5. Bố cục của luận án
2.1.3. Tính chất của phê bình văn học
Xét về từ nguyên, hai chữ phê bình trong tiếng nhiều nước châu Âu có nghĩa là phán đoán, tức là phán đoán giá trị. Là các phán đoán, phê bình muốn thuyết phục cần phải đưa được ra những dẫn chứng, những căn cứ xác thực. Những phán đoán dựa vào những bằng chứng không xác thực đều không có giá trị. Phê bình đòi hỏi phải có tư duy lô gích, phải vận dụng tư duy lô gích và khái niệm để phán đoán
31
không bị rơi vào trực quan cảm tính. Phê bình văn học cũng đòi hỏi phải xuất phát từ một quan niệm lí luận nhất định. Người phê bình phải có tri thức, biết phân tích và giải thích mới làm sáng tỏ được vấn đề. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Phê bình là phán đoán, nhưng không nhất thiết là khoa học. Cả ngành nghiên cứu văn học từ lâu vẫn được coi là ngành khoa học, nhưng nên hiểu là nghiên cứu nhân văn” [129; tr.295]. Mikhail Bakhtin cho rằng “khoa học nhân văn là khoa nghiên cứu con người, chủ yếu là nghiên cứu đời sống tinh thần của con người, khác hẳn với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là nghiên cứu đồ vật. Vì thế nếu tiêu chí của khoa học là chính xác, thì nghiên cứu nhân văn lấy chiều sâu am hiểu làm tiêu chí. Khám phá về tinh thần, về tâm lí, về giá trị nghệ thuật không thể là chính xác, mà chỉ có thể là sâu sắc” [129; tr.295]. Như vậy, có thể nói, tính khoa học của phê bình không nằm ở tính chính xác như khoa học tự nhiên, mà nằm ở lập luận lô gích. Phê bình đòi hỏi chính xác một cách hạn chế, ví dụ như lựa chọn văn bản, trích dẫn chính xác, có cơ sở lí thuyết. Còn bản thân sự phán đoán của phê bình không thể coi là khoa học. Mỗi phán đoán có thể kêu gọi các phán đoán khác, có thể có sự phản đối, không đồng tình, có ý kiến đối thoại.
Mang tính khoa học, tuy nhiên, phê bình văn học không chỉ đòi hỏi tư duy lô gích. Phê bình văn học là khoa học về nghệ thuật, với những đối tượng nghiên cứu thuộc lĩnh vực tình cảm xã hội thẩm mĩ, nó đòi hỏi một tư duy có tính thẩm mĩ cao. Nói như nhà văn Lỗ Tấn: “Thơ ca không thể dựa vào triết học và trí tuệ mà nhận thức được, cho nên những nhà tư tưởng mà tình cảm đã lạnh giá rồi thì thường không hiểu được nhà thơ và do đó sẽ chế giễu hoặc phán đoán sai lầm” [75; tr.120]. Như thế, khi phê bình, nhà phê bình phải xem tác phẩm văn học là một thế giới nghệ thuật có quy luật đặc thù, có sự sống riêng, được sáng tạo bằng tưởng tượng, phải xuất phát từ đó để đưa ra những phán đoán. Phê bình văn học quyết không được cắt xén, cô lập hoặc đối chiếu giản đơn những chuyện trong tác phẩm với nguyên mẫu ngoài thực tế. Phê bình văn học là một hoạt động tiếp nhận, khâu đầu tiên của nó là đọc và thưởng thức, sau đó mới đến khâu nghiền ngẫm và đưa ra các phán xét. Trong suốt cả quá trình ấy, nhà phê bình không thể loại bỏ tư duy hình tượng, không thể loại bỏ việc cảm thụ và tái tạo hình tượng
32
nghệ thuật. Chính bởi vậy, nếu nhà phê bình không tuân theo các quy luật thẩm mĩ, không xem tác phẩm văn học là hiện tượng thẩm mĩ thì không thể thực hiện được hoạt động phê bình. Tất nhiên, lúc này, các phán đoán cũng không nằm trong phạm vi của phê bình văn học nữa mà chuyển thành các phán đoán mang tính chất khác.
Là một hoạt động mang tính khoa học nhằm mục đích khái quát, giám định, phát hiện các giá trị, tính chất và quy luật của các hiện tượng văn học, phê bình văn học còn là một hoạt động mang tính nghệ thuật, xuyên thấm sự sáng tạo trong đó. Quách Mạt Nhược phân biệt: “Văn nghệ là sự nghiệp phát minh. Phê bình là sự nghiệp phát hiện. Văn nghệ là từ không sinh ra có. Phê bình là từ đãi cát tìm ra vàng” [75; tr.122]. Quan điểm này được rất nhiều nhà nghiên cứu tán thành, bởi nói cho đúng thì nếu sáng tác thiên về sáng tạo thì phê bình thiên về phát hiện. Puskin cho rằng phê bình là “phát hiện ra cái đẹp và thiếu sót của tác phẩm”, trong khi Dobroliubov khẳng định phê bình là “thuyết minh ý nghĩa tiềm ẩn bên trong sáng tác của nghệ sĩ”. Muốn vậy, người phê bình phải có một trình độ hiểu biết rộng về đời sống xã hội và về lĩnh vực văn chương, đặc biệt phải có năng khiếu cảm thụ nghệ thuật tốt. Người làm phê bình phải biết tưởng tượng, đồng cảm, phải có những rung cảm sâu sắc về thế giới nghệ thuật trong tác phẩm thì mới có thể có được những kiến giải chắc chắn, sâu sắc và thuyết phục. Ngôn ngữ phê bình cũng vậy, không chỉ có khái niệm lô gích và khoa học, mà còn có hình ảnh, có tính khêu gợi như là những phán đoán giàu tính nghệ thuật.
Ai cũng có thể đưa ra những lời khen chê về tác phẩm. Cảm thụ nghệ thuật của độc giả bình thường xuất phát từ nhu cầu và thị hiếu cá nhân, không bắt buộc phải đại diện cho ai hoặc nhân danh ai để bình giá văn thơ. Nhưng sự cảm nhận của nhà phê bình không đơn giản như thế. Tuy các phán đoán giá trị đưa ra vẫn là ý kiến cá nhân của nhà phê bình nhưng hoạt động phê bình luôn bắt nguồn từ nhu cầu xã hội bức thiết của chính bản thân văn học và đời sống cộng đồng. Nhà phê bình thường bao giờ cũng phát ngôn cho ý kiến, quan điểm của một lực lượng xã hội nhất định. Chỉ khi nào kết hợp được khoa học và nghệ thuật trong phê bình thì nhà
33
phê bình mới có thể đồng cảm với nhà văn, hướng dẫn bạn đọc thâm nhập vào tác phẩm, khám phá giá trị văn chương, lại vừa có thể thay mặt cho độc giả tạo nên dư luận xã hội nhằm điều chỉnh, định hướng cho sáng tác và phát triển văn học.