6. Kết cấu của Luận văn
1.2.3.2. Nhân tố thuộc về ngân hàng thương mại
Thứ nhất, chính sách tín dụng của ngân hàng: Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của ngân hàng thương mại, trở thành hướng dẫn chung cho cán bộ tín dụng và nhân viên ngân hàng, tăng cường chuyên môn hóa trong phân tích tín dụng, tạo sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và tăng khả năng sinh lời. Toàn bộ các vấn đề liên quan đến cấp tín dụng nói chung đều được xem xét và đưa ra trong chính sách tín dụng như: quy mô, lãi suất, kì hạn, đảm bảo tín dụng...Do đó, chính sách tín dụng phải được xây dựng nhất quán, khoa học và hợp lý, phù hợp với đặc điểm nội tại của ngân hàng và của khách hàng, đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của cả hai bên. Chính sách tín dụng đúng đắn, hợp lý, linh
hoạt, đáp ứng được nhu cầu khách hàng về vốn sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển tín dụng và chất lượng tín dụng. Ngược lại, nếu các yếu tố của chính sách tín dụng cứng nhắc, bất hợp lý, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng thì ngân hàng không thể thực hiện mục tiêu phát triển quy mô tín dụng và giảm tính cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, chất lượng tín dụng của ngân hàng: Chất lượng tín dụng phản ánh sự lành mạnh, an toàn trong hoạt động của các NHTM. Một NHTM có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp chứng tỏ mọi hoạt động của ngân hàng đó đang được diễn ra lành mạnh, kinh doanh an toàn và hiệu quả. Ngược lại, nếu một ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu cao, hoạt động ngân hàng sẽ mất an toàn, ngân hàng sẽ không thể mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, nếu một ngần hàng có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN, mọi hoạt động của ngân hàng sẽ nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ. Do đó, chất lượng tín dụng nói chung và chất lượng tín dụng tiêu dùng nói riêng sẽ ảnh hưởng tới điều kiện để phát triển hoạt động CVTD của NHTM.
Thứ ba, quy mô ngân hàng: Quy mô của ngân hàng là một yếu tố quan trọng quyết định cấu trúc, danh mục cho vay của ngân hàng, đặc biệt là vốn chủ sỡ hữu được sử dụng để xác định mức cho vay tối đa đối với một khách hàng. Đối với những ngân hàng có quy mô vốn tự có lớn thì khả năng phát triển mở rộng tín dụng là rất cao. Với vốn tự có lớn ngân hàng sẽ có điều kiện trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ hiện đại, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, thu hút nhiều khách hàng, thẩm định khách hàng vay chính xác hơn.
Quy mô ngân hàng còn thể hiện ở hệ thống mạng lưới chi nhánh. Mạng lưới chi nhánh rộng lớn, tại những vị trí thuận lợi, đông dân cư sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được với ngân hàng một cách trực tiếp, nhanh chóng, từ đó mở rộng quan hệ với khách hàng. Đồng thời do đặc điểm của cho vay tiêu dùng là cá nhân, hộ gia đình với số lượng lớn nên một hệ thống chi nhánh phòng giao dịch lớn sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến.
Thứ tư, chất lượng cán bộ tín dụng: Yếu tố con người luôn giữ một vị trí cốt yếu trong bất kì một tổ chức nào không chỉ có trong ngành ngân hàng. Với đặc điểm của ngành ngân hàng là kinh doanh dịch vụ- một hàng hóa vô hình thì yếu tố càng trở nên quan trọng hơn. Cán bộ tín dụng không những người vừa trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ tín dụng, mà còn chính là những người đề xuất những giải pháp có giá trị thực tiễn để phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Vì bản thân họ là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng sử dụng sản phẩm nên họ sẽ biết và hiểu được sự cảm nhận của khách hàng khi sử dụng sản phẩm; để từ đó đưa ra những kiến nghị kịp thời để hoàn thiện sản phẩm hay đưa ra những ý tưởng mới khi nhận ra những nhu cầu mới của khách hàng cần được thỏa mãn. Do vậy, đội ngũ nhân viên của ngân hàng không những cần có trình độ tốt về chuyên môn nghiệp vụ về tín dụng, am hiểu pháp luật mà cả những kỹ năng giao tiếp với khách hàng; và tất nhiên điều không thể thiếu đối với mỗi tổ chức đó là sự tận tâm, tâm huyết với công việc. Tất cả những điều đó sẽ tạo nền móng vững chắc để thu hút khách hàng ở lại lâu dài với ngân hàng
Thứ năm, chính sách Marketing: Hoạt động Marketing là một nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển CVTD của các NHTM trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các NHTM. Một ngân hàng có chính sách Marketing hiệu quả, được xây dựng đồng bộ, có khoa học sẽ thu hút được ngày càng nhiều khách hàng vay đến với ngân hàng hơn. Ngược lại, một chính sách Marketing không hiệu quả sẽ làm cho sản phẩm của ngân hàng không đến được với người tiêu dùng, ngân hàng không thể mở rộng hoạt động CVTD, không nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần CVTD.