Chức năng của phê bình văn học

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 40)

5. Bố cục của luận án

2.2. Chức năng của phê bình văn học

Nói đến chức năng là nói đến lí do mà vì nó phê bình văn học đã xuất hiện, tồn tại và phát triển. Chức năng của phê bình, đó là vai trò mà phê bình đảm nhiệm trong đời sống của văn học và của xã hội.

Chức năng phê bình văn học cổ xưa nhất là đánh giá về giá trị đạo đức của văn học. Khổng Tử sau khi san định Kinh thi đã nhận xét: “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi: tư vô tà” (Thơ ba trăm bài, một lời khái quát rõ tư tưởng: không xằng bậy). Platon, trong cuốn Quốc gia lí tưởng, từng đòi đuổi thơ ra khỏi vương quốc lí tưởng của ông, vì có những sáng tác thơ ca đã nói đến khuyết điểm của các thần linh. Khi văn học đã phát triển, có nhiều vấn đề đặt ra cho phê bình và chức năng của phê bình cũng phong phú, đa dạng hơn.

Từ thế kỉ XVIII, XIX, ở phương Tây, khuynh hướng phê bình xã hội lịch sử rất thịnh hành. Nguyên tắc cơ bản của khuynh hướng phê bình này là đặt tác phẩm trong bối cảnh lịch sử xã hội nhất định, đồng thời còn liên hệ với cuộc sống nhà văn

36

mà phân tích đánh giá. Từ nguyên tắc này, Sainte Beuve cho rằng chức năng của phê bình là phải “nghiên cứu và phát hiện cho được những sự việc xác thực liên quan đến nhà văn và lịch sử văn học” [75; tr.152]. Trong khi đó, nhà phê bình Nga Bielinxki thì cho rằng phê bình cũng là văn học, một bên là tư duy lôgic, một bên là tư duy hình tượng “cả hai đều là con đẻ tinh thần của thời đại, cả hai đều là sự nhận thức thời đại, khác nhau là ở chỗ, phê bình là nhận thức triết học, nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp” [90].

Đầu thế kỉ XX, các nhà chủ nghĩa hình thức Nga quan niệm đối tượng của phê bình văn học “không phải là tác phẩm văn học cụ thể, mà là tính văn học”, nên chức năng của phê bình văn học là phải hướng tới khám phá những vấn đề thuộc về hình thức thẩm mĩ của tác phẩm văn chương. Đến thế kỉ giữa XX, với việc xác định đối tượng của phê bình không phải là “thế giới”, mà là một diễn ngôn, diễn ngôn của một diễn ngôn khác, nhà lí luận phê bình tiêu biểu của chủ nghĩa cấu trúc R.Barthes cho rằng chức năng của phê bình không phải là “khám phá” trong nhà văn hay tác phẩm được nghiên cứu một cái gì đó “bị che khuất”, “sâu kín”, “bí mật” mà chỉ là làm sao gắn kết cái ngôn ngữ của thời đại chúng ta với hệ thống hình thức đã được tác giả tạo ra trước đó,...

Có thể nói, có bao nhiêu trường phái thì có bấy nhiêu quan niệm về chức năng của phê bình. Tất nhiên, điều này cũng có liên quan đến việc chuyển dịch đối tượng của phê bình theo thời gian như đã nói đến ở trên. Tuy vậy, theo chúng tôi, phê bình văn học là sự thẩm định, bình giá, lí giải tác phẩm và các hiện tượng văn học trên cơ sở quan niệm văn học và thang bậc giá trị, qua đó tác động đến sự sáng tạo của nhà văn và tiếp nhận của công chúng và rộng hơn là cả tiến trình văn học. Đó là chức năng cơ bản, chung nhất và bền vững của phê bình văn học. Dưới đây, chúng tôi cụ thể hoá chức năng của phê bình văn học thành năm phương diện.

Một phần của tài liệu Phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 (Nhìn từ phương diện chức năng) (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)