Một số bài học kinh nghiệm cho kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan của Hải quan Việt Nam

Một phần của tài liệu Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở việt nam (Trang 77 - 81)

TRỊ GIÁ HẢI QUANTRỊ GIÁ HẢI QUAN

2.4.5.Một số bài học kinh nghiệm cho kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan của Hải quan Việt Nam

quan của Hải quan Việt Nam

Hoạt động KTSTQ cũng như KTSTQ về trị giá hải quan của các nước trong khu vực và trên thế giới rất đa dạng và phong phú. Tuỳ theo các điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội, con người và đặc biệt là yêu cầu quản lý kinh tế của mỗi quốc gia để có những hoạt động đặc thù. Chọn lọc từ kinh nghiệm thực tế của một số nước, một số bài học cho Hải quan Việt Nam như sau:

- Xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đồng bộ, tạo thuận lợi cho hoạt động KTSTQ về TGHQ: Thực tiễn hoạt động KTSTQ của các nước trên thế giới cho thấy rằng hiệu quả hoạt động của công tác KTSTQ chỉ có được khi hệ thống các quy định của pháp luật đồng bộ, đầy đủ và được quy định chi tiết mang tính chuẩn mực trong KTSTQ về TGHQ. Để khuyến khích tính tự tuân thủ pháp luật, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn phải quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tư vấn, cung cấp những thông tin cần thiết có liên quan đến hải quan, quyền được tự điều chỉnh sai sót trong việc khai hải quan mà không bị xử phạt hoặc chỉ bị phạt nhẹ. Hầu hết các nước đề cập ở trên đều thiết lập cơ chế tự khai, tự tính và nộp thuế hiệu quả gắn với lợi ích của các doanh nghiệp.

Việc xây dựng và duy trì một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, bảo đảm việc thực thi nghiêm minh, đầy đủ các quy định của pháp luật về hải quan trong hoạt động KTSTQ về TGHQ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cơ chế này cho phép cơ quan hải quan áp dụng những biện pháp và chế tài phù hợp mang tính chuẩn mực để thực thi kết quả KTSTQ như phạt tiền, phong toả tài khoản, tịch thu kê biên tài sản, và các biện pháp khác. Tổ chức đào tạo và tuyên truyền phổ biến pháp luật về hải quan nói chung và KTSTQ nói riêng, đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định hiệu quả quản lý Hải quan.

Bên cạnh đó, luật pháp phải đảm bảo xây dựng quy trình nghiệp vụ phải đảm bảo chặt chẽ, thống nhất; nếu thiếu yếu tố này thì KTSTQ về TGHQ khó có thể phát huy được.

- Coi trọng công tác đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra sau thông quan về TGHQ:

Công tác cán bộ có tính chất quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động KTSTQ. Một trong những ưu tiên của các nước là chất lượng và số lượng cán bộ KTSTQ. Yêu cầu về trình độ đối với các nhân viên chuyên trách KTSTQ về TGHQ thường cao hơn so với các bộ phận khác. Cụ thể họ phải được trang bị kiến thức về pháp luật hải quan, nguyên tắc kế toán, kỹ thuật kiểm toán, ngân hàng, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đặc biệt quan tâm đến liêm chính hải quan. Đối với KTSTQ về trị giá hải quan, cần có đội ngũ cán bộ công chức làm công tác giá hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, có sự gắn kết chặt chẽ từ cấp trung ương xuống địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, phối kết hợp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận liên quan đến trị giá.

Chính vì vậy, các nước đều quan tâm đến công tác đạo tạo cho nhân viên hải quan, bao gồm cả số cán bộ mới tuyển dụng, số cán bộ từ các bộ phận khác chuyển sang và số cán bộ đang làm ở bộ phận KTSTQ. Việc luân chuyển cán bộ được ưu tiên thực hiện giữa các đơn vị trong hệ thống và sau đó là giữa các đơn vị nghiệp vụ như: thông quan hàng hoá, trị giá, điều tra chống buôn lậu…

- Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý rủi ro; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ cho KTSTQ về TGHQ được cập nhật đầy đủ, chia sẻ kịp thời:

Các cơ quan hải quan tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đều thực hiện quản lý nhà nước về mặt hải quan trên cơ sở một hệ thống hành chính vô cùng hiệu quả. Với nguồn nhân lực hạn chế và đã được tinh giản, họ thực hiện quản lý trên nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin với một hệ thống hạ tầng về thông tin tiên tiến, cho phép hầu hết các công việc được tiến hành một cách tự động hoá. Việc lựa chọn đối tượng KTSTQ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý rủi ro của các nước nói trên là những kinh nghiệm quý cho hải quan Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá và cải cách hành chính. Để kiểm tra trị giá, cần tạo dựng hệ thống thông tin dữ liệu giá từ nhiều nguồn khác nhau trên cơ sở phân tích, lựa chọn thông tin để làm cơ sở cho việc kiểm tra so sánh giá khai báo, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, cung cấp cho toàn ngành, trong quá trình thông quan và sau thông quan.

- Coi trọng công tác phối hợp trong kiểm tra sau thông quan về trị giá Hải quan:

Việc phối hợp trong ngành và ngoài ngành có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả công tác KTSTQ về TGHQ. Để công tác kiểm tra phần trị giá đạt kết quả tốt ngoài việc phối kết hợp chặt chẽ giữa các khâu trong thông quan, sau thông quan và điều tra chống buôn lậu nhằm chia sẻ thông tin với nhau và cùng nhau hướng dẫn, Cục Hải quan địa phương thực hiện các biện pháp chống khai báo giá thấp…Cơ quan hải quan còn phải có thẩm quyền tiếp cận và sử dụng các hồ sơ, các dữ liệu thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa, giao dịch ngoại tệ, vận chuyển hàng hoá, bán hàng hoá sau khi nhập khẩu có liên quan của các doanh nghiệp từ ngân hàng, cơ quan thuế nội địa, cơ quan bảo hiểm, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an, cũng như các cơ quan khác có liên quan.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn còn được thể hiện như: Công tác giám định, đánh

giá, kiểm tra các tiêu chuẩn, định mức…cũng như việc hỗ trợ lực lượng và phương tiện kỹ thuật trong các trường hợp cần thiết.

Tóm lại, như nội dung tiêu đề đã nêu, Chương 2 luận án đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan, vai trò và yêu cầu của kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan trong công cuộc hiện đại hóa hải quan. Mặt khác, bằng việc nghiên cứu kinh nghiệm kiểm tra sau thông quan của một số nước cụ thể, tác giả có nhận định để rút ra bài học kinh nghiệm và những kinh nghiệm này sẽ là một trong những yếu tố để vận dụng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam trong những năm tới.

Một phần của tài liệu Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở việt nam (Trang 77 - 81)