thứ hai do ảnh hưởng của phim ảnh, các trang mạng xã hội. Nguyên nhân thứ ba là do một số em thích thể hiện mình là người sành điệu, do nhận thức còn hạn chế, thiếu KNS, còn nhìn nhận sai lệch về cái đẹp trong cuộc sống. Các em chưa lựa chọn đúng cách ứng xử, chưa có động cơ học tập đúng đắn, nhận thức về tình bạn, tình đoàn kết, tình yêu trong sáng chưa đúng đắn, do đó HS chưa thật sự gắn bó, thông cảm, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện.
Số HS vi phạm nội quy trường lớp còn nhiều, đã làm ảnh hưởng tới môi trường sư phạm trường học. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do HS chưa có ý thức tự vươn lên, mặt khác còn do gia đình ít hoặc không quan tâm tới các em và chưa tích cực phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương để dạy bảo con em mình.
2.3.4. Nguyên nhân ảnh hưởng đến hành vi vi phạm đạo đức của học sinh sinh
Ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Võ Nhai, số HS yếu kém về đạo đức so với tổng số HS của nhà trường chưa phải là nhiều nhưng nó đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sư phạm trường học. Hành vi vi pham chuẩn mực đạo đức của học sinh có rất nhiều nguyên nhân, có thể chia thành 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu sau:
Nhóm nguyên nhân từ phía gia đình: phần lớn những HS vi phạm đạo đức thường là con em của các gia đình mà ở đó bố mẹ không gương mẫu, hoàn cảnh quá khó khăn về kinh tế dẫn đến không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con em; hoặc có điều kiện kinh tế nhưng nuông chiều con không đúng mức, bố mẹ mải mê làm ăn, kiếm tiền làm giàu phó mặc việc dạy dỗ con
em cho nhà trường, thầy cô. Gia đình không hạnh phúc, các mối quan hệ và hành vi trong gia đình thiếu chuẩn mực, bố, mẹ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu kiến thức về giáo dục và chăm sóc con cái cũng là nguyên nhân dẫn đến sai lệch về hành vi đạo đức của học sinh.
Nhóm nguyên nhân từ phía nhà trường: các nhà trường chưa kịp thời nắm bắt các hiện tượng vi phạm đạo đức của HS để có biện pháp chỉ đạo công tác giáo dục phù hợp. Năng lực sư phạm của một bộ phận GV còn hạn chế, một số GVCN chưa sâu sát, chưa tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của HS để nắm bắt hoàn cảnh riêng của từng em, một số GVBM chưa thật sự chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức học sinh thông qua giờ lên lớp, đôi lúc còn coi GDĐĐ cho HS là việc của GVCN, GV dạy môn giáo dục công dân; một vài GV thiếu gương mẫu trong cuộc sống, chưa thực sự là “tấm gương sáng” để HS noi theo. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục nói chung và GDĐĐ nói riêng còn cứng nhắc, xem nhẹ yếu tố thuyết phục, động viên, khích lệ. Chưa thực sự tích cực phối hợp với các lực lượng ngoài xã hội để giáo dục những HS vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Nhóm nguyên nhân từ phía xã hội: Trong xu thế hội nhập và phát triển của
đất nước, cơ chế thị trường đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị mai một, đã làm xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm, tệ nạn ma túy, buôn bán người qua biên giới ... Trước những cám dỗ của đồng tiền, cùng với việc không làm chủ được bản thân đã làm không ít HS sa ngã, dẫn tới tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, ảnh hưởng không tốt đến việc GDĐĐ.
Bên cạnh đó, sự quản lý chưa đồng bộ của các cấp, các ngành về hoạt động dịch vụ, văn hóa, truyền thông đã làm xuất hiện thêm nhiều tụ điểm
không lành mạnh ở gần các trường học đã lôi kéo một bộ phận nhỏ HS là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng HS trốn học, gây gổ mất đoàn kết, đánh nhau, thậm chí vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội.
Nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía học sinh: ở cấp giáo dục trung học phổ thông, HS có sự phát triển, thay đổi tâm, sinh lý lứa tuổi mạnh mẽ. Sự phát triển và thay đổi mạnh về thể trạng, tâm, sinh lý đã dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, thái độ của các em đối với bản thân, gia đình và xã hội. Ở giai đoạn này tình cảm của các em chưa bền vững, không ổn định, khả năng làm chủ bản thân, bản lĩnh còn yếu trước những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài... cho nên dễ phát sinh mặc cảm, sự bồng bột, cả tin... điều này tạo cơ hội cho những hiện tượng tiêu cực trong xã hội thâm nhập vào đời sống tinh thần của các em.
Nhóm nguyên nhân từ việc quản lý, phối hợp của các lực lượng giáo dục: các tổ chức chính trị xã hội nói chung và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng trong một số trường THPT chưa thực sự chủ động, tích cực nên hiệu quả hoạt động chưa cao; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong GDĐĐ cho HS chưa thật hiệu quả; Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và chính quyền địa phương chưa hài hòa, thường xuyên.
Như vậy để công tác GDĐĐ học sinh đạt hiệu quả, người quản lý trường THPT phải xây dựng tốt mối quan hệ khăng khít giữa các lực lượng: gia đình, nhà trường và xã hội. Phải làm tốt công tác giáo dục để HS tự nhận thức, định hướng khả năng làm chủ, có bản lĩnh và có tình cảm đúng. Từ những đánh giá trên, cho thấy các nhà trường THPT huyện Võ Nhai đã chú trọng đến việc GDĐĐ cho HS có được những phẩm chất cần thiết của con người mới, nhưng chưa thực sự toàn diện. Do đó vẫn còn những HS có hành vi sai trái, vì vậy cần có những giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác quản lí, giáo dục
đạo đức cho HS, đặc biệt là HS dân tộc thiểu số.