5. Bố cục của luận án
2.1.4. Phương pháp phê bình văn học
Phê bình văn học là một khoa học nên tất yếu có vấn đề phương pháp. Ai cũng có thể tham gia vào hoạt động phê bình văn học nên lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều cách vận dụng khác nhau. Xã hội càng phát triển, các thành tựu nghiên cứu của khoa học tự nhiên và xã hội càng nhiều thì các phương pháp phê bình văn học càng trở nên đa dạng. Tuy nhiên, tựu trung lại, có thể kể đến ba nhóm phương pháp phê bình văn học:
Thứ nhất, phương pháp phê bình dựa trên kinh nghiệm. Với phương pháp phê bình này, nhà phê bình dựa nhiều vào “trực cảm”, dựa vào vốn sống, vốn hiểu biết về văn chương kết hợp với khả năng giải thích để giảng giải, bình chú, đưa ra những phán đoán về các hiện tượng văn học. Một số nhận định của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam và Nói chuyện thơ kháng chiến có thể xem là những minh chứng cho phương pháp phê bình này. Ngày nay, khi các lí thuyết phê bình đã trở nên hết sức quen thuộc thì phương pháp phê bình dựa trên kinh nghiệm vẫn tồn tại và vẫn có những đóng góp quan trọng trong đời sống phê bình văn học.
Thứ hai, phương pháp phê bình dựa trên các quan niệm, tiêu biểu là phương pháp phê bình dựa trên các quan niệm về luân lí, đạo đức và phương pháp phê bình dựa trên các quan niệm về chính trị, xã hội, lịch sử.
Phương pháp phê bình dựa trên các quan niệm về đạo đức, luân lí ra đời rất sớm từ khi con người quan tâm đến ý nghĩa giáo dục của văn chương, coi văn chương là một trong những nhân tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên và xã hội. Nó bị chi phối bởi các quan niệm “văn dĩ minh đạo”, “văn dĩ tải đạo” của Nho giáo phương Đông hay quan niệm “tác phẩm văn học phải có ích đến chúng ta” của Platon ở phương Tây.
Phê bình đạo đức luân lí luôn tồn tại bởi bất kì một cộng đồng hay thể chế chính trị nào trong lịch sử nhân loại cũng đều có những quy định về đạo đức bên
34
cạnh những quy định về pháp luật. Văn học có nguồn mạch từ cuộc sống nhân sinh đa dạng, phức tạp nên phê bình văn học không thể không có sự nhìn nhận từ góc độ luân lí, đạo đức của con người.
Phương pháp phê bình dựa trên các quan niệm về chính trị, xã hội, lịch sử giải thích văn học trong mối quan hệ với đời sống lịch sử xã hội. Phương pháp này dựa trên quan niệm văn học phản ánh thực tại, tái hiện, tái tạo cuộc sống; văn học hình thành và phát triển theo những điều kiện xã hội lịch sử nhất định. Phê bình chính trị, xã hội, lịch sử xem giá trị chủ yếu của văn chương là tác dụng nhận thức xã hội, có khả năng cải tạo xã hội. Nguyên tắc phê bình của phương pháp này là đặt tác phẩm, tác giả và các hiện tượng khác của văn học vào mối quan hệ với đời sống và hoàn cảnh xã hội lịch sử đã sản sinh ra chúng để giải thích, phân tích và bình giá. Phương pháp phê bình này có nguồn mạch từ xa xưa. Ở phương Đông, thời Chiến quốc, Mạnh Tử từng viết: “Tụng kì thi, độc kì thư, bất tư kì nhân khả hồ? Thị dĩ luận kì thế dã” nghĩa là “Ngâm thơ, đọc sách của ai, há không thể biết được con người của họ sao? Chính là lấy những cái đó để bàn thời thế vậy” [127; tr.173]. Trong khi đó, ở phương Tây, phương pháp phê bình này hình thành trong sự dung hợp với phê bình đạo đức luân lí từ thời Hi Lạp - La Mã. Đến thế kỉ XVIII, Vicos Giambattixta (1688-1744) nhà triết học, xã hội học người Ý trong tác phẩm Những
cơ sở của khoa học mới về bản chất chung của các dân tộc (1725) đã bắt đầu nêu ra
phương pháp phê bình kết hợp giữa tác phẩm với bối cảnh lịch sử và thân thế tác giả. Phương pháp phê bình này được áp dụng rộng rãi ở thế kỉ XVIII, XIX và là phương pháp chủ đạo của phê bình Marxist với các tác giả nổi tiếng như: G.V.Plekhanov, P.Laphargue, F.Merring, A.V.Lunacharski, G.Lukacs,...
Thứ ba, nhóm phê bình theo hướng học thuật, nghĩa là phương pháp phê bình văn học dựa trên các hệ thống lí thuyết và thao tác riêng. Từ thế kỉ XIX, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều trường phái triết học và ngôn ngữ học đã tác động sâu sắc đến nghiên cứu phê bình văn học. Thi pháp học hiện đại từ chối thi pháp học truyền thống. Phê bình ngôn ngữ vận dụng các lí thuyết ngôn ngữ học vào giải thích, tiếp nhận văn học. Nó hướng đến giải thích, nhận xét văn học
35
bằng hình thức cấu trúc ngôn ngữ văn học. Việc ra đời các lí thuyết văn học của chủ nghĩa Marx, phân tâm học, ngôn ngữ học, lí thuyết hệ thống, lí thuyết kí hiệu, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh, triết học hiện tượng luận, giải thích học… khiến cho phê bình văn học hình thành thêm nhiều trường phái khác nhau với những phương pháp hết sức đa dạng và phức tạp. Ví dụ, riêng các trường phái, khuynh hướng phê bình dựa vào văn bản tác phẩm, coi tác phẩm văn chương là một tổ hợp kí hiệu làm bằng ngôn ngữ đã có thể kể đến hàng loạt như: trường phái hình thức Nga với hai nhóm Moskva và Peterburg đứng đầu là R.Jakobson và V.Shklovski, trường phái “Phê bình mới” Anh - Mĩ đại biểu là I.A.Richards và T.S.Eliot, thi pháp học cấu trúc bắt đầu với nhóm ngôn ngữ học Praha dựa vào tư tưởng ngôn ngữ học của F. de Sausure,...
Mỗi phương pháp phê bình theo hướng học thuật trên đây có một thế mạnh riêng nhưng không có phương pháp nào là tuyệt đối. Dù nghiên cứu cùng một đối tượng nhưng các kết luận trong nghiên cứu phê bình văn học cũng rất ít khi hoàn toàn gặp nhau hoặc trùng khít nhau. Điều đó cho thấy mọi phán đoán trong phê bình văn học bao giờ cũng có tính chân lí tương đối.