Trường hợp Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm – cuốn truyện bị

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 133)

5. Bố cục của luận án

4.4.2.Trường hợp Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm – cuốn truyện bị

xem là “thiếu tính Đảng”

Võ Huy Tâm quê ở Nam Định, nhưng cả cuộc đời mình ông gắn bó với vùng mỏ, với những người thợ mỏ. Từ một người thợ mỏ, một cán bộ công đoàn hoạt động ở vùng địch hậu thời kháng chiến chống Pháp, ông trở thành một nhà văn có nhiều thành tựu – đặc biệt là mảng đề tài về công nhân. Trong số không nhiều nhà văn chuyên viết về đề tài công nhân và công nghiệp ở nước ta, có lẽ Võ Huy Tâm là người được dư luận chú ý sớm nhất. Người ta nói đến con đường bước vào văn học rất riêng của ông, chú ý đến thành công ban đầu và theo dõi những thành quả cũng như những nhược điểm ở những giai đoạn tiếp theo.

Võ Huy Tâm đến với văn học bằng con đường khá độc đáo. Ông là nhà văn xuất thân từ một công nhân. Ông trình làng tiểu thuyết đầu tay Vùng mỏ năm 1951, cuốn truyện được tặng giải Nhất Giải thưởng văn nghệ của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952. Điều đáng nói là khi viết Vùng mỏ, Võ Huy Tâm chưa học hết bậc bổ túc bình dân – bậc học nhằm thanh toán nạn mù chữ cho người đã quá tuổi và chưa đủ trình độ vào trường phổ thông. Với Vùng mỏ, lần đầu tiên trong nền văn xuôi Việt Nam có một tác phẩm viết về giai cấp công nhân khá trung thực và sinh động. Dù khởi đầu nghiệp văn khá suôn sẻ và ít nhiều có được thành công nhưng cũng phải đến 10 năm sau, Võ Huy Tâm mới có tác phẩm thứ hai – cuốn tiểu thuyết

Những người thợ mỏ (1961). Tuy nhiên, khác với Vùng mỏ, cuốn tiểu thuyết này

mang đến cho Võ Huy Tâm buồn nhiều hơn vui.

Kể từ khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất và chiến đấu cần được văn học biểu dương.

129

Ý thức được những yêu cầu ấy và cũng là sự thôi thúc tự thân của một người cầm bút luôn trăn trở về cuộc sống và con người vùng mỏ, Võ Huy Tâm đã tập trung sức lực của mình để khai thác và miêu tả những phẩm chất mới của người công nhân trong giai đoạn mới. Nếu vấn đề đặt ra trong Vùng mỏ là phải giải phóng vùng mỏ, giải phóng những người công nhân và nhân dân lao động thì ở Những

người thợ mỏ, Võ Huy Tâm lại đặt ra vấn đề phải giác ngộ ý thức xã hội chủ nghĩa

cho những người thợ, vấn đề quản lý dân chủ trong sản xuất, vấn đề cải tiến kĩ thuật và cải thiện đời sống cho nhân dân. Đó là những vấn đề thực sự có tính thời sự ở thời điểm đó. Phải ghi nhận rằng, Những người thợ mỏ có nhiều ưu điểm. Nguyễn Phan Ngọc đánh giá cao nghệ thuật xây dựng nhân vật của Võ Huy Tâm. Ông cho rằng “Ở Những người thợ mỏ, Võ Huy Tâm đã xây dựng thành công nhiều nhân vật, nam cũng như nữ. Mỗi nhân vật của anh đều có đủ da, đủ thịt y như những con người sống thật trong thực tế. Tập truyện có tới mấy chục nhân vật, nhưng những nhân vật chính đều có mỗi người một tính cách riêng biệt không thể nào trộn lẫn được. Đây chính là thành công cơ bản, thành công lớn của tập truyện, là điểm hơn hẳn nhiều cuốn tiểu thuyết khác” [88; tr.1-2]. Trong khi đó, Hà Minh Đức cho rằng giá trị đầu tiên và chủ yếu trong Những người thợ mỏ là giá trị chân thực: “Chính cái giá trị chân thực của tác phẩm, chất liệu xanh tươi của đời sống đã có khả năng thuyết phục người đọc, gây được sự cảm mến sâu sắc đối với lớp người lao động áo vải sinh trưởng, lớn lên trên đất mỏ. (…) Bằng thực tế tác phẩm của mình, Võ Huy Tâm lần đầu tiên đưa vào thế giới nhân vật trong văn học những hình tượng đầy đặn của người công nhân” [38; tr.26].

Dù ghi nhận Những người thợ mỏ như là một thành công mới trong sáng tác của Võ Huy Tâm về đề tài công nhân, nhưng hầu hết các nhà phê bình đều cho rằng tác phẩm còn bộc lộ nhiều thiếu sót và nhược điểm của nhà văn về quan điểm nhận thức, khả năng khái quát và phương pháp thể hiện nghệ thuật. Hà Minh Đức nhận định: “Trong tác phẩm, Võ Huy Tâm đã nhận thức được mâu thuẫn trong quá trình sản xuất, giữa quần chúng tiên tiến hăng say lao động và tư tưởng bảo thủ, tác phong quan liêu mệnh mệnh của một số cán bộ. Nhưng vì quá nhấn mạnh đến mâu thuẫn đó, và đem mâu thuẫn trên làm nội dung chủ yếu của cốt truyện, chủ đề, tư tưởng

130

tác phẩm, nên Võ Huy Tâm đã tạo nên sự cách biệt và đối lập giữa một bên là cán bộ phụ trách và lãnh đạo sản xuất, một bên là quần chúng công nhân” [38; tr.26]. Các ý kiến phê bình cũng cho rằng việc Võ Huy Tâm phát hiện và phê phán những nhược điểm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhận ra đó là nguyên nhân cản trở quá trình sản xuất là hoàn toàn chính đáng. Nhưng những cán bộ lãnh đạo ấy là ai, nếu không phải là đại diện cho vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở? Và nếu đã có sự lãnh đạo của Đảng thì những nhược điểm ấy đã được khắc phục ra sao? Quá trình phê bình và tự phê bình của các đảng viên trong nhà máy diễn ra thế nào? Lại nữa, những nhân tố tích cực trong quần chúng có quá trình trưởng thành ra sao? Vai trò hướng dẫn, bồi dưỡng quần chúng của Đảng trong những trường hợp ấy thế nào? Tất cả những điều ấy đều mờ nhạt trong Những người thợ mỏ và nó chính là cơ sở để các nhà phê bình kết luận: cuốn truyện của Võ Huy Tâm thiếu đi tính Đảng.

Trong bài viết Mấy nhận xét về nội dung truyện Những người thợ mỏ đăng trên báo Thủ đô Hà Nội, ngày 28/1/1962, Phong Lê viết: “Võ Huy Tâm đã khơi quá sâu mối mâu thuẫn giữa cán bộ và quần chúng, thậm chí có khi cường điệu một số nét tiêu cực của cán bộ, làm cho hình ảnh họ một đôi khi trở nên ngớ ngẩn, buồn cười. Người xem cảm thấy quá trình khắc phục những khuyết điểm của họ quá chậm giữa sự đổi mới sâu xa của vùng mỏ. Nhưng đó cũng vẫn chưa phải là vấn đề cần bàn. Khuyết điểm chủ yếu của Những người thợ mỏ chính là ở chỗ Võ Huy Tâm chưa giải thích được một cách thoả đáng sự hình thành và phát triển những nhân tố tích cực của tập thể công nhân” [63]. Ông cho rằng người đọc có cảm giác như những nhân tố mới trong cuộc sống là một lực lượng “tự phát ngoi lên” nhiều lần và nhiều lần bị kìm hãm vì lãnh đạo nhà máy quan liêu. Tác giả Phong Lê đặt ra câu hỏi: “Trong thực tế những hiện tượng như thế có phổ biến không? Tính cách tích cực của quần chúng có thể thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là những đảng viên nằm sâu trong quần chúng? Rõ ràng thiên truyện chưa xây dựng được một nhân vật cán bộ hoặc đảng viên tích cực nào” [63]. Phê bình những nhược điểm về tư tưởng của Những người thợ mỏ không chỉ có các nhà nghiên cứu, những người trong giới văn nghệ mà còn có cả những bạn đọc là

131

công nhân. Họ lấy chính cuộc sống của mình để đối chiếu với những gì được miêu tả trong tác phẩm. Trong bài viết Những người thợ mỏ đọc Những người thợ mỏ, đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 20/7/1962, bạn đọc Huỳnh-Thái (tự giới thiệu là công nhân vùng mỏ Cẩm Phả) sau khi khen ngợi những ưu điểm cũng tỏ ra rất nghiêm khắc với những nhược điểm về tư tưởng của tác phẩm, đặc biệt là vấn đề tính Đảng. Bài viết nhận định: “Một cái yếu trầm trọng nữa là ở việc thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trong Những người thợ mỏ. Trong cả tác phẩm, người ta không thấy rõ sự lãnh đạo của Đảng. Công nhân phớt hết, không cần đến chi uỷ, Đảng uỷ mà lên tận khu uỷ để đề đạt ý kiến. Cách xây dựng nhân vật của anh Tâm là như vậy. Có lẽ vì quá ham phục vụ chủ đề mình định nói, nên đã quên bẵng đi

mất con người thực ở ngoài đời” [134; tr.4].

Bên cạnh vấn đề tính Đảng, Những người thợ mỏ còn bộc lộ một nhược điểm khác, một nhược điểm tiêu biểu cho lối hành văn của Võ Huy Tâm: tham lam chi tiết, rườm rà, dàn trải. Nhị Ca cho rằng: “Nếu Võ Huy Tâm tỏ ra biết nhiều hiểu rộng, có con mắt quan sát nhậy bén và tinh tế thì ngược lại, ta thấy anh đã tham lam trong việc miêu tả, ôm đồm trong đống chi tiết, không biết lựa chọn những cái thật tiêu biểu phản ánh vừa đủ được bản chất của sự kiện hoặc nhân vật. (…) Cuốn truyện tràn ngập những sự việc tả lan man, lằng nhằng từ chuyện này sang chuyện khác; ngay nhân vật cũng nhiều khi đi hết nhà này sang nhà kia làm việc này việc nọ, kể lể dông dài” [11; tr.61]. Vũ Đức Phúc cũng cho rằng kết cấu của cuốn sách vụng về. Võ Huy Tâm đã không xử lý được cái vốn hiểu biết cuộc sống phong phú của anh khiến cho các chương mục trong tác phẩm không thống nhất, rườm rà và lộn xộn.

Những nhược điểm của tiểu thuyết Những người thợ mỏ đã chỉ ra một điều: Võ Huy Tâm chưa thực sự có đủ vốn sống và sự tự tin khi viết về cuộc sống mới, con người mới. Ông có thể có hiểu biết sâu sắc về người công nhân trong xã hội cũ nhưng hiện tại ông không theo kịp nhịp sống đang diễn ra vô cùng sôi nổi và mạnh mẽ. Chính bởi điều này mà trong Những người thợ mỏ, Võ Huy Tâm đã nêu ra và giải quyết những vấn đề của cuộc sống bằng cái nhìn thiển cận và gò bó, do đó không ít chỗ suy nghĩ lệch lạc và nóng vội. Ông coi sự trở ngại trong sản xuất lúc bấy giờ xuất phát từ thiếu tính dân chủ, là do tư tưởng quan liêu, xa rời quần chúng của

132

một số cán bộ. Từ nhận định đó, khi xây dựng những nhân vật lãnh đạo công nhân trong tác phẩm, nhà văn có ít nhiều thành kiến, từ đó tô vẽ những mặt yếu kém, thành ra hình tượng hiện lên thiếu chân thực. Cuốn tiểu thuyết, do đó chưa làm nổi rõ lên được sự phong phú và đa dạng của những con người lao động trong hoàn cảnh mới.

Tiểu thuyết Những người thợ mỏ chắc chắn có những nhược điểm như chúng ta đã phân tích ở trên. Song cũng cần phải nói thêm rằng, khi phê bình những điểm còn non kém của cuốn truyện này, nhiều nhà phê bình đã vận dụng một cách máy móc quan điểm lí luận về điển hình hoá trong văn học. Lối phê bình dùng hiện thực để đối chiếu với tác phẩm nhiều khi bóp nghẹt số phận của tác phẩm ngay khi nó mới ra đời. Trong giai đoạn cách mạng mới, văn nghệ được trao cho một sứ mệnh và chức năng cao cả, “nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa không chỉ phân tích mà còn tổng quát, không chỉ đề xuất mà còn giải quyết vấn đề, những vấn đề mới mẻ, có quan hệ đến vận mạng của cả một lớp người” [11; tr.62]. Song đòi hỏi tất cả các tác phẩm đều phải mô tả những điều tích cực, trong khi mỗi nhà văn lại có những năng lực và sở trường riêng thì thật là phi lí. Nhiều người cho rằng sau khi Những

người thợ mỏ bị phê bình về những vấn đề liên quan đến tư tưởng, Võ Huy Tâm đã

bị “chột” đi. Phải đến 10 năm sau, ông mới tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Đi lên đi

(1971) nhưng cũng không mấy thành công. Việc một nhà văn bị gắn cho cái mác “có vấn đề về tư tưởng” ở thời điểm những năm 60 là vô cùng đáng sợ. Võ Huy Tâm cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng ông cũng vẫn là người may mắn, bởi ông vẫn tiếp tục được gắn bó với văn chương. Sau khi tiếp tục thể nghiệm cuộc sống mới trong cuốn tiểu thuyết Đi lên đi nhưng không mấy thành công, Võ Huy Tâm quay hẳn lại với đề tài người công nhân trong xã hội cũ. Với Gánh chèo mảnh

(truyện ngắn, 1974); Măng bão (truyện cho thiếu nhi, 1980); Trăng bão (truyện, 1980);

Rượu chát (tiểu thuyết, 1981),… nhân vật chính của Võ Huy Tâm lại là những

người công nhân trong xã hội cũ với những phẩm chất cách mạng kiên cường trong đấu tranh với kẻ thù hoặc là những mối quan hệ rất nhân văn của con người với con người trong những hoàn cảnh khó khăn của xã hội trước đây. Tự nguyện

133

về với sở trường cũ là một bước đi đúng đắn và đáng quý của Võ Huy Tâm. Nó chứng tỏ ông rất hiểu mình và cũng là am hiểu cuộc đời đầy sóng gió nữa.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 133)