5. Bố cục của luận án
2.1.2. Đối tượng và phạm vi của phê bình văn học
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “Cơ sở để xác lập đối tượng của phê bình văn học là hoạt động tiếp nhận của người đọc. Trong mỗi thời đại, người đọc tiếp nhận tác phẩm văn học của mọi thời, chứ không riêng gì tác phẩm đương đại. Có tiếp nhận thì có nhu cầu tìm hiểu sâu và đánh giá, và từ đó có nhu cầu phê bình” [129; tr.289]. Quan điểm này thống nhất với cách xác định đối tượng phê bình văn học của một số học giả phương Tây như René Wellek và Austin Warren. Hai tác giả này cho rằng bất cứ việc nghiên cứu, thẩm định tác phẩm cụ thể nào nói chung đều thuộc vào lĩnh vực phê bình.
Như thế, có thể hiểu, đối tượng của phê bình văn học là các hiện tượng văn học cụ thể bao gồm tác phẩm, nhà văn, quá trình sáng tác và tiếp nhận văn học. Phê bình văn học không chỉ quan tâm đến các hiện tượng văn học đương thời mà còn bao gồm cả các hiện tượng văn học trong quá khứ, miễn là những hiện tượng này có ý nghĩa thời đại, trở thành sự kiện của văn học đương đại được xem xét theo quan điểm đương đại. Tuy vậy, phê bình văn học thường dành sự ưu tiên chủ yếu cho sáng tác của thời mình với các sự kiện có tác động trực tiếp đến tiến trình văn học trước mắt. Trong khi đó, đối với các hiện tượng văn học trong quá khứ, phê bình văn học phát hiện và đem tới cho người đọc đương thời những giá trị phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Tuy nhiên câu chuyện về đối tượng của phê bình văn học không chỉ đơn giản như thế. Tiếp nhận văn học và phê bình văn học là một hoạt động có tính lịch sử, là sản phẩm của lịch sử và biến đổi theo lịch sử. Phê bình văn học lúc đầu chỉ chú ý đến thể loại, tới chuẩn mực và phong cách ngôn ngữ, dần dần chú ý tới cá tính và phong cách của nhà văn. Tiếp đến là vấn đề tiểu sử, bối cảnh xã hội, nội dung lịch sử, xã hội, ý thức hệ của tác phẩm. Đến thế kỉ XX, phê bình quan tâm đến văn bản, cấu trúc của tác phẩm, thế giới nghệ thuật, thi pháp của tác phẩm,... Như vậy, tuy
29
vẫn lấy tác phẩm làm đối tượng cơ bản, song đối tượng của phê bình văn học đã có sự chuyển dịch theo điểm nhìn của chủ thể phê bình. Ngày nay, câu chuyện đối tượng phê bình gắn liền với trường phái và phương pháp phê bình. Vậy nên, không thể xác định đối tượng của phê bình văn học chỉ bằng một cách duy nhất và một chiều như trước được.
Về phạm vi, phê bình văn học có một phạm vi rộng. Từ lời nhận xét có tính chất chủ quan của một người đọc thông thường đến những công trình phê bình nặng tính chất học thuật của các nhà nghiên cứu, từ các hình thức phê bình miệng đến các hình thức của phê bình viết, tất cả đều thuộc phạm vi của hoạt động phê bình văn học. Nói một cách tổng quát, phê bình văn học gồm ba khu vực: phê bình của người đọc, phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghệ sĩ. Trong số này, phê bình của người đọc là hình thức phổ biến, phổ thông nhất. Bất cứ ai đọc văn học đều có những phán đoán, những sự khen chê của riêng mình. Hình thức phổ biến nhất của bộ phận phê bình của người đọc là phê bình miệng. Ở giai đoạn sơ khai, nó là các ý kiến phát biểu trong các buổi sinh hoạt văn chương theo nhóm, sau được nâng lên thành các bài diễn thuyết, bài giảng văn học. Khi báo chí phát triển, các hình thức phê bình của người đọc cũng được mở rộng và trở nên phong phú hơn. Các bài đưa tin, điểm sách, phỏng vấn, toạ đàm,… đều là những hình thức phát triển của phê bình người đọc. Ưu điểm của phê bình người đọc là sự nhanh, nhạy, sốt dẻo với những cách nhìn đa dạng và cũng không kém phần sinh động. Phê bình của người đọc nhiều khi phát hiện được những vấn đề hay, sắc sảo nhưng thường không phân tích, lí giải được một cách cụ thể, cặn kẽ. Phê bình của người đọc gắn với báo chí nên nhiều khi nó trở thành một thứ quyền lực rất mạnh mẽ. Nó có khả năng tạo ra dòng dư luận trong đánh giá các hiện tượng văn học, đưa các cuộc trao đổi đến các cuộc bút chiến trong văn học, có khi gây được sự chú ý trong toàn xã hội. Chính vì thế, muốn hiểu đời sống văn học trong xã hội người ta bắt buộc phải tìm đến phê bình của người đọc, đặc biệt là hoạt động phê bình văn học trên báo chí.
Khu vực thứ hai là phê bình chuyên nghiệp. Đây là kiểu phê bình đề cao tính chất khoa học. Các nhà phê bình thuộc nhóm này thường là nhà nghiên cứu có hệ thống lí luận và phương pháp riêng. Phê bình chuyên nghiệp lấy tác phẩm văn học
30
làm đối tượng nghiên cứu nhưng cũng đề cao những am hiểu về tác giả, thời đại, quá trình sáng tác và tiếp nhận. Hơn nữa, do áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học nên loại phê bình này thường có được những phân tích thấu đáo, cung cấp những đánh giá chính xác, khoa học, toàn diện và thuyết phục.
Loại thứ ba là phê bình nghệ sĩ, tức là phê bình của các cây bút là các nhà văn, nhà thơ lớn. Đặc điểm nổi bật của kiểu phê bình này là tính chất ngẫu hứng. Người phê bình thuộc nhóm này thường lựa chọn những tác giả, tác phẩm mà họ tâm đắc, các thủ pháp nghệ thuật mà họ yêu thích để đưa ra những phán đoán, những lời bình tán. Văn phong phê bình của họ thường cũng đậm đà tính nghệ thuật, thể hiện sự sắc sảo, tinh tế, hóm hỉnh và cô đúc. Tuy nhiên, loại phê bình này nhiều khi nặng về chi tiết, cảm tính và ít có hệ thống. Tất nhiên không phải nhà văn lớn nào cũng có thể trở thành nhà phê bình giỏi. Nhiều người là nhà văn, nhà thơ, nhưng cũng chỉ viết được kiểu phê bình báo chí mà thôi. Điều này cho thấy sự phân loại trên đây cũng chỉ mang tính chất tương đối. Đây không phải là sự phân loại các nhà phê bình mà chỉ là phân loại các bộ phận của một nền phê bình trong một thời kì văn học.
Trong một nền phê bình văn học phát triển, ba loại phê bình trên đều có vị trí không thể thay thế. Muốn nghiên cứu toàn diện nền phê bình văn học thì phải sưu tập đầy đủ phê bình báo chí theo từng năm, từng thời kì và sưu tập các công trình phê bình của các nhà nghiên cứu, nhà văn lớn. Tuy nhiên, trong công trình này, với mục đích nghiên cứu như đã nói đến ở trên, chúng tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực phê bình báo chí, loại phê bình thể hiện tập trung nhất cho sự vận động của đời sống văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1986. Đây cũng là khu vực mà chức năng điều tiết nền văn học của phê bình được thể hiện nổi bật hơn cả.