TRỊ GIÁ HẢI QUANTRỊ GIÁ HẢI QUAN
2.2.3. Nội dung kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan.
Hiện nay trên thế giới có hai xu hướng kiểm tra trị giá hải quan. Một số nước kiểm tra vào giai đoạn kiểm tra trong thông quan và kiểm tra sau thông
quan. Một số nước khác thì tập trung vào giai đoạn kiểm tra trước khi thông quan (trước khi hàng hóa được nhập khẩu vào lãnh thổ hải quan thì cơ quan hải quan đã có dữ liệu về trị giá hải quan của hàng hóa đó) và giai đoạn kiểm tra sau thông quan. Kiểm tra trị giá hải quan là công việc cần thiết đối với cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan và có thể do người khai hải quan thực hiện tại doanh nghiệp, hoặc do cơ quan Hải quan thực hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ quản lý hải quan. Thực tế cũng chứng minh rằng, kiểm tra trị giá hải quan ở khâu sau thông quan đem lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa nhập khẩu, tránh ùn tắc tại cửa khẩu hơn so với kiểm tra trị giá trong các giai đoạn khác; đồng thời diện kiểm tra cũng rộng hơn, thời gian kiểm tra cũng không bị hạn hẹp hơn so với các giai đoạn khác.
Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan là việc rà soát quá trình và kết quả xác định trị giá hải quan nhằm bảo đảm tính chính xác, trung thực của trị giá hải quan .
Việc kiểm tra có thể đối chiếu, so sánh giữa nội dung, số liệu của các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ hải quan. Trong đó, quan trọng nhất là kiểm tra tờ khai trị giá. Kiểm tra tờ khai trị giá là việc kiểm tra các thông tin, dữ liệu do người khai hải quan cung cấp, thông qua việc đối chiếu các thông tin, dữ liệu trên tờ khai trị giá với tờ khai hải quan và các chứng từ kèm theo, chú ý kiểm tra khai báo trị giá và tổng trị giá khai báo.
Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan cũng cần đối chiếu giữa số liệu, tài liệu trong hồ sơ hải quan với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan Hải quan, đối chiếu với số liệu, tài liệu trong sổ kế toán, chứng từ kế toán của doanh nghiệp và các thông tin từ các ngành có liên quan để nhằm bảo đảm tính chính xác, trung thực của trị giá hải quan .
Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan bảo đảm cho cơ quan Hải quan áp dụng hiệu quả các chính sách quản lý, cũng như thu đúng, thu đủ thuế cho Ngân sách. Bởi vì trong chính sách bảo hộ nền kinh tế, bảo hộ bằng các mức thuế suất sẽ đạt hiệu quả nếu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định trị giá hải quan một cách chính xác. Ngược lại, trị giá hải quan khi có gian lận sẽ làm vô hiệu hóa chính sách bảo hộ bằng thuế suất của Nhà nước. Cơ quan Hải quan là người có trách nhiệm hàng đầu trong nhiệm vụ
quản lý này. Chính vì vậy trong đề tài luận án này sẽ đề cập đến việc kiểm tra trị giá sau khi đã được thông quan hàng hóa, do cơ quan Hải quan thực hiện, không bàn đến kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan do doanh nghiệp thực hiện.
Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan được thực hiện thành hai bước: Kiểm tra tại cơ quan Hải quan và kiểm tra tại cơ sở nhập khẩu, đuợc tập trung vào việc kiểm tra các nội dung chủ yếu sau:
- Tiến hành kiểm tra, đối chiếu trị giá khai báo (thông qua việc kiểm tra hồ sơ hải quan) với cơ sở dữ liệu để đánh giá mức độ tuân thủ của trị giá khai báo. Thông thường, cơ quan Hải quan sẽ xác lập một “ khung” trị giá của từng loại hàng hóa, nếu trị giá khai báo thấp hơn hoặc cao hơn “khung” thì sẽ tiến hành tập trung kiểm tra. Ngoài ra, cũng tập trung kiểm tra những trường hợp thuộc diện nhạy cảm nhưng không thuộc trong “khung” đã định.
- Căn cứ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chuẩn mực bao gồm cả kế toán, kiểm toán, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ vận tải… để kiểm tra trị giá hải quan theo các phương pháp đã quy định.
- Kiểm tra các chứng từ liên quan đến lô hàng bị nghi là gian lận trị giá thông qua các tài khoản, các chứng từ kế toán, chứng từ ngân hàng liên quan…để kiểm tra rõ số lượng của các khoản thanh toán, bù trừ tiền hàng giữa người mua và người bán.
- Thực hiện tham vấn để kiểm tra trị giá, bảo đảm cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp trao đổi với nhau nhằm làm sáng tỏ các nghi vấn về mức giá đã khai báo. Việc kiểm tra các chứng từ bổ sung, kết hợp với lý lẽ của doanh nghiệp trong việc giải trình về mức giá khai báo để ra quyết định bác bỏ hay chấp nhận mức giá khai báo của doanh nghiệp, hay không tuân thủ theo quy định và hướng dẫn về tham vấn của cơ quan Hải quan và kỹ năng tham vấn của công chức Hải quan.
Ở đây xin nói thêm về nội hàm của cụm từ “ tham vấn để kiểm tra trị giá” để hiểu cho thống nhất về nội dung và cách làm được nêu trong luận án này. Trong luận án này, “ tham vấn để kiểm tra trị giá” chính là khi cơ quan Hải quan có những nghi ngờ về tính chính xác, trung thực của trị giá khai báo thì cơ quan hải quan chuẩn bị ra những câu hỏi để yêu cầu doanh nghiệp giải
trình. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải xuất trình được những chứng cứ, cung cấp được những thông tin làm cơ sở để chứng minh cho nội dung trị giá mà doanh nghiệp đã khai báo. Dựa trên những nội dung do doanh nghiệp cung cấp, cơ quan Hải quan tiến hành phân tích thông tin, đối chiếu với những thông tin đã có của cơ quan Hải quan và đưa ra kết luận cuối cùng.