Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, với vị trí địa lí nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, phía Bắc giáp Chợ Mới, Na Rì (Bắc Cạn), phía Tây giáp huyện Đồng Hỷ, phía Nam giáp huyện Yên Thế (Bắc Giang) và phía Đông giáp huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng (Lạng Sơn). Địa hình của huyện Võ Nhai chủ yếu là đồi núi cao, nằm trong cánh cung Bắc Sơn, bị chia cắt bởi các thung lũng nhỏ và hệ thống sông suối khá phức tạp. Về khí hậu, ở Võ Nhai chia thành bốn mùa rõ rệt, trong đó mùa đông có khí hậu khá khắc nghiệt với các đợt không khí lạnh kéo dài gây ra các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tài nguyên, thiên nhiên của huyện Võ Nhai tương đối phong phú và đa dạng, đó là tài nguyên rừng với độ che phủ cao (đạt 64,9%), tài nguyên khoáng sản có các loại quặng kim loại màu, vật liệu xây dựng. Đất trồng chủ yếu là đất feralit được rửa trôi, tích tụ ở các thung lũng và vùng đồi thấp. Nguồn nước trên địa bàn huyện Võ Nhai khá phong phú, đáp ứng đủ cho sinh hoạt và sản xuất của con người.
Võ Nhai là huyện có diện tích lớn nhất và mật độ dân số thấp nhất trong tỉnh, với diện tích là 845,10 km2; dân số là 67.318 người, gồm có 01 thị trấn và 14 xã, các dân tộc sinh sống chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hmông, Sán Chay, Hoa,...Trong đó dân tộc Kinh chiếm 32,1%, dân tộc Tày chiếm 22,7%, dân tộc Nùng chiếm 20,2%, dân tộc Dao chiếm 14,1%, dân tộc Hmông chiếm 6,2%, dân tộc Sán Chay chiếm 4,2%, còn lại là các dân tộc khác.
*Về lực lượng lao động: Tổng số lao động trong độ tuổi là 31.215 người
chiếm 46,37% tổng số dân. Trong đó lao động nữ là 15.127 người, lao động nam là 16.088 người (trong đó lao động qua đào tạo chiếm 11,36%)
Lĩnh vực Kinh tế - xã hội: Về kinh tế xã hội, huyện Võ Nhai còn ở mức chậm phát triển, tổng giá trị sản phẩm toàn huyện ước đạt 422,9 tỉ đồng (giá so sánh năm 1994), thu nhập bình quân trên đầu người chỉ đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo trong toàn huyện năm 2012 là 31,35%. Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn năm 2012 là: giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương chiếm 3,91%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm 48,8%; lĩnh vực dịch vụ chiếm 47,29%. Thu cân đối ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt 17 tỷ đồng.
Huyện Võ Nhai nằm ở vùng miền núi đá vôi thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng núi và trung du Đông Bắc – Bắc Bộ với địa hình chia cắt giao thông đi lại đặc biệt khó khăn ở khu vực các xã phía Bắc của huyện. Võ Nhai chỉ có một loại hình giao thông bằng đường bộ trên tuyến quốc lộ 1B nối từ thành phố Thái Nguyên lên thị trấn Đồng Đăng của tỉnh Lạng Sơn, tuyến đường tỉnh lộ ĐT265 từ thị trấn Đình Cả (Võ Nhai – Thái Nguyên) đến thị trấn Mẹt (Hữu Lũng – Lạng Sơn) và các tuyến giao thông liên thôn, liên xã với phương tiện chủ yếu là ô tô, xe máy.
Với địa hình tự nhiên bị chia cắt bởi núi đá vôi có độ dốc lớn, hệ thống sông suối tương đối phức tạp bởi các phụ lưu của hệ thống sông Cầu và sông Thương. Ở khu vực trung tâm và các xã phía Nam của huyện là hệ thống sông suối của sông Dong – một phụ lưu của hệ thống sông Thương; khu vực phía Bắc của huyện là các phụ lưu của hệ thống sông Cầu. Các sông suối trên địa bàn có chế độ nước chia mùa rõ rệt và đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa – nước lũ.
Với những đặc trưng của điều kiện tự nhiên, Võ Nhai có tiềm năng phong phú và đa dạng về tài nguyên, có nguồn lao động tương đối dồi dào với những truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ, khiến cho Võ Nhai có tiềm năng phát tiển du lịch sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, du lịch văn hóa lịch sử ở khu di tích rừng Khuôn Mánh – Tràng Xá ....
Trong xu thế phát triển và hội nhập, đứng trước những khó khăn và thách thức mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai đã tập trung nỗ lực phấn đấu, quyết tâm từng bước xây dựng vững chắc cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng củng cố và kiện toàn bộ máy chính quyền vững mạnh nhằm từng bước phát triến kinh tế - xã hội của huyện ngày càng vững chắc. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác chăm lo xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ GV và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS cũng đặc biệt được các cấp, ngành quan tâm.