Nhiệm vụ của nền phê bình văn học cách mạng

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 61)

5. Bố cục của luận án

3.1.3.Nhiệm vụ của nền phê bình văn học cách mạng

Đường lối văn nghệ của Đảng ngay từ lúc mới hình thành luôn chủ trương văn nghệ sĩ phải gắn liền với cuộc sống, phải lăn lộn trong đời sống hàng ngày của

57

quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng công nông binh, đồng thời phải luôn trau dồi thế giới quan Marxist, học tập một cách nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, phấn đấu để góp phần thực hiện đường lối, chính sách ấy trên mặt trận văn nghệ, bằng văn nghệ. Gắn liền với cuộc sống, phục vụ cách mạng, văn nghệ tất yếu phải hướng đến khẳng định cái mới, khẳng định thắng lợi của cái mới, tích cực tham gia đấu tranh cho cái mới. Văn nghệ phản ánh không phải để phản ánh, mà để cải tạo xã hội, cải tạo con người, nâng cao con người, cải tạo thế giới. Vậy cái mới mà văn học cách mạng cần hướng tới để phản ánh và xây dựng là gì? Trong thư gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ, đó là: “Những điển hình về con người mới của xã hội, những anh hùng mới của thời đại, những mặt tích cực của đời sống chúng ta hiện nay… Đó là những con người tích cực, những nhân vật đáng yêu của xã hội mà anh chị em văn nghệ nước

ta cần ra sức ca ngợi, biểu dương” [142; tr.8].

Đóng vai trò như là một nhân tố tổ chức tiến trình văn học, toàn bộ hoạt động phê bình trong nền văn học mới tất nhiên phải có nhiệm vụ phát hiện những cái hay, cái đẹp mới của văn học cách mạng. Thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba (1962) nêu nhiệm vụ: “Trên nguyên tắc tính đảng, phê bình phải có tác dụng cổ vũ những cái tốt, cái hay, phát hiện những tài năng, phát huy những phong cách mới; đồng thời cần phân tích một cách đúng đắn, thẳng thắn với thái độ chân thành những khuyết điểm, sai lầm của tác phẩm và tác giả” [142; tr.19]. Phê bình văn học phải nâng đỡ, ngợi ca, biểu dương những tư tưởng mới, những thành tựu mới trong sáng tác, khẳng định để biến những cái hay, cái đẹp ấy trở thành những điển mẫu của thời đại mới. Nền văn học mới đương nhiên gắn liền với một đội ngũ nhà văn mới. Đó có thể là những nhà văn lớp cũ đi theo cách mạng nhưng cần được cải tạo về tư tưởng; là những nhà văn mới xuất thân từ giai cấp công nông binh nhưng được bồi dưỡng và nâng đỡ, được trải nghiệm vốn sống và rèn luyện bản lĩnh qua những sắt lửa của đời sống cách mạng. Tất cả những nhiệm vụ ấy, Đảng giao phó cho phê bình văn học.

Bên cạnh nhiệm vụ khẳng định những thành tựu văn học mới, xây dựng đội ngũ nhà văn mới, phê bình văn học còn có trách nhiệm xác lập những kinh điển mới

58

của nền văn học cách mạng. Trong mấy chục năm hình thành và phát triển của văn học cách mạng, nhiều tác phẩm đã được giới phê bình văn học lựa chọn và xếp hạng vào hàng những tác phẩm xuất sắc, những chuẩn mực của văn học cách mạng. Trong số này, những sáng tác của Tố Hữu, Hồ Chí Minh còn được tôn vinh như là những kinh điển của thời đại.

Ở cuối mỗi giai đoạn văn học, phê bình cũng thường thực hiện nhiệm vụ tổng kết, đánh giá, khẳng định những ưu điểm, nhìn nhận lại để nhận ra những hạn chế và nêu phương hướng nhằm khắc phục những nhược điểm của nền văn học và của chính phê bình. Đó là nhiệm vụ tự nhận thức của phê bình văn học. Với văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1986, sự tự nhận thức về nền văn học là một điểm mới của phê bình, một nhiệm vụ mà phê bình văn học chưa từng thực hiện, chưa có dịp được thực hiện trong lịch sử văn học.

3.2. Phê bình văn học thực hiện chức năng khẳng định các giá trị của nền văn học cách mạng

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 61)