Phạm vi đấu tranh tư tưởng

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 114)

5. Bố cục của luận án

4.1.2.Phạm vi đấu tranh tư tưởng

Phạm vi đấu tranh tư tưởng của phê bình văn học trong lĩnh vực văn nghệ rất rộng. Tuy nhiên, tựu trung lại, đó là cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện, mọi hiện tượng văn học đối lập với các tiêu chí, các tôn chỉ của nền văn học cách mạng, với đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mỗi giai đoạn cụ thể của lịch sử xã hội, Đảng lại xác định các nhiệm vụ và phạm vi khác nhau cho phê bình văn học trong nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng. Sau Cách mạng tháng Tám, phạm vi đấu tranh của phê bình văn học chủ yếu là nhằm cải tạo triệt để những tư tưởng của văn học cũ, nhất là những tư tưởng tư sản, tiểu tư sản của các trường phái văn học theo chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên; những khuynh hướng văn học trốn tránh hiện thực, sa vào những hiện tượng suy đồi trong cuộc sống. Từ những năm 50, phê bình văn học tập trung vào việc đẩy lùi và đánh bại những trào lưu văn học ảnh hưởng các tư tưởng tư sản như Phân tâm học Freud, chủ nghĩa hình thức, các trào lưu sáng tác phi lí tính,… và đặc biệt là chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ. Năm 1964, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tố Hữu nhận định: “Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ không nảy sinh một cách ngẫu nhiên, mà phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị” [142; tr.432]. Ông yêu cầu văn nghệ, nhất là lí luận và phê bình văn học phải mở rộng phạm vi đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại như tư tưởng hoà bình chủ nghĩa, chủ nghĩa hư vô, vấn đề chủ nghĩa nhân đạo chung chung trong văn học.

Nghiên cứu về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ giai đoạn 1945-1986 thực sự là một vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi một đề tài lớn với nhiều thời gian và công sức. Chính bởi vậy, trong luận án này, chúng tôi chỉ quan tâm khai thác vấn đề đấu tranh tư tưởng qua việc phê bình những tác phẩm văn học cụ thể. Ở đây khái niệm đấu tranh tư tưởng được hiểu theo nghĩa uốn nắn, hướng đạo tư tưởng, thế giới quan cho nhà văn trong sáng tác chứ không hiểu theo nghĩa đấu tranh giai cấp. Năm 1968, trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 4, chính đồng chí Trường Chinh cũng đã xác định rõ nhiệm vụ và tiêu chí phê bình cho giới phê bình văn học: “Nhà phê bình văn nghệ của ta lúc này cần xem xét

110

một tác phẩm có phản ánh đúng những trào lưu cách mạng và tiến bộ trong nước và trên thế giới không, tư tưởng và tình cảm chủ đạo của tác phẩm có phù hợp với yêu cầu của cuộc đấu tranh của nhân dân ta và nhân dân thế giới không” [142; tr.186].

Phê bình một tác phẩm văn học cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ là một hiện tượng không hiếm gặp trong giai đoạn văn học 1945-1986. Có điều, việc phê bình ấy đã thực hiện được đúng, phù hợp với yêu cầu của nội dung đấu tranh tư tưởng hay nhiều khi còn rơi vào gán ghép, cực đoan, trói buộc, chụp mũ,… là vấn đề mà ngày nay chúng ta cần nhìn nhận lại, đánh giá một cách khách quan và chân thực hơn. Với ý nghĩa ấy, trong chương này của luận án, chúng tôi chú trọng mô tả nhằm giới thiệu một bức tranh chung về phê bình tác phẩm trong việc thực thi nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng của giai đoạn văn học này. Do khó khăn trong công tác sưu tập tư liệu, chúng tôi cố gắng dựng lại các sự kiện theo thời gian trên cơ sở những gì đang có. Với những cuộc phê bình lớn, số lượng bài phê bình sưu tập được nhiều, chúng tôi dành để phân tích như là những điểm nhấn. Những hiện tượng còn lại chúng tôi chỉ nêu khái quát và sẽ trở lại trong những công trình nghiên cứu về sau.

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 114)