hơn hoặc bằng giá tối thiểu/ giá kiểm tra để giảm bớt số thuế phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Còn nếu doanh nghiệp thực sự nhập khẩu hàng hóa với giá thấp hơn giá tối thiểu thì doanh nghiệp vẫn phải nộp thêm theo mức giá quy định. Như vậy, việc đánh thuế chưa bám sát được tình hình biến động giá xuất, nhập khẩu trên thị trường.

Rõ ràng, cơ chế quản lý theo giá tối thiểu đã bộc lộ những sơ hở và bất hợp lý, vô hình chung trở thành tấm lá chắn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không trung thực, gian lận qua trị giá hải quan nhằm có lợi cho doanh nghiệp và gây thiệt hại cho Nhà Nước, và ngược lại cơ chế này cũng trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp trung thực.

Từ việc thực hiện hệ thống xác định trị giá hải quan của Việt Nam trước kia dựa chủ yếu vào hệ thống bảng giá tối thiểu để làm công cụ chủ yếu chống gian lận thương mại về trị giá thì sau khi áp dụng đầy đủ Hiệp định trị giá GATT/WTO, khi trách nhiệm về xác định trị giá hải quan phụ thuộc rất lớn vào người khai hải quan thì nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong chống gian lận thương mại qua trị giá hải quan lại càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Với phương pháp xác định trị giá hải quan theo Hiệp định, người nhập khẩu được phép tự xác định trị giá tính thuế cho hàng hóa của mình, tự xác định số thuế phải nộp (gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…), sau đó khai báo với cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa. Đối với cơ quan Hải quan, khi làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hóa, cán bộ hải quan chỉ kiểm tra trị giá khai báo có thống nhất với các chứng từ kèm theo không, và kiểm tra tính hợp pháp của các chứng từ theo quy định, Sau đó, nếu không có vướng mắc, trị giá khai báo sẽ được chấp nhận. Còn

nếu cán bộ hải quan nghi ngờ, thì sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình thêm các bằng chứng, chứng minh cho trị giá đã khai báo.

Như vậy, khi áp dụng xác định trị giá hải quan theo Hiệp định xác định trị giá GATT/WTO, người nhập khẩu có quyền tự chủ rất cao đối với trị giá hải quan. Nhưng đây cũng là điểm mà các doanh nghiệp không trung thực có thể vận dụng nhằm khai báo trị giá không chính xác. Qua công tác nghiệp vụ cho thấy xu hướng gian lận thương mại qua trị giá hải quan thời gian qua ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp. Một số hành vi gian lận về khai báo trị giá hải quan đã được phát hiện trong những năm qua như sau:

*) Khai báo trị giá hải quan thấp hơn giá trị thực của hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp này thường xảy ra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thương hiệu nổi tiếng, giá trị cao nhưng lại khai báo lô hàng đó với trị giá thấp, sau đó khi hoàn thành thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa sẽ gắn nhãn hiệu có giá trị cao để bán trên thị trường nội địa. Doanh nghiệp chủ yếu gian lận với các mặt hàng tiêu dùng cá nhân mang tính thời trang như: Túi xách, giày dép, quần áo của các thương hiệu nổi tiếng xuất xứ từ Pháp, Ý, … nhưng khai báo hàng hóa đó không có nhãn hiệu, hoặc tạm gắn thương hiệu không có giá trị lên hàng hóa nhập khẩu.

Khai báo không đầy đủ về số lượng, trọng lượng, xuất xứ hàng hóa, làm giảm thấp trị giá hải quan cũng là những trường hợp phổ biến trong thời gian qua. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam thường khai báo xuất xứ hàng hóa có phẩm cấp, chất lượng thấp, trị giá thấp, xuất xứ từ Trung quốc nhưng thực tế hàng hóa nhập khẩu đó có xuất xứ Nhật bản, có phẩm cấp cao hơn, trị giá cao hơn. Ngoài ra, lợi dụng quy định về hàng khuyến mại, giảm giá, doanh nghiệp thường khai thấp trị giá bằng cách khấu trừ các khoản giảm giá không đúng quy định, khuyến mại ra khỏi trị giá tính thuế hoặc không khai báo một số khoản phải cộng vào trị giá như phí bảo hiểm, phí bản quyền…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách quản lý hiện hành đối với hàng hóa là sản phẩm nguyên chiếc bằng cách chia nhỏ hàng hóa nhập khẩu, tách rời từng phần hoặc nhập khẩu từng phần qua nhiều đơn vị Hải quan trên toàn quốc hoặc doanh nghiệp nhập khẩu một phần, phần còn lại

nhập qua doanh nghiệp khác, gây khó khăn cho công tác quản lý giá của cơ quan Hải quan. Ví dụ như mặt hàng xe đạp điện nguyên chiếc có giá tham chiếu trong cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan, thay vì doanh nghiệp nhập khẩu nguyên chiếc thì sẽ chịu ngay thuế suất cao, doanh nghiệp đã tháo rời chiếc xe đạp điện nguyên chiếc thành hai hay nhiều phần và tổ chức nhập khẩu tại nhiều đơn vị hải quan tại các thời gian khác nhau nhằm tránh được sự kiểm tra, xử lý của hải quan tại khâu thông quan và gian lận được một số lượng lớn tiền thuế…

*) Khai báo trị giá hải quan cao hơn giá trị thực của hàng hóa nhập khẩu. Gian lận thương mại qua trị giá hải quan dưới hình thức chuyển giá cũng xảy ra khá phổ biến. Những trường hợp khai báo trị giá hải quan cao hơn trị giá thực nhập khẩu của hàng hóa ở Việt Nam trong thời gian qua tập trung nhiều vào những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu, máy móc thiết bị dưới hình thức tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài như các công ty đa quốc gia, công ty con, chi nhánh công ty…Khi đó, doanh nghiệp chấp nhận nộp thuế cao hơn trị giá thực hoặc được miễn thuế nhưng được hưởng lợi ích khác sau khi hàng hóa được nhập khẩu. Đó là cơ quan Hải quan, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, đã vô tình xác nhận trị giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn thực tế, nhờ vậy doanh nghiệp có cơ sở xác định số vốn đưa vào Việt Nam cao hơn vốn thực hoặc khai báo giá thành sản xuất cao hơn thực tế để nộp thuế thấp hơn, và từ đó, doanh nghiệp có quyền chuyển phần lớn tiền lãi thu được từ kinh doanh ở trong nước ra nước ngoài..

Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp luôn có xu hướng gian lận và tìm kiếm những kẽ hở, sử dụng nhiều thủ đoạn gian lận giá tinh vi như: khai thấp giá thực tế phải thanh toán, lợi dụng quy định về hàng khuyến mại, giảm giá để khấu trừ khoản này ra khỏi trị giá tính thuế hoặc không khai báo một số khoản phải cộng như phí bảo hiểm, phí bản quyền… để gian lận về trị giá. Công tác chống gian lận thương mại qua trị giá hải quan ở Việt Nam chủ yếu dựa vào những công tác nghiệp vụ như kiểm tra trị giá khai báo, tham vấn và xác định trị giá, nhằm kiểm soát trị giá giao dịch do người xuất khẩu, nhập khẩu khai báo, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp. Do vậy, chống gian lận qua trị giá hải quan hàng xuất nhập

khẩu đã và đang là vấn đề cấp bách của ngành Hải quan. Để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra thông suốt trong điều kiện như hiện nay thì công tác kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan trở thành một khâu quan trọng, then chốt trong việc phát hiện ra các trường hợp gian lận thương mại qua giá đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Một phần của tài liệu Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở việt nam (Trang 84 - 88)